Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

2024, chiến sự Nga – Ukraine bước sang năm thứ 3

(VTC News) -

Đã gần 2 năm kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đến nay tương lai cuộc xung đột vẫn chưa thể xác định.

Hiện tại, cả Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục duy trì các hoạt động quân sự của mình. Trong khi đó, nguồn tin phương Tây cho rằng đã đến lúc tìm kiếm giải pháp khác để giải quyết cuộc xung đột này. Bước sang năm 2024, tình hình chiến sự tại Ukraine tiếp tục nhận được sự quan tâm của thế giới, đặc biệt khi tình hình thế giới đang xuất hiện thêm những diễn biến phức tạp và sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev không còn được như trước.

Nguồn viện trợ phương Tây giảm sút

Kết thúc năm 2023, Ukraine đang đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược, nhân lực và thiếu sự hỗ trợ của phương Tây. Cuộc phản công mà nước này phát động cách đây 6 tháng cũng chưa mang lại kết quả. 

Trong gần 2 năm qua, một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Ukraine duy trì lực lượng trên chiến trường là nguồn viện trợ đến từ các nước đồng minh phương Tây, bao gồm Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, khi xung đột kéo dài, ngày càng nhiều người dân ở các quốc gia này cảm thấy mệt mỏi. Các khoản viện trợ, do đó, cũng bị ảnh hưởng phần nào.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng ngày 12/12. (Ảnh: Reuters)

Tại Mỹ, vào đầu tháng 12 vừa qua, các nhà lập pháp đã quyết định không thông qua gói thông qua dự luật chi tiêu, trong đó có việc phân bổ thêm 50 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine. Lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra, viện trợ cho Ukraine đã bị chặn lại tại quốc hội Mỹ. Một số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện vẫn kiên quyết phản đối viện trợ cho Kiev, yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden đầu tư hơn cho chính sách kiểm soát biên giới của Mỹ.

Đến nay, Tổng thống Joe Biden chỉ mới có thể cam kết một khoản hỗ trợ mới trị giá 200 triệu USD cho Kiev. Khoản viện 200 triệu USD mới nhất này được theo Quyền rút vốn của tổng thống (PDA), cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden chuyển vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội nước này trong trường hợp khẩn cấp.

Trong một nỗ lực thuyết phục các nhà lập pháp, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, việc các nhà lập pháp không phê duyệt gói hỗ trợ này có thể coi là “món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất” mà họ tặng cho Tổng thống Putin. Nhưng những lời lẽ thuyết phục của Tổng thống Zelensky dường như không hiệu quả, ít nhất là ở thời điểm hiện tại vì các thành viên trong Đảng Cộng hòa tại Quốc hội khẳng định, họ chỉ đồng ý cung cấp viện trợ bổ sung cho Ukraine khi chính quyền Biden thực hiện những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn người di cư ở biên giới phía Nam. Sau cuộc gặp Tổng thống Zelensky, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết, thái độ hoài nghi của ông đối với Ukraine vẫn không thay đổi.

Những thông điệp từ Nga và Mỹ cho thấy áp lực ngày càng gia tăng đối với Ukraine khi nước này chuyển sang thế phòng thủ và chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt trong bối cảnh tình trạng thiếu năng lượng trở nên trầm trọng hơn và Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng. Ukraine đang tìm mọi cách duy trì sự ủng hộ của Mỹ - đối tác quan trọng nhất của họ, trong khi Washington đang bận tâm với một cuộc chiến khác ở dải Gaza và chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024.

Trong khi đó, tình hình tại châu Âu cũng không thực sự ủng hộ ông Zelensky. Ngày 15/12, Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không thể thông qua đề xuất viện trợ bổ sung cho Kiev và đề xuất xem xét lại phân bổ ngân sách của khối này. Điều này khiến khoản viện trợ bổ sung trị giá 50 tỉ euro (54 tỉ USD) cho Ukraine vẫn chưa được chấp thuận. Cả hai đề xuất này đều đã bị Thủ tướng Hungary Viktor Orban phủ quyết. Trước đó, ông Orban khẳng định việc cưỡng ép đưa ra quyết định về vấn đề Ukraine sẽ hủy hoại sự đoàn kết nội khối EU.

Theo đó, EU đang chuẩn bị cho một kế hoạch dự phòng trị giá 20 tỷ euro để giúp Ukraine vượt qua cuộc khủng hoảng ngân sách, trong trường hợp Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục phản đối việc viện trợ cho Kiev.

Kế hoạch này sẽ được thông qua nếu các quốc gia thành viên tham gia ban hành bảo lãnh cho ngân sách EU, đảm bảo Ủy ban châu Âu (EC) có thể vay 20 tỷ euro trên thị trường vốn và cung cấp cho Kiev vào năm tới – những bên liên quan cho biết. Đến nay, những điều khoản chi tiết vẫn đang được thảo luận và số tiền cuối cùng sẽ được ấn định theo nhu cầu của Ukraine.

