“Tôi là một nhà quan sát thiên văn chăm chỉ. Khi các hành tinh như sao Mộc, sao Thổ và sao Hỏa xảy ra các vụ va chạm, tôi cố gắng ghi lại những hình ảnh đó, đặc biệt là trên sao Mộc, hành tinh yêu thích của tôi”, ông Pereira nói.
Video: Vụ va chạm trên sao Mộc (Nguồn: Youtube José Luis Pereira)
Ngày 12/9, Pereira đã lắp đặt thiết bị quan sát tại São Caetano do Sul, bang São Paulo, miền Đông Nam Brazil. Giống như nhiều lần quan sát khác, Pereira nhắm đến việc chụp ảnh về sao Mộc và ghi lại video cho DeTeCt, chương trình tìm cách phát hiện và xác định đặc điểm của các tác động lên hành tinh khổng lồ.
Thời tiết vào đêm 13/9 (giờ địa phương) không được thuận lợi nhưng Pereira vẫn kiên trì quan sát và thu thập được 25 video về sao Mộc.
“Trong video đầu tiên, tôi phát hiện một thứ ánh sáng khác lạ trên bề mặt hành tinh, nhưng tôi không chú ý quá nhiều vì tôi nghĩ nó có thể liên quan đến các thông số được thông qua và tôi tiếp tục quan sát”, Pereira kể lại.
Pereira chuyển video cho chương trình DeTeCt và sau đó đi ngủ.
“Tôi chỉ kiểm tra lại video vào sáng 14/9, khi chương trình nói rằng có thể đã xảy ra vụ va chạm trong video”, Pereira nói.
Nhà quan sát thiên văn Pereira đã gửi dữ liệu cho chuyên gia Marc Delcroix của Hiệp hội Thiên văn Pháp và được xác nhận rằng ông thực sự đã ghi lại được khoảnh khắc một vụ va chạm xảy ra trên sao Mộc vào lúc 18h39 chiều 13/9.
“Đối với tôi, đó là một khoảnh khắc vô cùng xúc động vì tôi đã tìm kiếm các dữ liệu về hiện tượng này trong nhiều năm”, Pereira nói.
Theo Space, sao Mộc thường xuyên chịu va đập do quỹ đạo của nó gần vành đai tiểu hành tinh chính và có lực hấp dẫn rất mạnh. Vào tháng 7/1994, các mảnh vỡ của sao chổi Shoemaker-Levy 9 đâm vào sao Mộc đã tạo ra những dấu vết tác động lớn trong bầu khí quyển dày đặc của hành tinh kéo dài suốt nhiều tháng.
Những dấu vết đó đã mở ra một cánh cửa hiếm hoi vào sao Mộc ẩn bên dưới các đỉnh mây. Các nhà thiên văn học chuyên nghiệp đã tận dụng cơ hội này để nghiên cứu các vị trí va chạm bằng nhiều loại kính thiên văn khác nhau, giúp con người hiểu rõ hơn về thành phần khí quyển của hành tinh khí khổng lồ.
Một vụ va chạm mạnh khác xảy ra vào 15 năm sau, tạo ra một dấu vết có kích thước bằng Thái Bình Dương vào vùng không khí xoáy của sao Mộc. Giống như vết thương do mảnh vỡ sao chổi Shoemaker-Levy 9 gây ra, dấu vết lần này tồn tại đủ lâu để các nhà thiên văn học chuyên nghiệp nghiên cứu.
Tuy nhiên, có vẻ như vụ chạm mà nhà thiên văn học Pereira phát hiện ra quá nhỏ để gây ra tác động lớn như 2 vụ va chạm trên.
“Vị trí va chạm không để lại dấu vết như các vụ va chạm trước đó. Vật thể va chạm có thể quá nhỏ để tiếp cận bầu khí quyển sao Mộc”, nhà thiên văn học Damian Peach viết trên Twitter hôm 15/9, đồng thời đăng một bức ảnh tuyệt đẹp về sao Mộc đã “chữa lành vết thương” khoảng 1 giờ sau vụ va chạm.