Khi du khách Việt đi tìm những “ngôi sao”
Mỗi năm một lần, vợ chồng chị Hoài Phương (TP.HCM) sẽ lựa chọn Thái Lan, Singapore hoặc Nhật Bản là điểm đến. Ngoài tiêu chí tham quan cảnh đẹp, khám phá văn hóa, vợ chồng chị ưu tiên những điểm đến có ẩm thực đạt sao Michelin. Đối với những tín đồ ẩm thực như vợ chồng chị Phương, Michelin Guide là một kim chỉ nam - gần như là trải nghiệm không thể thiếu khi khám phá một vùng đất mới.
Bên trong Jay Fai, một quán ăn nhỏ tại Bangkok đạt sao Michelin từ 2018.
Cửa hàng mì thịt bằm trên góc phố nhỏ tại Singapore luôn đông khách cả ngày. Món trứng cuộn cua huyền thoại ở Thái Lan du khách phải đợi đến hơn 1 tiếng để được thưởng thức… Tất cả đều bình dị nhưng vẫn khiến một lượng khách lớn lấy làm tiêu chí để lựa chọn điểm đến. Dù là nhà hàng bình dân đến những nhà hàng fine dining sang trọng, tất cả đều có chung một công thức để thành công – đạt được sao Michelin.
Kể từ khi khi ra đời hơn một thế kỷ trước, Michelin Guide được ví như cuốn kinh thánh của ẩm thực. Sở dĩ nó quyền lực đến vậy bởi nó chứa đựng những giá trị cốt lõi để ẩm thực không đơn thuần là thưởng thức món ngon, mà còn là một hành trình trải nghiệm bắt đầu bằng sự cầu kỳ và tinh tế, khắt khe, chuẩn mực và khép lại bằng sự mãn nguyện, hài lòng.
Sự uy tín và khắt khe trong tiêu chí chấm sao đã khiến Michelin Guide tạo ra cảm giác “chinh phục”: những nhà hàng muốn chế biến ra những món ăn chinh phục được Michelin Guide, còn du khách muốn chinh phục điểm đến bằng việc phải thưởng thức bằng được món đồ ăn đạt sao Michelin tại đó.
Ẩm thực làm tăng sức hấp dẫn của các điểm đến du lịch.
Quay trở lại câu chuyện của vợ chồng chị Phương. Cũng giống nhiều người Việt Nam khác, vợ chồng chị luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi khi bản thân đang “cất công” du lịch nước ngoài để thử cảm giác “được” ăn ẩm thực đạt sao Michelin.
“Vì sao Michelin Guide chưa tới Việt Nam? Vì sao ẩm thực Việt Nam ngon thế mà chưa có sao Michelin để chính người Việt cũng có thêm một loại tiêu chuẩn để lựa chọn nơi thưởng thức ẩm thực?...” Chúng ta không phải không có cơ sở để thắc mắc cho việc này.
Hàng trăm câu hỏi “Vì sao?” nay đã có câu trả lời. Cơ hội đang mở ra với Việt Nam, và đã rất gần, khi Tập đoàn Sun Group đồng hành đưa Michelin về Việt Nam. Với 2 điểm đến đầu tiên là Hà Nội và TP.HCM, danh sách Michelin Guide Việt Nam đầu tiên dự kiến sẽ công bố vào tháng 6/2023.
“Michelin Guide đã quan sát nền ẩm thực Việt Nam trong thời gian khá dài, dõi theo sự phát triển ẩm thực của quốc gia này và nhận thấy sự thăng hoa tại đây. Cuối cùng, chúng tôi vui mừng thông báo Michelin Guide đã đặt chân tới Hà Nội và TP.HCM", bà Elisabeth Boucher - Anselin, Giám đốc Truyền thông Michelin Experiences nói vào 1/12/2022, ngày được coi là đánh dấu bước ngoặt của ngành ẩm thực du lịch Việt Nam.
