Trở về trường sau 23 ngày xung phong tham gia "chiến đấu" ở tâm dịch Bắc Giang, nữ sinh Hoàng Anh, Đại học Y Dược Hải Phòng đan xen cảm xúc vui buồn. Em vui vì sau những ngày dài làm việc vất vả với cường độ cao thì giờ đây em có thời gian nghỉ ngơi, và trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng em lại nhớ những ngày đi lấy mẫu xuyên đêm, nhớ con người thân thiện và tấm lòng yêu thương của nhân dân Bắc Giang.
Ba tuần xa nhà, Hoàng Anh gầy và đen đi nhiều. Tuy nhiên, với em đây là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời sinh viên và cũng có thể là trong cả cuộc đời mình. Những tháng ngày đầy vất vả nhưng rất tự hào, góp một chút công sức nhỏ bé giúp cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng sớm ngày đẩy lùi dịch bệnh.
23 ngày chiến đấu
Ngày đầu bước chân vào tâm dịch Bắc Giang, khi ấy em chưa hình dung được những khó khăn phía trước, chỉ được nghe các anh chị đi trước dặn dò phải thật cẩn thận và tự chăm sóc tốt cho bản thân, có như thế mới giúp đỡ được người khác. Đây cũng là lần đầu tiên Hoàng Anh xa nhà để tham gia chống dịch, làm việc như một bác sĩ thực thụ giữa tâm dịch.
Nữ sinh Hoàng Anh - Đại học Y Dược Hải Phòng.
Ban đầu Hoàng Anh và 81 sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng khá e ngại vì tình hình dịch ở Bắc Giang khi ấy quá nguy hiểm, chưa xác định chính xác được nguồn lây và các F từng tiếp xúc thế nào. Điều Hoàng Anh sợ nhất là nếu không may nhiễm bệnh thì sẽ trở thành gánh nặng cho cả đoàn chi viện và địa phương.
Bố mẹ ở nhà thường xuyên theo dõi tin tức, nhắn tin dặn dò và hỏi thăm em mỗi ngày. Em biết, dù rất nóng lòng nhưng bố mẹ không nói ra, chỉ động viên tinh thần con gái cố gắng và giữ gìn sức khoẻ. "Chuyến đi này là thách thức cũng là cơ hội để con biết cách vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn và sẽ trưởng thành hơn mỗi ngày. Không phải ai cũng có cơ hội được vào làm việc trong tâm dịch. Con phải trân trọng và cố gắng hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả ấy", Hoàng Anh nhớ lời bố mẹ an ủi.
Hoàng Anh cùng giảng viên, sinh viên tình nguyện được phân công làm việc tại "chiến trường" các thôn thuộc xã Nghĩa Trung, Bích Động, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Đoàn chi viện của Đại học Y Dược Hải Phòng chia thành các nhóm nhỏ đến từng thôn để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
Nhiệm vụ chính của em là lấy mẫu xét nghiệm, rà soát và truy vết các F, gọi, check thông tin, lấy mẫu, thực hiện test nhanh, báo cáo bàn giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang- cán bộ của trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Trực tiếp làm việc giữa tâm dịch, Hoàng Anh hiểu rằng, đợt dịch này khó khăn hơn gấp bội những lần trước, không chỉ bởi các ổ dịch mở rộng hơn, mà thời tiết lần này cũng là thử thách. Có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 - 50 độ C.
Khó khăn chồng chất khó khăn, đỉnh điểm có ngày đội của Hoàng Anh phát hiện hơn 150 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Số ca mắc theo công bố của CDC Bắc Giang và Bộ Y tế tăng lên từng giờ cộng với thời tiết ở miền Bắc trời nóng như đổ lửa, khiến đoàn chi viện ai ai cũng gần như kiệt sức.
Sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng nghỉ giải lao sau nhiều giờ làm việc liên tục.
