Trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden công khai số tiền cũng như chi tiết các loại vũ khí mà Washington cung cấp cho Kiev. Tuy nhiên, đến nay, thông tin Mỹ viện trợ vũ khí cho Israel rất "kín".
Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật cung cấp hơn 14 tỷ USD viện trợ mới cho Israel, nhưng dự luật này vấp phải sự phản đối ở Thượng viện và sự phản đối từ Nhà Trắng vì nó không tài trợ cho Ukraine cũng như các ưu tiên chính sách đối ngoại khác.
Mặc dù Tổng thống Joe Biden ủng hộ viện trợ cho Israel, song Nhà Trắng và đảng Dân chủ phản đối dự luật của đảng Cộng hòa vì dự luật này chỉ chiếm một phần nhỏ trong gói viện trợ 106 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ yêu cầu.
Theo phát ngôn viên Lực lượng phòng vệ Israel - Daniel Hagari, chuyến bay viện trợ vũ khí đầu tiên của Mỹ đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Nebatim hôm 10/10. Ông Hagari cho biết, các loại vũ khí và đạn dược của Mỹ sẽ tạo điều kiện cho các cuộc tấn công và chuẩn bị cho các kịch bản bổ sung.
Mỹ là nhà viện trợ quân sự lớn nhất cho Israel kể từ khi nước này thành lập vào năm 1948. Mỹ tài trợ khoảng 16% ngân sách quốc phòng của Israel.
Khói bốc lên tại Gaza sau đòn đáp trả của Israel ngày 7/10. (Ảnh: Getty)
Mong muốn từ Israel
Ngay sau khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, quan chức quân sự của Mỹ và Israel cho biết, Israel đang hối thúc Mỹ cung cấp các loại vũ khí cần thiết để tiến hành chiến dịch tấn công vào dải Gaza, loại bỏ lực lượng Hamas.
Các loại vũ khí mà Israel muốn nhận được từ Mỹ gồm bom dẫn đường chính xác (JDAM) hoặc bộ dụng cụ có thể chuyển đổi bom không điều khiển thành bom thông minh. Israel được cho là đã sử dụng bom dẫn đường chính xác để tấn công các mục tiêu ở dải Gaza từ trên không.
Israel cũng đang yêu cầu Mỹ cung cấp thêm tên lửa đánh chặn cho hệ thống Vòm Sắt - hệ thống phòng thủ tên lửa di động của Israel được thiết kế để đánh chặn tên lửa và pháo tầm ngắn.
Tuy nhiên, các hệ thống này tỏ ra bất lực trước mưa tên lửa Hamas phóng từ dải Gaza. Nhiều tên lửa đã vượt qua được Vòm Sắt và rơi xuống lãnh thổ Israel. Trước đó, Mỹ đã tài trợ hàng triệu USD giúp Israel vận hành hệ thống Vòm Sắt.
Theo quan chức Israel, quân đội nước này có thể đề nghị Washington cung cấp thêm các loại vũ khí khác, tùy thuộc vào yêu cầu của chiến dịch quân sự mà Israel phát động nhằm chống lại Hamas.
Tuy nhiên, theo ông Elias Yousif, nhà phân tích nghiên cứu của Chương trình Phòng thủ thông thường tại Trung tâm Stimson (Mỹ), khó xác minh loại vũ khí Mỹ chuyển cho Israel vì Mỹ không công bố như đối với những lô vũ khí Washington chuyển cho Kiev.
Vị chuyên gia này tin rằng, có khả năng rất cao là vũ khí Mỹ đang được sử dụng ở Gaza. "Gần như chắc chắn rằng vũ khí của Mỹ có liên quan đến cuộc chiến ở Gaza”, ông nói.
Tờ Intercept dẫn lời một tướng Thủy quân lục chiến Mỹ nghỉ hưu nói việc Washington giữ im lặng về thông tin chi tiết về việc cung cấp vũ khí cho Israel có thể là do tính nhạy cảm chính trị của cuộc xung đột Palestine - Israel. Đặc biệt, vũ khí được sử dụng trong chiến tranh đô thị, dẫn đến thương vong cho dân thường, đó sẽ không phải là thứ mà chính quyền Biden muốn công khai.
