Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Trầm Bê tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam?

Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can Trầm Bê vì vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Chiều 29/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank) để điều tra hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cùng bị khởi tố và bắt giam với ông Trầm Bê lần này là 2 người nguyên công tác tại Ngân hàng Phương Nam (nay chuyển tiếp công tác sang Sacombank).

Theo đó, Trầm Bê bị khởi tố, bắt giam liên quan tới ông Dương Thanh Cường (SN 1966, trú tại TP.HCM), nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bình Phát (Cty Bình Phát). Ông Cường bị khởi tố để điều tra về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” ngày 22/9/2017.

 Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can Trầm Bê vì vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Hiện, Trầm Bê hiện đang thụ án 4 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn ông Cường đang thi hành bản án tù chung thân về tội “Chiếm đoạt tài sản” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ vụ án, tháng 1/2008, Cty TNHH Bất động sản FPT ký hợp đồng nguyên tắc với Dương Thanh Cường về việc hợp tác liên doanh vốn đầu tư dự án lô đất số 10 Âu Cơ, phường Tân Thanh (Tân Phú, T.PHCM) để thành lập Cty TNHH Bất động sản Đông Phương Phát. Trong hợp đồng nguyên tắc, Cty Bất động sản FPT đã thanh toán tiền đợt 1 là 10% cho Cty Bình Phát với số tiền hơn 41,5 tỷ đồng.

Tại hợp đồng cũng quy định, chậm nhất đến ngày 20/2/2008, Cty Bình Phát phải xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của lô đất số 10 Âu Cơ đứng tên chủ sử dụng đất là Cty Đông Phương Phát với thời hạn sử dụng lâu dài, ổn định. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Cường đã đem thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Nam vay 15.846 lượng vàng SJC.

Khi phát hiện Cty Bình Phát vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký, Cty Bất động sản FPT đề nghị chấm dứt hợp đồng và yêu cầu hoàn trả lại số tiền hơn 41,5 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh hơn 6,3 tỷ đồng, thời hạn chậm nhất đến ngày 10/1/2009. Cường đã ký văn bản cam kết trả 15 tỷ đồng đúng hẹn, số tiền còn lại sẽ trả cuối tháng 3/2009.

Tuy nhiên, đến hạn không có tiền trả nên Cường giao cho Cty Bất động sản FPT 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 27A, 27B, 27C phố Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) để bảo lãnh cho việc thanh toán.

Tính đến ngày 12/3/2009, Cty Bình Phát mới trả cho Cty Bất động sản FPT 7,5 tỷ đồng. Số tiền còn lại là hơn 34 tỷ đồng tiền gốc, chưa kể tiền lãi, Cường không còn khả năng thanh toán.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã trưng cầu giám định 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại phố Lê Quý Đôn, kết luận 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này là giả, được làm bằng phương pháp in màu. Hiện vụ án Dương Thanh Cường, Trầm Bê và các bị can đang được tiếp tục điều tra.

Trước đó, ngày 1/8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46 - Bộ Công an) cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trầm Bê và Phan Huy Khang (nguyên là thành viên Hội đồng tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank). 

Hai bị can này bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Sacombank. 

Bên cạnh đó, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 31/7/2017, cơ quan cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can với 25 đối tượng bị can, ra lệnh bắt tạm giam với 16 bị can khác. Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. 

Ngày 1/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh đối với các bị can đồng thời khẩn trương điều tra mở rộng, thu hồi tài sản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo thông tin ban đầu, Trầm Bê đã tiếp tay cho Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam hơn 1.800 tỷ đồng

Cụ thể, tháng 4/2013, ông Danh gặp Trầm Bê đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Trầm Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam tại Sacombank. 

Video: Xét xử đại án nghìn tỷ: Trầm Bê không phục tội danh bị truy tố

Sau đó, Trầm Bê dẫn ông Danh gặp Phan Huy Khang triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền. Từ đó, Giám đốc Sacombank Chi nhánh Quận 8 và Chi nhánh Hưng Đạo tiếp nhận hồ sơ của 6 công ty sân sau của ông Danh vay số tiền trên. 

Ngày 26/4/2013, 1.800 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Danh. Có được tiền, ngày 27/4/2013 ông Danh chuyển 1.700 tỷ đồng trả khoản nợ trước đó cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình. 

Trước đó, ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông cáo cho biết đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Ngân hàng Sacombank. 

Ngày 6/8/2017 TAND TP.HCM tuyên phạt Trầm Bê 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong đại án Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB - giai đoạn 2). Trầm Bê không kháng cáo, hiện đang chấp hành bản án này.

 

Minh Anh

Tin mới