Chiều 16/1, trả lời PV VTC News, Thẩm phán Trần Minh Châu, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ lừa đảo và rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba cho biết, hiện tòa đã nhận được đơn kháng cáo của 14/23 bị cáo trong vụ án.
Trong 14 đơn kháng cáo, có đơn của Nguyễn Thái Luyện và vợ là Võ Thị Thanh Mai cùng 2 em trai Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh.
Thẩm phán Trần Minh Châu tại phiên xử sơ thẩm vụ án Công ty Alibaba. (Ảnh: Thy Huệ)
"Có 14 người kháng cáo, chủ yếu là vợ chồng Nguyễn Thái Luyện và 2 em ruột của Luyện. Luyện vẫn kêu oan, kêu không phạm tội lừa đảo. Vợ thì kháng cáo về 2 tội danh. Trước ở toà thì kêu oan về tội rửa tiền, giờ thì kêu oan về tội lừa đảo", Thẩm phán Trần Minh Châu nói.
Trước đó, ngày 29/12/2022, sau hơn 2 tuần xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên án chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Luyện có trách nhiệm trả cho 4.550 bị hại số tiền hơn 2.400 tỷ đồng.
Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Luyện là người chủ mưu, cầm đầu, giữ vai trò điều hành xuyên suốt chỉ đạo toàn bộ hoạt động Công ty Alibaba và 22 pháp nhân liên quan... do đó cần áp dụng điểm A, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự để xử phạt đối với bị cáo.
"Mặc dù HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ như luật sư trình bày dành cho bị cáo, nhưng xét số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại đặc biệt lớn, không chỉ xâm phạm quyền sở hữu của người khác mà còn phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước nên cần có mức hình phạt nghiêm khắc nhất", HĐXX nêu.
Khi được nói lời sau cùng, Nguyễn Thái Luyện nhận toàn bộ trách nhiệm dân sự, Luyện xin HĐXX không xem xét trách nhiệm dân sự với những bị cáo khác là nhân viên của mình.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và vợ là Võ Thị Thanh Mai. (Ảnh: Thy Huệ)
Về trách nhiệm hình sự, Luyện mong HĐXX xem xét cho các nhân viên của mình được hưởng mức án tù hợp lý để họ có thể làm lại cuộc đời: "Các bị cáo khác cũng chỉ vì tin tưởng lời của bị cáo, thực tế các bị cáo này không biết gì hết, không hưởng lợi”.
Con bị cáo Võ Thị Thanh Mai, trong các phiên sơ thẩm, Mai luôn nói cảm thấy bị oan khi bị truy tố tội rửa tiền. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi về các khoản chi số tiền đã rút, Mai lại không chịu nói.
"Bị cáo bị truy tố tội rửa tiền thì bị cáo thấy mình bị oan", Võ Thị Thanh Mai nói.
Trước tòa, Võ Thị Thanh Mai vừa khóc vừa nói, đã rút 13 tỷ đồng tiền mặt để trả nợ (3 tỷ đồng) và chi cho một người khác (9 tỷ đồng). Chủ tọa hỏi chi cho ai thì Mai khai "không tiện nói tên".
Đến 29/12/2022, HĐXX tuyên phạt bị cáo Võ Thị Thanh Mai 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 12 năm tù về tội rửa tiền, tổng hình phạt 30 năm tù.
HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thái Lực 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 10 năm tù tội rửa tiền, tổng hình phạt 27 năm tù; bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh bị tuyên án 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.