Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao dân văn phòng hay bị rối loạn tiêu hóa?

(VTC News) -

Rối loạn tiêu hóa là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất ở những người làm văn phòng.

Đây là hội chứng xảy ra bởi sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa, khiến người bệnh thường xuyên rơi vào tình trạng đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn và rối loạn các chức năng đại tiện.

Rối loạn tiêu hóa bản chất không phải là bệnh lý. Đúng hơn nó là hậu quả của một số nguyên nhân nhất định như viêm đại tràng, viêm ruột, loạn khuẩn đường ruột, chế độ ăn uống không khoa học… Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu xảy ra thường xuyên bệnh sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý và cuộc sống người bệnh.

Rối loạn tiêu hóa bản chất không phải là bệnh lý. (Ảnh minh họa)

 

Vì sao rối loạn tiêu hóa hay gặp ở dân văn phòng?

Chế độ ăn uống thất thường

Đây được xem là nguyên nhân chính gây tình trạng rối loạn tiêu hóa. Vì tính chất công việc, nhiều nhân viên văn phòng dễ có thói quen bỏ bữa, ăn trễ giờ hoặc giờ ăn không cố định. Thói quen này là nguyên nhân gây ra một số bệnh về đường ruột như nhiễm khuẩn HP hay viêm đường ruột. Một số thay đổi, mất cân bằng cũng có thể xảy ra với hệ vi sinh đường ruột khi nhịp độ ăn uống và sinh hoạt thường nhật thất thường.

Ngoài ra, một nhóm lớn nhân viên văn phòng cũng thường lựa chọn những thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,… vì tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên thức ăn nhanh thường chứa nhiều calo, cholesterol, chất béo, muối và ít chất xơ.

Thêm vào đó, nếu thực phẩm được chế biến ở môi trường không đảm bảo vệ sinh, các loại vi sinh vật có hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm từ môi trường bên ngoài có thể xâm nhập vào đường tiêu hóa, gây ức chế sự phát triển và làm giảm số lượng vi sinh vật có lợi trong đường ruột.

Một nguy cơ khác là chất độc từ mầm bệnh còn kích hoạt phản ứng miễn dịch và tác động đến chức năng bình thường của hệ tiêu hóa, từ đó dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa khó chịu như tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng.

Stress do công việc

Người làm việc văn phòng thường xuyên gặp phải tình trạng căng thẳng do áp lực công việc kéo dài. Đây cũng là một “thủ phạm” khiến sức khỏe đường ruột ngày một giảm sút.

Trong hệ tiêu hóa của mỗi người đều có một lượng hormone Serotonin nhất định. Đây là loại hormone có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng tâm trạng. Nếu thường xuyên bị stress, căng thẳng, lượng hormone này sẽ tăng sinh và làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, tình trạng stress kéo dài sẽ làm cản trở quá trình lưu thông máu ở ruột. Từ đó gây ảnh hưởng đến chức năng co bóp của dạ dày. Thức ăn có thể bị ứ đọng tại ruột hoặc cũng có thể bị đào thải ra ngoài một cách nhanh chóng. Điều này khiến người bệnh bị đầy bụng, khó tiêu hoặc bị tiêu chảy.

Uống rượu bia thường xuyên

Văn hóa rượu bia khi tiếp đối tác cũng như thói quen nhậu nhẹt khi tan làm cũng ảnh hưởng rất lớn đến chức năng hệ tiêu hóa. Bởi các loại thức uống này có thể kích thích dạ dày sản xuất nhiều axit, dẫn đến kích ứng, viêm ở đường ruột. Không những vậy, rượu bia cũng đẩy nhanh quá trình tiêu hóa và ngăn ruột già tái hấp thu nước trong phân, khiến phân đi ra ngoài nhanh hơn và kèm theo nhiều nước.

Ngoài ra, việc lạm dụng rượu bia có thể làm chết một lượng lớn lợi khuẩn, gây loạn khuẩn đường ruột và hệ tiêu hóa rối loạn. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn còn làm mòn lớp nhầy trên thành dạ dày và ruột. Lâu ngày có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột, gây tình trạng viêm loét dạ dày – đại tràng kèm theo các triệu chứng đau bụng và rối loạn đại tiện (phân sống, phân lỏng, nát không thành khuôn…).

Ít vận động

Trong suốt thời gian làm việc, người làm văn phòng hầu như chỉ ngồi tại bàn và chỉ đi ra ngoài khi cần giải quyết nhu cầu như ăn uống, lấy nước hay đi vệ sinh. Việc ít vận động trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường ruột. Bởi vận động không chỉ giúp thúc đẩy nhu động ruột, giảm viêm, giúp thức ăn di chuyển “trơn tru” mà còn giúp tăng tính thẩm thấu của ruột và tạo ra những thay đổi tích cực trong thành phần của hệ vi sinh đường ruột.

Cách khắc phục

Ăn uống khoa học: Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm không hợp vệ sinh. Ăn nhạt và uống nhiều nước. Hạn chế rượu bia, thuốc lá và caffeine. Nên tạo thói quen đi vệ sinh đều đặn, đúng giờ.

Thường xuyên vận động: Nên cố gắng vận động điều độ bằng cách đi bộ sau bữa ăn hoặc duy trì chế độ tập luyện trong ít 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.

Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng, lo âu.

BS. Đặng Xuân Thắng

Tin mới