'Mắt ai cũng được, miễn còn hy vọng cứu cháu'
Nghe thông tin tử tù Nguyễn Hữu Tình, kẻ đã xuống tay giết hại 5 người trong một gia đình ở quận Bình Tân (TP.HCM) có nguyện vọng hiến tạng sau khi thi hành án, bà Nguyễn Thị Tâm (68 tuổi, ngụ ấp Kinh Mới, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đã nghĩ ngay đến đứa cháu đáng thương của mình.
Thế rồi sau nhiều đêm trằn trọc từ lúc nghe tin, bà quyết định sẽ xin đôi mắt của tử tù này cho cháu nội mình là Nguyễn Thị Yến N. (SN 2002), nạn nhân bị tình địch của mẹ tạt axít mù hai mắt, toàn thân biến dạng phải sống trong cảnh tàn phế.
"Ngày cháu nhập viện trên TP.HCM, bác sĩ nói nếu có người tặng mắt, cháu N. có thể nhìn thấy ánh sáng. Tôi cứ hy vọng từ hồi đó đến giờ, nhưng tôi nhà quê, cuộc sống cũng khổ sở có biết xin ở đâu. Rồi nghe mấy người kể chuyện có tử tù muốn hiến xác, tôi muốn xin đôi mắt cho cháu tôi", bà Tâm kể.
Bà Tâm muốn xin mắt của tử tù Nguyễn Hữu Tình để ghép cho cháu. (Ảnh: Thanh Lâm/Nguoiduatin)
Mỗi ngày nhìn thấy N., cô bé đáng lẽ đang được hưởng những ngày tháng đẹp đẽ nhất của tuổi 16 lại phải chìm trong bóng tối thì bà không chịu được, nó thôi thúc bà phải làm gì đó mà không hề biết rằng pháp luật có những quy định riêng, việc hiến tạng của một tử tù tiêm thuốc độc cũng không dễ dàng.
Nghĩ là làm, bất chấp thời tiết mưa gió, sáng 18/7, bà Tâm đã bắt xe từ quê Vĩnh Long tìm đến tận Tòa án Nhân dân TP.HCM để xin mắt cho cháu mà không có ai hỗ trợ.
Suy nghĩ của bà thật đơn giản là "người ta đã cho thì mình xin là được". Với giọng nghẹn ngào, bà nói: "Tôi cứ lên Tòa hỏi xin mắt, nếu Tòa cho, tôi sẽ cố gắng vay mượn để cho cháu N. mổ. Chứ tôi chẳng còn sống được bao lâu, giờ tôi không cố gắng cứu lấy cháu thì sau này nó sống thế nào".
Bà biết rằng Tình đã xuống tay tàn độc giết đến 5 người, nhưng ở hoàn cảnh của 2 bà cháu thì làm gì có sự lựa chọn nào tốt hơn. "Với tôi thì Tình cũng là con người bình thường thôi. Còn hy vọng cho cháu được nhìn thấy ánh sáng, thì mắt ai cũng được, dù nó có là tử tù gây tội ác khủng khiếp thế nào tôi cũng xin", bà nói.
6 năm ám ảnh
Trong tiềm thức của bà Tâm, 17/6/2012 là ngày ám ảnh, khủng khiếp nhất cuộc đời bà. Vì nghi ngờ mẹ của N. là chị Võ Thị Thùy L. (31 tuổi) có quan hệ tình cảm với chồng mình nên Nguyễn Thị Ngọc Linh (34 tuổi, ngụ xã Hòa Bình) đã dùng axít tạt thẳng vào người hai mẹ con N.
Nguyễn Hữu Tình có nguyện vọng được hiến tạng sau khi chết. (Ảnh: Lê Quân/Zing)
Lúc này, N. mới chỉ 10 tuổi. Sau trận đánh ghen kinh hoàng, N. bị mù cả hai mắt, toàn thân biến dạng với tỷ lệ thương tật đến 96%, chị L. cũng bị bỏng, tỷ lệ thương tật 81%.
Kẻ gây án sau đó phải chấp hành án phạt 18 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, nhưng nỗi đau để lại cho gia đình bà Tâm là không gì kể xiết. N. không thể đến trường được nữa, cuộc đời em rẽ sang một trang mới tối tăm, đau đớn.
Chuyện đã qua 6 năm nhưng mỗi lần nhắc lại là một lần ám ảnh người bà tội nghiệp. Bà kể, từ đó mẹ N. bỏ đi biệt xứ. Suốt 6 năm, N. do một tay bà Tâm chăm sóc. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng bà Tâm chưa bao giờ thôi hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
"Hồi cháu mới đi bệnh viện ở TP.HCM, tôi vay mượn 100 triệu đồng lo cho cháu, đến nay khoản vay này vẫn chưa trả được. Cha N. đi làm phụ hồ chỉ có thể đủ chi phí lo cho 2 bà cháu tiền ăn uống mỗi ngày thôi, nhưng tôi không bỏ cuộc đâu. Tôi sẽ tìm kiếm ánh sáng cho cháu đến hơi thở cuối cùng", bà khẳng định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng việc lấy tạng từ tử tù là khó thực hiện và không khả thi. (Ảnh: VTV)
Về sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ: "Pháp luật có quy định, người trên 18 tuổi có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự thì có quyền hiến, ghép bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết có thể hiến xác.
Pháp luật cũng không cấm việc tử tù được hiến xác. Tuy nhiên, việc này khó thực hiện và không khả thi".
Theo ông Hậu, nguyên tắc muốn lấy tạng một người ghép cho người còn sống thì cơ quan đó phải còn nguyên vẹn và đảm bảo các yếu tố như tim ngừng đập hoàn toàn và phải thực hiện lấy tạng gấp rút trong vòng 45 phút.
"Luật thi hành án là tiêm thuốc độc, các bộ phận cơ thể bị nhiễm độc. Như vậy, thi hành án xong thì không thể lấy bộ phận cơ thể những tử tù được nữa. Còn lấy trước khi tiêm thuốc độc là lúc họ còn sống, điều đó vi phạm pháp luật. Việc hiến tạng của tử tù gặp rất nhiều rắc rối về sinh học, pháp lý, đạo đức chứ không hề đơn giản", ông Hậu khẳng định.