Uống mồ hôi thay nước
Suốt thời gian từ khi bắt đầu di chuyển ra nơi lấy mẫu xét nghiệm, đến khi bàn giao xong các mẫu cho trung tâm y tế, Hoàng Anh và các bạn không được phép cởi bỏ đồ bảo hộ. Mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, kèm theo ba chiếc khẩu trang gộp lại để đeo, em vừa khó thở, vừa bị mất nước.
Cảm giác khi ấy vô cùng ngột ngạt, khó chịu và kiệt sức. Mồ hôi đua nhau chảy làm cay xè khoé mắt nhưng không thể đưa tay lên mắt để lau, miệng thì khát khô mà không thể uống nước. Vị mặn của mồ hôi là thứ nước duy nhất em nước nếm khi ấy.
Khó khăn hơn, em và các bạn nữ thường xuyên phải nhịn tiểu, nó trở thành "thói quen bất đắc dĩ" trong suốt 23 ngày chiến đấu ở tâm dịch Bắc Giang.
Sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng ngâm chân vào chậu nước đá, dội nước để giảm nhiệt.
Địa hình một số nơi ở huyện Việt Yên, Bắc Giang cũng gây khó khăn cho việc di chuyển của đoàn. Nhiều hôm để nhanh lấy được các mẫu xét nghiệm, các nhóm chi viện phải làm việc xuyên đêm. Những lúc tưởng chừng ngất đi vì quá mệt thì Hoàng Anh lại nhận được những lời động viên đầy yêu thương của người dân nơi đây. Sự ấm áp và guồng công việc liên tục ở tâm dịch không cho phép Hoàng Anh và mọi người gục ngã, tinh thần làm việc luôn ở mức cao nhất 100% sức lực.
8 đến 12 giờ làm việc liên tục mỗi ngày, chân tay Hoàng Anh mỏi rã rời, miệng khát khô. Sau khi được khử khuẩn, em cởi bỏ từng lớp đồ bảo hộ theo quy trình để tránh tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài. Bộ quần áo bên trong luôn ướt sũng như vừa lặn biển về. Cái mùi mặn chát của mồ hôi cùng mùi nồng nặc của cồn khử khuẩn thật sự ám ảnh.
Khó nhọc là vậy nhưng Hoàng Anh luôn ý thức về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, chỉ cần một sơ suất nhỏ đều có thể trở thành F0. Nữ sinh và các bạn vẫn luôn lạc quan, yêu đời, lấy công việc làm niềm vui, niềm tự hào. Vui nhất là những lúc được người dân Bắc Giang giúp đỡ, hỏi thăm, động viên.
Ngày nào đến thôn, xã lấy mẫu, các em cũng được di chuyển thôn bằng "xe mui trần"- công nông, xe ba gác... Một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Không chỉ vậy, người địa phương luôn nhiệt tình hỗ trợ chuẩn bị bàn ghế phục vụ cho công tác lấy mẫu, chỉ dẫn giúp các nhóm trong đoàn di chuyển đến các điểm lấy mẫu trong thôn, xã nhanh chóng.
Sau chuyến đi này, cô sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm chyên môn và cuộc sống. Đây là chuyến đi đáng nhớ nhất cuộc đời em. Món quà lớn nhất em nhận được trong lần tình nguyện này là sự trưởng thành, kỷ niệm và những bài học.
Sinh viên Đại học Y Dược Hải Phòng trở về trường sau 23 ngày chi viện cho tâm dịch Bắc Giang.
Kết thúc hành trình 23 ngày chống dịch, Hoàng Anh vẫn chưa được về nhà ngay. Em và các bạn sẽ thực hiện cách ly tập trung 21 ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng). Em mong Bắc Giang sẽ sớm đẩy lùi, ngăn chặn được hoàn toàn dịch bệnh. "Hẹn gặp lại Bắc Giang vào một ngày không xa, nhưng khi đó không gặp nhau trong bộ đồ bảo hộ, thay vào đó là những bó hoa và kỉ niệm đẹp luôn còn mãi", Hoàng Anh nói.