Đồng quan điểm, William Hartung, chuyên gia về buôn bán vũ khí của Mỹ, cho rằng việc Mỹ cung cấp tất cả thông tin chi tiết về vũ khí nước này chuyển cho quân đội Israel là vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị.
"Sự thiếu minh bạch có chủ đích về loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Israel gắn liền với chính sách của Nhà Trắng. Mỹ muốn hạ thấp mức độ nghiêm trọng mà những loại vũ khí Washington cung cấp Israel để tấn công Gaza", vị này nói.
Mỹ cam kết viện trợ vũ khí cho Israel khi xung đột với Hamas bùng phát. (Ảnh: EPA)
Thế khó của Nhà Trắng
Sau khi Hamas tấn công nước này hôm 7/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết hỗ trợ Israel. Theo ông Biden, Mỹ sẽ tăng cường viện trợ quân sự bao gồm đạn dược và tên lửa đánh chặn cho hệ thống Vòm Sắt của Israel, đảm bảo Israel sẽ có đủ các nguồn lực quan trọng để bảo vệ các thành phố và người dân của mình.
Thế nhưng, áp lực đang đè nặng lên chính quyền Biden khi con số thương vong ở Gaza tăng cao. Theo cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát, trên 10.000 người Palestine đã thiệt mạng từ ngày 7/10 sau khi xung đột bùng phát giữa Hamas và Israel. Một số thành viên đảng Dân chủ đã thúc giục Tổng thống Biden yêu cầu lệnh ngừng bắn, điều này hoàn toàn khác so với lệnh ngừng bắn nhân đạo.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói quân đội Israel đang sử dụng những quả bom nặng hơn 450kg và 900kg để chiến đấu. Mỹ cho rằng những vũ khí đó không phù hợp để sử dụng chiến đấu ở khu vực đô thị đông đúc. Washington đang cố gắng chuyển tới Israel những quả bom nhỏ hơn, phù hợp để nhằm vào các đường hầm mà không gây ra nhiều thiệt hại về tài sản.
Trong khi đó, bà Sarah Yager, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Theo dõi Nhân quyền (Mỹ), cho biết tổ chức này đang kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ giám sát quá trình hỗ trợ quân sự cho Israel.
“Công việc chính của Quốc hội Mỹ là giám sát việc bán vũ khí. Vì vậy, nếu họ không đặt câu hỏi về việc những vũ khí này sẽ đi đâu và chúng được sử dụng như thế nào, thì họ không hoàn thành công việc của mình”, bà Sarah Yager cho hay.
Theo chuyên gia Sarah Yager, Mỹ có trách nhiệm đảm bảo tiền và vũ khí của mình không được sử dụng để làm hại dân thường. "Quốc hội và chính quyền Tổng thống Joe Biden đánh giá lại nơi vũ khí sẽ được chuyển đi và liệu chúng có đang được sử dụng để vi phạm luật pháp quốc tế hay không”, bà nói.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi các quốc gia như Mỹ ngừng chuyển giao vũ khí cho Israel và các nhóm vũ trang Palestine, vì có nguy cơ thực sự là số vũ khí này sẽ được sử dụng để thực hiện các hành vi lạm dụng nghiêm trọng.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng chỉ trích Hamas tấn công dân thường Israel trong vụ ngày 7/10, đồng thời cáo buộc Israel trừng phạt tập thể người dân Palestine khi thả bom xuống các khu vực đông dân cư và cắt đứt các nguồn cung cấp thiết yếu như thực phẩm và nước uống.
Làn sóng phản đối Mỹ viện trợ vũ khí cho Israel gia tăng. Al Jazeera ngày 8/11 đưa tin, hàng trăm người biểu tình ủng hộ Palestine đã tập hợp tại cảng Tacoma để chặn một tàu tiếp tế quân sự mà họ cho rằng sẽ chở vũ khí từ Mỹ đến Israel. Người biểu tình lo ngại vũ khí trên tàu sẽ được Israel sử dụng trong chiến dịch chống Hamas ở dải Gaza.