Việt Nam đã sẵn sàng cho những “ngôi sao” của riêng mình
Kể từ khi Michelin Guide công bố thông tin sẽ ra mắt danh sách tại Việt Nam, không khí “hồi hộp, háo hức” có thể cảm nhận rõ trong từng căn bếp tại nhiều nhà hàng trên cả nước. Một bếp trưởng tại một khách sạn cao cấp, một nghệ nhân ẩm thực từng phục vụ các nguyên thủ quốc gia, hay chỉ đơn giản là một người bán phở vô danh ở Hà Nội… tất cả họ đang đếm ngược ngày Việt Nam công bố những “ngôi sao” của riêng mình.
Tập đoàn Sun Group đồng hành đưa Michelin Guide về Việt Nam.
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết, được biết đến như một đại sứ ẩm thực Việt Nam, từng nấu ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC Đà Nẵng 2018, đánh giá việc Michelin Guide xuất hiện ở Việt Nam là một cơ hội lớn cho ẩm thực nước nhà được nâng tầm và có vị thế xứng đáng: “Tôi nghĩ ẩm thực Việt Nam xứng đáng có sao Michelin lâu rồi nhưng chưa có cơ hội. Tôi kỳ vọng sự kiện Michelin Guide vào Việt Nam sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho ẩm thực Việt.
Ẩm thực Việt mà có sao Michelin không phải khó. Rõ ràng ẩm thực là một trong những yếu tố lôi kéo, thu hút khách du lịch quay trở lại hiệu quả nhất. Con tôi vẫn bảo sang Thái để ăn, thưởng thức ẩm thực bên đó. Nghĩa là vì ẩm thực, họ đến Thái Lan, rồi họ sẽ ở lại du lịch, du lịch thêm phát triển, Như vậy mới là phát triển du lịch bền vững và chắc chắn”.
Junichi Yoshida, người từng tạo dựng một nhà hàng được gắn sao Michelin ở Nhật Bản, hiện đang là bếp trưởng của nhà hàng Koki, khách sạn Capella Hanoi, nhận định Michelin Guide sẽ mang tới nhiều cơ hội cho du lịch Việt Nam. “Giành sao Michelin thì lợi ích lớn nhất đối với nhà hàng đương nhiên sẽ là đón được nhiều thực khách. Đối với một quốc gia thì đó sẽ là điểm kết nối với việc phát triển du lịch trong tương lai”, ông chia sẻ.
Ẩm thực Việt đã sẵn sàng cho những ngôi sao Michelin.
Với kinh nghiệm của mình, bếp trưởng Yoshida cũng cho rằng những nhà hàng Việt Nam có nhiều cơ hội giành sao Michelin: “Tôi cảm thấy ẩm thực Việt Nam rất phong phú và có lịch sử lâu đời, đó là yếu tố mà Michelin tìm kiếm ở trong các món ăn ở các nhà hàng. Khi các bạn khai thác nhiều hơn về yếu tố lịch sử món ăn và phát triển nó trở nên tinh tế hơn thì đó sẽ là điểm mạnh”.
Ngoài các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực, chị Hoài Linh, một người bán phở vô danh ở Hà Nội cũng thể hiện rõ sự háo hức và sẵn sàng: “Bán phở 10 năm nay thôi nhưng tôi tự tin cơ sở mình đạt chuẩn vệ sinh và có bản sắc riêng trong hương vị. Đạt được sao Michelin có lẽ là một giấc mơ, nhưng nào ai biết được?”.
Cơ hội đã mở ra cho tất cả cơ sở ăn uống, nhà hàng tại Việt Nam, bình đẳng như nhau. Để vượt qua quá trình thẩm định vốn nổi tiếng khắt khe của Michelin, câu trả lời chỉ có thể là chất lượng, chất lượng và chất lượng.
Chỉ còn 3 tháng nữa, ẩm thực Việt Nam sẽ đón những “ngôi sao” Michelin đầu tiên. Bất cứ người nào trong ngành cũng đều hiểu, một khi Michelin công bố danh sách, “thỏi nam châm” mới của du lịch Việt Nam cũng sẽ bắt đầu được kích hoạt.