Xạ đen là cây gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, xạ đen tên khoa học là Celastrus hindsii Benth; được biết đến với các tên khác như bạch vạn hoa, cây bách giải, cây dây gối.
Đây là loại cây dây leo thân gỗ, bám vào các cây lớn để leo khi mọc hoang nhưng khi được trồng thì cành sẽ bám đan xen với nhau tạo thành từng búi để mọc. Thân xạ đen tròn, dài 3 - 10m, khi còn non màu xám nhạt và không lông nhưng khi lớn lên sẽ chuyển sang màu nâu và có lông rồi dần dần chuyển sang màu xanh.
Ở nước ta, cây xạ đen mọc hoang nhiều ở khu rừng của vùng đồi núi phía Bắc như Ninh Bình, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế. Thành phần hóa học của loài cây này gồm:
- Polyphenol: kaempferol 3-rutinoside, rutin, axit lithospermic, axit rosmarinic, axit lithospermic B.
- Triterpene và Sesquiterpene: 1b, 6a, estar agarofuran sesquiterpene, axit glucosyringic, loranthol, emarginatine E, lupenone.
- Một số nhóm hợp chất khác: axit amin, tanin, flavonoid.
Uống lá xạ đen tươi hay khô thì tốt là băn khoăn của nhiều người
Uống lá xạ đen tươi hay khô thì tốt?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, xạ đen có thể dùng tươi hay khô đều được. Tuy nhiên điều quan trọng là từ quá trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản phải đảm bảo theo yêu cầu để xạ đen có được hoạt chất tốt nhất từ đó phát huy được hết công dụng của xạ đen.
Cũng theo TS Lương y Phùng Tuấn Giang, xạ đen là loại dược liệu có thể sử dụng được cả thân, cành và lá. Như đã nói ở trên, để có được tác dụng tốt nhất thì nguồn dược liệu đóng vai trò quan trọng: Đúng loài thực vật, thu hái xạ đen đúng thời điểm (mùa thu đông, sáng sớm khi sương chưa tan hết), thu hái tự nhiên trong rừng hoặc tại vùng trồng sạch và phải được sơ chế làm khô sau khi thu hái không quá 24 giờ với phương pháp phù hợp.
Việc sử dụng lá xạ đen tươi hay khô (điều kiện dược liệu chất lượng) không khác nhau về tác dụng. Do đó, để tiện lợi cho việc sử dụng, lưu trữ lâu dài chúng ta nên lựa chọn xạ đen khô tại cơ sở uy tín, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Mặc dù vậy, việc dùng xạ đen tươi hay khô còn tùy thuộc vào từng bài thuốc, liều dùng và cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để được tư vấn liều dùng phù hợp. Thông thường xạ đen dùng sẽ tương ứng 10 – 15g dược liệu khô, tuy nhiên tối đa chỉ nên dùng xạ đen khoảng 70g/ngày.
Nếu muốn sử dụng xạ đen tươi thì chỉ tiện lợi khi trồng được cây xạ đen. Tuy nhiên, cây xạ đen có được hoạt chất tốt khi được trồng ở nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Việc trồng cây xạ đen trong chậu ở các gia đình có thể không đảm bảo được sự sinh trưởng, phát triển và tích lũy hoạt chất của cây.
Lưu ý, đối với các bệnh mạn tính như ung thư, tăng huyết áp, tiểu đường… người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc. Khi dùng xạ đen nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để dùng cho đúng, mang lại hiệu quả tối ưu.