Cơ chế hỗ trợ này tương tự với gói bảo hiểm thất nghiệp trị giá 100 tỷ euro mà EC dành cho các thành viên EU trong thời đại dịch COVID-19.

Quan trọng hơn cả, kế hoạch này chỉ yêu cầu sự bảo lãnh từ các thành viên tham gia chính – những quốc gia xếp hạng tín dụng lần đầu – thay vì tất cả các quốc gia thành viên EU. Điều này sẽ giúp khối tránh được việc phủ quyết từ Hungary do không đòi hỏi tất cả phải tán thành.

Ukraine gặp khó trên chiến trường

Ukraine từng kỳ vọng kết thúc chiến sự trong năm 2023 bằng chiến dịch phản công quy mô lớn. Tuy nhiên, Kiev đã không thể xuyên thủng phòng tuyến kiên cố được Nga củng cố trong nhiều tháng.

Khác với những gì xảy ra vào cuối năm 2022, chiến dịch phản công năm 2023 của Ukraine đã nhanh chóng lâm vào bế tắc, khiến một số người cho rằng Ukraine sẽ không có bất kỳ cơ hội để đẩy lùi Nga và giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ quan trọng. Nhiều người còn dự đoán, tình thế bất lợi có thể khiến Kiev chấp nhận ngừng bắn và phải ngồi vào bàn bàn đàm phán.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang quyết liệt hơn khi phát động các cuộc tấn công. Chỉ huy của lực lượng mặt đất Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi cho hay, sau nhiều tuần tập trung vào thành phố Avdiivka, giữa tháng 12 vừa qua, Moskva đã bắt đầu cuộc tổng tấn công dọc theo mặt trận phía Đông.

Tình hình chiến sự Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp và khó đoán. (Ảnh: Reuters) 

Nguồn dự trữ quân sự của quân đội phương Tây, vốn không không lường trước được một cuộc chiến pháo binh lớn, đang cạn kiệt. Ngoài ra, Ukraine cũng cần đạn dược cho hệ thống phòng không vì lo ngại máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga sẽ xuyên thủng mạng lưới phòng không bao phủ thủ đô Kiev và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Dù vậy, theo ông Mark Temnycky, chuyên gia từ Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, trong suốt thời gian giao tranh, tinh thần chiến đấu của Ukraine vẫn luôn ở mức cao. Phần lớn người dân Ukraine ủng hộ Tổng thống Volodymyr Zelensky và quân đội nước nà tin rằng họ sẽ giành thắng lợi cuối cùng, đẩy toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ.

Quân đội Ukraine vẫn cam kết tiếp tục chiến đấu với quyết tâm giành chiến thắng. Chiến tuyến nhiều khả năng sẽ đóng băng trong mùa đông khắc nghiệt, nhưng khi thời tiết ấm lên, quân đội Ukraine có thể tiếp tục chiến dịch phản công, tìm kiếm những cách thức mới để chọc thủng phòng tuyến của Nga ở miền Nam và miền Đông.

Xung đột sẽ kết thúc trong năm 2024?

Kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, đến nay, Nga đã đạt được những tiến bộ đáng kể trên chiến trường. Hiện tại, Nga giành quyền kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014.

Trong khi đó, Ukraine đặt mục tiêu là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crimea chưa thực hiện được. Lực lượng Ukraine đã không thể chọc thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga ở phía Đông và phía Nam, một phần do Moskva thường xuyên sử dụng máy bay không người lái để theo dõi các cuộc tấn công của Ukraine và đưa ra phản ứng nhanh chóng.

Các quan chức quân sự Ukraine mong đợi Kiev sẽ tiếp tục chiến dịch phản công giành lại lãnh thổ vào năm 2024. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng mục tiêu thực tế hơn đối với Ukraine trong năm tới là ngăn chặn đà tiến quân của Nga, đồng thời củng cố lực lượng và tiến hành thêm các cuộc tấn công như ở Crimea. Các mục tiêu tấn công trong giai đoạn tới có thể bao gồm các nhà máy sản xuất vũ khí, kho vũ khí và các tuyến đường để vận chuyển đạn dược của Nga.

Tờ New York Times cho rằng, mục tiêu của Ukraine là tạo ra mối đe dọa đủ lớn để Nga có thể cân nhắc việc ngồi vào bàn đàm phán vào cuối năm 2024 hoặc vào năm 2025.

Tuy nhiên, theo ông Mark Temnycky, chuyên gia từ Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, với việc cả Ukraine và Nga hiện tại đều không sẵn sàng đàm phán, cách duy nhất để kết thúc xung đột có lẽ là trên chiến trường.

Kông Anh

Tin mới