Các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhất trí thông qua nghị quyết do các thành viên Liên minh châu Âu, các quốc gia châu Phi và các quốc gia khác kêu gọi, nhằm "đánh giá toàn diện" một cách độc lập về phản ứng của WHO với đại dịch COVID-19.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
194 quốc gia thành viên của WHO đều đồng ý với nghị quyết do Liên minh châu Âu đưa ra, thay mặt cho hơn 100 quốc gia trong đó có Australia, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trung Quốc đã ký kết với tư cách là nhà đồng bảo trợ vào phút cuối, cho phép nghị quyết được thông qua.
Nghị quyết cho hay cuộc điều tra nên bao gồm cả việc xem xét những hành động của WHO, cũng như các mốc thời gian hành động của tổ chức này liên quan đến COVID-19.
"Đánh giá toàn diện" này nhằm xem xét "bài học kinh nghiệm" từ sự điều phối phản ứng toàn cầu của WHO trước sự bùng phát virus. Vẫn chưa rõ đánh giá sẽ được tiến hành cụ thể khi nào và do ai chủ trì.
Nghị quyết cũng chỉ ra "vai trò của tiêm chủng rộng rãi đối với COVID-19 là hàng hóa công cộng toàn cầu" và kêu gọi các tổ chức quốc tế "hợp tác làm việc" để sản xuất thuốc và vaccine an toàn, hiệu quả, có giá phải chăng.
Mỹ trước đó đã chỉ trích mạnh mẽ cơ quan y tế Liên hợp quốc và mối quan hệ của họ với Trung Quốc, nơi dịch bệnh được phát hiện đầu tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đóng băng tài trợ WHO vĩnh viễn nếu tổ chức này không có những cải cách phù hợp, độc lập khỏi Trung Quốc trong vòng 30 ngày. Đồng thời, Mỹ có thể muốn rút tư cách thành viên khỏi tổ chức này.