Trước đề xuất của Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) về việc xin ngừng thoái vốn để làm phim trở lại như một cách gỡ rối vướng mắc, các nghệ sỹ đã lên tiếng phản đối.
Đề xuất xin ngừng thoái vốn để sản xuất phim của Vivaso vấp phải ý kiến phản đối gay gắt của các nghệ sỹ.
NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng điều cần làm để gỡ rối vướng mắc là xử lý sai phạm theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ: "Điều cần làm trước mắt là xử lý sai phạm theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ là Vivaso buộc phải thoái vốn. Hãy nhìn lại 7 năm qua xem họ đã làm gì, đối xử vô cảm với vật tư, đạo cụ, đến con người chúng tôi, "bỏ rơi" cả một thế hệ nghệ sỹ như thế thì làm sao có thể tin tưởng được vào một đơn vị như vậy".
Đồng quan điểm với đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, NSND Nhuệ Giang đặt nghi vấn: “Đã 7 năm không làm được gì, lại phá hỏng 300 bộ phim chỉ vì 1 cái máy lạnh hỏng mà không thay. Bây giờ lại xin tiếp tục lãnh đạo và hứa xây dựng. Điều đó thật khó thuyết phục. Chưa kể đã kết luận là cổ phần sai. Tại sao không giải quyết dứt điểm mà lại bàn sang xin tiếp tục cổ phần?".
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã lên tiếng: "Trước khi cổ phần hoá, hãng phim vẫn làm việc, vẫn có dự án phim vào sản xuất: phim nhà nước đặt hàng, tư nhân đặt hàng hoặc kết hợp làm dịch vụ phim truyền hình dài tập rất sôi động. Lương ít nhưng có phim thì lương lại đủ cộng với tiền cát -xê phim và đặc biệt là vẫn đóng đầy đủ BHYT, BHXH cùng chế độ thưởng nho nhỏ mỗi dịp lễ. Sau khi cổ phần hoá đến thời điểm này đã sang năm thứ 7. Không có phim, đưa dự án và kịch bản lên nhà đầu tư, thậm chí tìm được cả đối tác sản xuất cùng, nhưng nhà đầu tư cũng không muốn làm phim.... Cho đến nay, sau 7 năm cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, đơn vị Vivaso chưa làm được gì ngoài việc biến nơi đây thành nhà hoang giữa lòng Thủ đô".
Nghệ sỹ, biên kịch Tống Phương Dung nói: “Cá nhân tôi không còn lòng tin đối với Vivaso rồi, không cần phải đến 7 năm mà chỉ cần 2 tháng sau khi cổ phần hóa hãng phim, bằng những việc làm có thể coi là "đàn áp" của Vivaso nhằm đẩy chúng tôi ra đường theo đúng nghĩa thì không ai có thể tin vào những lời hứa hẹn của Vivaso một lần nào nữa. Thực tế để cơ sở hạ tầng xuống cấp, gần 300 bộ phim bị hư hỏng nặng đã chứng minh Vivaso không có cái gọi là mong muốn làm phim, mong muốn đầu tư và phát triển hãng phim như họ nói”.
Đạo diễn Thu Trang cho rằng nếu nhà đầu tư có tâm và có tầm thì việc này đã có thể được thực hiện từ nhiều năm trước rồi chứ không cần đợi tới bây giờ.
Khung cảnh hoang tàn tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Trước đó, ngày 7/4, Vivaso đã trình Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất 3 phương án nhằm tháo gỡ các vướng mắc khiến họ chưa thể thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Vivaso đề nghị cơ quan chức năng cho phép đơn vị này xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng đã cũ nát theo đúng mục tiêu ngành nghề kinh doanh là sản xuất phim và văn hóa điện ảnh, đầu tư đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Nhà đầu tư này cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử người đại diện vốn Nhà nước có đủ chuyên môn kinh nghiệm và uy tín tham gia Hội đồng quản trị, bầu đúng người do Bộ giới thiệu để giữ chức Tổng giám đốc và cam kết hỗ trợ trong điều hành doanh nghiệp.
Ngay sau khi có Tổng giám đốc mới và kiện toàn bộ máy, Vivaso sẽ lập tức đầu tư tiền sản xuất phim theo yêu cầu của Tổng giám đốc.
Cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan rà soát vi phạm khi cổ phần hóa và vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và quy định pháp luật, Thanh tra Chính phủ kiến nghị biện pháp xử lý khả thi để giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/4.