Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vùng đất nơi hàng ngàn con voi 'nổi dậy' chống lại con người

Dân số ngày càng tăng ở Ấn Độ dẫn tới việc người dân phải xâm chiếm môi trường sống của voi kéo theo những hậu quả đáng tiếc.

Theo một số liệu thông kê được chính phủ Ấn Độ công bố năm 2017, đã có 1.100 trường hợp thiệt mạng trong khoảng thời gian từ năm 2014-2016 liên quan tới các vụ đụng độ với voi. 

Yogesh, 48 tuổi là một trong số các nạn nhân của các vụ đụng độ như vậy ở bang Karnataka, nơi có số lượng voi sinh sống lớn nhất Ấn Độ với 6.000 con, chiếm 20% tổng số voi cả nước. 

"Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Con voi đột ngột xuất hiện từ phía sau bụi rậm, giẫm lên người Yogesh rồi biến mất", em trai của Yogesh, Girish nhớ lại. 

Người dân xâm chiếm môi trường sống của voi kéo theo những hậu quả đáng tiếc. (Ảnh: SCMP)

C. Jayaram, một quan chức của Karnataka -  tiểu bang miền Tây nam Ấn Độ cho biết, mỗi năm có khoảng 30-40 người thiệt mạng trong các vụ việc liên quan tới voi ở khu vực. 

Khi dân số Ấn Độ đang có dấu hiệu tăng nhanh, người dân lấn chiếm môi trường sống của voi ngày càng nhiều. Các cuộc đụng độ là không tránh khỏi và gây ra nhiều cái chết thương tâm cho cả người và voi ở đất nước này. 

Theo SCMP, khoảng 700 con voi đã thiệt mạng trong 8 năm qua với nhiều lý do khác nhau. Nếu không chết vì mắc vào hàng rào dây điện, thì sẽ là bị đầu độc, bắn chết trong các vụ người dân trả thù cho các thành viên trong gia đình hoặc cây trồng bị phá hủy hay bỏ mạng trên các tuyến đường sắt cắt qua các con đường di cư truyền thống. 

Mọi chuyện đang dần trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây, nhưng chính phủ Ấn Độ cũng như các bên liên quan vẫn chưa thể tìm được phương án giải quyết vấn đề nan giải này. 

"Rất khó để giải quyết sức ép từ sự phát triển và dân số. Trong trường hợp chưa tìm ra giải pháp, chúng ta chỉ còn cách sống với thực tế là chấp nhận các cuộc đụng độ như vậy", một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ cho biết. 

Ở Karnataka, các kiểm lâm thường bắt giữ và đưa các con voi thuộc diện nguy hiểm tới Trại voi Dubare.

Video: Voi kéo đến phá sập nhà cửa của người dân 

"Chúng tôi chuẩn bị nơi ở sẵn sàng cho chúng, rải rơm và lá ở đó trước khi chúng bị bắt. Sau một thời gian chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện những con voi hoang dã được đưa về", J.C. Bhaskar, một nhân viên tại Dubare nói, mô tả nơi mình làm việc tương tự như một nhà tù hay một trung tâm phục hồi và huấn luyện voi. 

Tuy nhiên, trong khi biện pháp này có thể phần nào làm dịu đi cơn giận dữ của người dân địa phương, các quan chức và các nhà hoạt động cho rằng nó chỉ là một giải pháp ngăn chặn không giải quyết được tận gốc của vấn đề. 

Phương pháp hiệu quả duy nhất, theo Vinod Krishnan, nhà hoạt động của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên (NCF) là đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tới người dân. 

"Mọi biện pháp đã được thử nhưng không thành công, từ việc đào hào sâu, dựng hàng rào tới dùng pháo sáng. Rõ ràng không gì có thể ngăn chặn được chúng", Krishnan cho biết. 

Nhà hoạt động NCF và nhóm của ông vì vậy đã thử nghiệm lắp đặt hệ thống các biển cảnh báo ở những con đường mà voi thường qua lại, đồng thời thiết lập các dịch vụ tin nhắn cảnh báo ở xung quanh các ngôi làng địa phương. Phương án này phần nào đã cho thấy hiệu quả khi làm giảm các vụ đụng độ giữa voi và người.  

Giải pháp trên cũng trở nên hiệu quả hơn khi tỷ lệ dùng điện thoại di động ở Ấn Độ đang tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, kể cả ở những vùng xa xôi. 

Tuy nhiên, với anh Girish, nửa năm sau khi anh trai anh qua đời vẫn lo sợ cuộc sống của mình bị đe dọa khi đàn voi thường xuyên xuất hiện ở vườn cà phê nơi anh làm việc. 

"Không có gì thay đổi. Người dân địa phương chỉ có thể đuổi chúng cho tới khi chúng rời đi. Chúng, như chúng tôi không còn nơi khác để đi". 

Song Hy

Tin mới