Công trình này được gọi là Tháp Điều hướng Tiện ích Mặt trăng với Viễn thám Nâng cao và Chiếu tia Tự động để Phân phối lại Năng lượng (viết tắt là LUNARSABER).
Công trình do công ty Honeybee Robotics trực tiếp đề xuất và xây dựng. Nó là một phần trong sáng kiến LunA-10 của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Mỹ, được thiết lập để thúc đẩy các hoạt động trên Mặt trăng, bằng cách cung cấp năng lượng Mặt trời gần như liên tục, khả năng liên lạc và hỗ trợ điều hướng liên tục.
Ý tưởng LUNARSABER đầy tham vọng của Honeybee Robotics được kỳ vọng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong hoạt động khám phá, tìm sự sống trên Mặt Trăng. (Ảnh minh họa: André Kallauch)
Theo dự tính ban đầu, tháp điện này sẽ cao hơn 200 mét so với bề mặt Mặt trăng, trên đỉnh sẽ tích hợp các các tấm pin mặt trời, thiết bị lưu trữ và truyền tải điện, truyền thông, thiết bị điều hướng giám sát.
Ngoài ra, tháp cũng sẽ có hệ thống đèn pha tân tiến tích hợp với hệ thống liên lạc. Điều này giúp tháp hoạt động hiệu quả như một ngọn hải đăng cho việc khám phá Mặt Trăng, giống như các ngọn hải đăng trên Trái đất.
Kris Zacny, phó chủ tịch Hệ thống khám phá tại Honeybee Robotics ở Altadena, California cho biết: "Ngay trên đỉnh công trình có camera, đèn pha, hệ thống thông tin liên lạc. Chúng tôi có đèn pha để chiếu sáng các khu vực dành cho thiết bị thám hiểm, phi hành gia".
Kris Zacny còn tin rằng, LUNARSABER có thể sử dụng tài nguyên tại chỗ trên Mặt trăng, vì đây là một giải pháp tiện ích có khả năng thích ứng cao, đặt nền móng cho nền kinh tế Mặt trăng phát triển thịnh vượng trong tương lai gần.
Theo các chuyên gia công nghệ của Honeybee Robotics, LUNARSABER có thể biến đêm thành ngày ở những miệng hố sâu nhất trên Mặt trăng. Đây thực sự là một hệ thống giúp thay đổi cuộc chơi, mở đường cho một nền kinh tế thịnh vượng mới trên Mặt trăng xét về lâu dài.