Đường kiểu mẫu nhanh chóng xuống cấp
Dự án xây dựng tuyến đường tránh TP Biên Hòa được khởi công, xây dựng vào cuối năm 2009, với kinh phí dự kiến ban đầu là 751 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đồng Thuận làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn thực hiện và có thời gian thi công hơn 2 năm. Nhà đầu tư là công ty Đồng Thuận sẽ được xây dựng và vận hành trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án. Thời gian khoảng 23 năm 11 tháng.
Video: Xe tải cày nát tuyến tránh Biên Hòa nhưng không mất một đồng phí BOT
Ngoài ra, nhà đầu tư còn dự định sẽ triển khai thi công xây dựng các khu thương mại, trạm dừng và các cây xăng phục vụ cư dân địa phương, khách vãng lai cùng các phương tiện giao thông khi qua đây.
Đến khi dự án được đưa vào sử dụng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kỳ vọng đây sẽ là con đường kiểu mẫu rộng đẹp, rợp bóng cây và là con đường huyết mạch đi đến các tỉnh miền Trung, góp phần thúc đẩy sự phát triển tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh việc xây mới tuyến tránh, nhà đầu tư còn tiến hành thi công tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài 10 km. Tổng kinh phí cho dự án với 2 hạng mục này tính đến lúc hoàn thành là 1.506,3 tỷ đồng.
Các xe tải chở đá hàng ngày ra vào, quần thảo trên tuyến đường tránh TP Biên Hòa.
Đến năm 2014, tuyến tránh Biên Hòa được đưa vào sử dụng với tên gọi là đường Võ Nguyên Giáp, nhưng mới chỉ hơn 3 năm, con đường này đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng ở một số đoạn.
Đặc biệt, tại ngã tư giao giữa đường Võ Nguyên Giáp và Chu Mạnh Trinh xuất hiện những ổ voi, ổ gà rất lớn. Cũng từ khu vực này hướng về ngã ba Vũng Tàu, đường bị cày nát bởi hàng nghìn phương tiện trọng tải lớn đi ra từ mỏ đá của các doanh nghiệp gần đó, bụi bẩn mù mịt suốt cả ngày.
Những người tham gia giao thông bằng xe máy, khi đi đến đoạn đường này phải che chắn kín mít vì quá bụi, còn những người dân sống ở đây thì luôn phải chịu cảnh ô nhiễm do bụi bẩn suốt nhiều năm.
Việc xe tải di chuyển liên tục khiến bụi bẩn mù mịt.
"Đường xây lên chưa kịp thấy đẹp với thuận tiện thì chúng tôi đã phải chịu cảnh ô nhiễm, khói bụi do mấy xe tải chạy liên tục gây ra. Đồ đạc, tường trong nhà dù mới lau chùi sạch sẽ, mấy phút sau quay lại đã bụi bẩn ngay", một người dân sống gần đường tránh Biên Hòa cho biết.
Được biết, những xe tải gây ra tình trạng khói bụi đa số đều từ khu mỏ đá Tân Cang đi ra. Từ nhiều năm trước, một con đường chuyên dụng cho những xe tải đi từ khu mỏ đá đã được xây nhưng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Từ khi đường tránh TP Biên Hòa được xây dựng, các xe tải từ mỏ đá Tân Cang cứ ngang nhiên chạy trên đường, bất chấp việc ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe, an toàn của người dân.
Mỗi ngày, có đến hàng nghìn lượt xe tải chạy trên đoạn đường dài khoảng 6 km từ ngã tư Võ Nguyên Giáp - Chu Mạnh Trinh về ngã ba Vũng Tàu. Đây cũng là đoạn đường xuống cấp, hư hỏng nhiều nhất trên tuyến tránh Biên Hòa.
Đường bị xe tải cày nát, hư hỏng tại một số đoạn.
Tha hồ cày nát đường, vẫn không phải đóng phí
Được biết, đơn vị quản lý giao thông khu vực là Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 (thuộc Tổng cục Đường bộ) đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu Công ty Đồng Thuận khắc phục tình trạng xuống cấp của con đường. Tuy nhiên, lấy lý do kinh phí duy tu hạn hẹp và hệ lụy do tình trạng xe tải từ mỏ đá của các doanh nghiệp gây ra, đến nay đoạn đường vẫn chưa được sửa chữa.
Trong khi đó, vào ngày 6/7/2014, trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa được đặt trên quốc lộ 1 (đoạn qua xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom), cách đường tránh 10km, chính thức được đưa vào sử dụng. Thời gian thu phí dự kiến ban đầu là 13 năm 1 tháng 16 ngày.
Tài xế trả tiền lẻ tại trạm thu phí để phản đối vị trí đặt trạm của nhà đầu tư.
Được biết, sau hơn 3 năm đưa vào hoạt động, trạm thu phí Biên Hòa đã thu được gần một nửa số kinh phí ban đầu bỏ ra. Hiện nay, trạm vẫn đang tiếp tục thu phí dao động từ 35.000 đến 180.000 đồng/lượt.
Việc đặt trạm vô lý này khiến nhiều tài xế bức xúc khi rất nhiều phương tiện chỉ di chuyển trong khu vực huyện Trảng Bom hoặc không đi vào đường tránh nhưng vẫn phải đóng phí. Còn những xe tải ngày đêm hoành hành, cày nát tuyến đường dự án thì không tốn một đồng tiền phí nào cả.
Hàng ngày, có hàng nghìn lượt xe tải di chuyển từ mỏ đá Tân Cang ra đường tránh Biên Hòa.
Anh Trần Quang Anh Vũ - một người dân sống tại xã Trung Hòa cho biết: "Nhà tôi ở đây có chiếc xe tải nhỏ, thỉnh thoảng cũng chạy hàng. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều người có xe quanh đây, không đi đến tuyến đường tránh nhưng mỗi lần qua trạm dù 500m cũng mất phí".
"Nhiều người không đi đường tránh cũng mất phí, còn đường tránh xuống cấp, hư hỏng do mấy xe tải ở mỏ đá Tân Cang ra thì lại không phải đóng tiền, nghịch lý thế ai mà chịu được", một chủ gara sửa xe sát trạm thu phí bức xúc.
Hiện nay, hơn nửa đường Võ Nguyên Giáp gần như được dành để phục vụ cho các xe ra vào mỏ đá Tân Cang. Những xe tải chở đá này nếu đi về hướng ngã ba Vũng Tàu, TP Biên Hòa hoặc đến đầu huyện Trảng Bom thì sẽ không gặp trạm thu phí Biên Hòa (đặt tại xã Trung Hòa).
Như vậy, dù là một trong những nguyên nhân khiến đường tránh Biên Hòa xuống cấp, nhưng các phương tiện này vẫn thoải mái chạy trên đường mà không cần đóng phí.
Chỉ cần rẽ trái ở ngã ba Vũng Tàu, xe tải sẽ không cần mất phí.
Trong khi đó, các phương tiện dù không đi trên đường tránh vẫn gồng mình đóng tiền thay các xe tải chở đá đang ngày đêm phá nát con đường kiểu mẫu của tỉnh Đồng Nai. Còn người dân thì liên tục chịu ảnh hưởng bởi khỏi bụi, tai nạn giao thông mà không biết kêu ai.
Đây chính là một trong những nghịch lý, bất cập mà nhà đầu tư Đồng Thuận và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cần điều chỉnh, khi mà phản ứng của người dân ngày càng gay gắt.