Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa các hoạt động của Bộ lên môi trường số, hướng tới việc quản lý và điều hành dựa trên cơ sở dữ liệu với 3 lĩnh vực chính ưu tiên, gồm kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và an toàn giao thông.
Điều này giúp ngành giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ, giảm thiểu chi phí trong việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Trên tinh thần đó Tập đoàn Autodesk với những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm hợp tác cùng nhiều Chính phủ và các doanh nghiệp trên toàn thế giới, mong được đồng hành cùng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số này.
Buổi làm việc giữa Tập đoàn Autodesk với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam.
Ông Haresh Khoobchadani, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương & Nhật Bản, Tập đoàn Autodesk (Mỹ) giới thiệu về ứng dụng Mô hình Thông tin Xây dựng (BIM) với Bộ Giao thông vận tải.
Ông cho biết, đây là giải pháp mà Autodesk đã hợp tác, hỗ trợ Chính phủ nhiều nước trên thế giới trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án xây dựng sân bay quốc tế Bangalore tại Ấn Độ, hay dự án xây dựng đường hầm tại Na Uy.
Mô hình BIM của Autodesk được tích hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) giúp xây dựng các thành phố thông minh hơn bằng cách tích hợp các tính năng nhằm tối ưu hóa vị trí, thiết kế và giúp tổng hợp tất cả các loại thông tin như 2D, 3D, chụp ảnh thực tế.
Từ đó cung cấp cho các thành phố thuộc mọi quy mô một bức tranh hoàn chỉnh, để họ có thể đưa ra quyết định thông minh hơn về việc vận hành và bảo trì các tài sản của công trình hiện có, mô phỏng các dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai trong bối cảnh vị trí và môi trường tự nhiên của chúng.
Hệ thống còn có thể dự đoán và ưu tiên những thách thức trong tương lai như biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và đô thị hóa hàng loạt.
Các nền tảng hợp nhất như Autodesk Construction Cloud không chỉ giúp lưu trữ và quản lý dữ liệu dự án một cách an toàn trên đám mây, mà còn quản lý các nhóm lớn cộng tác viên từ xa, hợp lý hóa quy trình công việc, tiết kiệm thời gian quý báu và xử lý các dự án ngày càng phức tạp hiệu quả hơn.
Mô hình BIM cũng giúp Quản lý ngân sách, tiến độ dự án một cách hiệu quả: tận dụng lợi thế dữ liệu để ra quyết định thông qua việc ứng dụng BIM, đồng thời mang lại tầm nhìn tổng quan về dự án: tiến độ ra sao, những rủi ro tiềm tàng, những lỗ hổng trong quá trình triển khai.