Phó Giám đốc điều hành Gazprom Vitaly Markelov cho biết, Nga đã phải giảm lưu lượng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 do trục trặc tuabin. Ông nói với kênh truyền hình Rossiya 24 rằng, vấn đề là do công ty Siemens của Đức - công ty cung cấp tuabin, không thực hiện các cam kết của mình.
Ông Markelov cho rằng, Siemens đến nay mới xử lý được 1/4 trong tổng số các sự cố ảnh hưởng đến các tuabin. Hôm 27/7, nhà điều hành Nord Stream 1 - Gascade, cho biết lưu lượng khí đốt qua đường ống đã giảm xuống còn 1/5 công suất tối đa. Một ngày trước đó, Gazprom cảnh báo họ sẽ phải dừng hoạt động tuabin thứ hai của công ty Siemens để bảo trì.
Châu Âu gặp khó khi phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. (Ảnh: DPA)
Sau khi ngừng hoạt động, lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 dự kiến sẽ không vượt quá 33 triệu m3 mỗi ngày. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh gã khổng lồ năng lượng Gazprom vẫn đang chờ một tuabin khác dự kiến được Canada trả lại Đức sau thời gian bảo trì.
“Các đối tác châu Âu cáo buộc chúng tôi giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu mà không có đủ lý do", ông Markelov nói. Theo ông này chính các đối tác phương Tây của công ty đã “không hoàn thành nghĩa vụ của họ - nghĩa vụ theo hợp đồng" đối với việc bảo trì hoạt động cho các tuabin.
Trước đó, nhật báo kinh doanh Kommersant cho biết, một số tuabin tại trạm máy nén Portovaya nằm trên bờ biển Baltic của Nga đang cần được bảo dưỡng. Theo thỏa thuận giữa Gazprom và công ty Siemens, phía Siemens sẽ nhận sửa chữa thêm 5 tuabin từ nay đến cuối năm 2024.
“Chúng tôi kêu gọi các đối tác giải quyết các vấn đề riêng của họ càng sớm càng tốt", Phó Giám đốc điều hành Gazprom cho biết, nhấn mạnh nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu sau đó sẽ trở lại bình thường trong thời gian ngắn.
Việc giảm nguồn cung từ Nga đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng đột biến, tăng hơn 20% lên hơn 2.500 USD/nghìn m3 vào hôm 27/7. Các nhà lãnh đạo châu Âu sau đó đã đổ lỗi cho Nga về việc tăng giá khí đốt.
Thời gian qua, Gazprom giảm lượng khí đốt vận chuyển cho châu Âu. Nhiều quốc gia EU lo ngại Moskva đang dùng khí đốt để trả đũa lệnh trừng phạt từ châu Âu. Tuy nhiên, phía Nga phủ nhận các cáo buộc, khẳng định họ là đối tác tin cậy.
Hôm 25/7, Gazprom thông báo sẽ giảm lưu lượng khí đốt vận chuyển qua Nord Stream đến châu Âu xuống còn 20% từ ngày 27/7, với lý do phải đem một turbine đi bảo trì.
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu - chiếm 41% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU năm 2021. Tuy nhiên, châu Âu công bố kế hoạch REpowerEU tập trung vào giảm phụ thuộc năng lượng Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Mới đây, EC hối thúc các nước thành viên EU cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong những tháng tới. Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp của EU, mỗi nước thành viên sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% trong giai đoạn tháng 8/2022-3/2023.