Theo Bộ NN&PTNT, thị trường trái cây trong 5 tháng đầu năm 2018 có nhiều biến động, do điều kiện thời tiết cũng như nhu cầu tăng giảm thất thường. Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4/2018, tại ĐBSCL, nhà vườn trồng mít Thái Lan siêu sớm thu nhập khá với giá mít dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg, giá sầu riêng cũng ở mức này do nhu cầu tăng mạnh từ các thương lái Trung Quốc.
Trong tháng 4 và tháng 5/2018, một số loại trái cây tại khu vực ĐBSCL có giá giảm do nguồn cung dồi dào vì vào thời điểm chính vụ như xoài Cát Chu được bán với giá 36.000 đồng/kg, xoài Tứ quý 37.500 đồng/kg, xoài xanh giống Thái Lan với giá 40.000 đồng/kg, xoài giống Đài Loan đạt 22.000đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 69.000 đồng/kg, xoài keo 22.500 đồng/kg, xoài giống Australia có giá 46.500 đồng/kg, mức giá này giảm so với 2 tháng trước đó.
Thị trường rau củ trong 5 tháng đầu năm 2018 ổn định, do điều kiện thời tiết thuận lợi cũng như sự đa dạng của các loại rau đáp ứng đủ nhu cầu của các tỉnh trên toàn quốc.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 5/2018 ước đạt 350 triệu USD, tăng nhẹ so với tháng trước, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế đến hết tháng 5/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, dưa hấu là những mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng quả và quả hạch của Việt Nam. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng xoài trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 104,5 triệu USD, tăng 103,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặt hàng xoài xuất khẩu chủ yếu tới một số thị trường chính trong 4 tháng đầu năm 2018 như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản...Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 95,3 triệu USD.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2018, Nhật Bản nhập khẩu quả và quả hạch từ thị trường Việt Nam tăng mạnh về lượng và trị giá, đơn giá nhập khẩu trung bình từ Việt Nam cũng đạt mức cao so với các nguồn cung khác. Tuy nhiên, thị phần mặt hàng quả và quả hạch của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản vẫn ở mức thấp.
Việc giá cước vận chuyển ở mức cao là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến xuất khẩu quả và quả hạch của Việt Nam tới thị trường Nhật Bản, làm giảm sức cạnh tranh về giá so với các thị trường cung cấp khác.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực phẩm và an toàn thực phẩm, còn phải giảm giá cước vận chuyển để tăng sức cạnh tranh của mặt hàng rau quả của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.
Video: Kiếm tiền tỷ nhờ nghề nhặt lá tre