Chiến thuật câu giờ
Phần lớn thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine đã bị phá hủy sau nhiều tháng giao tranh ác liệt. Hàng chục nghìn binh sỹ của cả Nga lẫn Ukraine đã thiệt mạng và những người dân từng cố bám trụ ở nơi đây đang gấp rút đi sơ tán.
Các lực lượng Nga đã bao vây Bakhmut từ 3 phía, trong khi Ukraine gánh chịu tổn thất nặng nề và cạn kiệt hỏa lực sau các cuộc giao tranh kéo dài. Nhiều quan chức phương Tây đã hối thúc lực lượng Ukraine rút lui về các phòng tuyến khác để dễ bề phòng thủ. Tuy vậy, các chỉ huy quân sự cấp cao của Ukraine đã bác bỏ đề xuất trên, tin tưởng rằng nỗ lực cầm cự của họ có thể làm tiêu hao nhân lực và vật lực của Nga, khiến Moskva không thể thực hiện cuộc tấn công lớn vào mùa xuân.
Ukraine vẫn hy vọng việc tiếp nối đà tiến của cuộc phản công thực hiện vào cuối năm 2022 có thể giúp họ phá vỡ những mối liên kết trong các phòng tuyến của Nga và đẩy lùi đối phương khỏi miền Đông. Sau khi giành quyền kiểm soát thành phố Lyman ở Donetsk vào tháng 10/2022, các lực lượng Ukraine đã phải đối mặt với các đợt tấn công dữ dội của Nga. Tình thế trở nên khó khăn hơn với Ukraine khi quân đội Nga và các đơn vị tư nhân Wagner tiến đánh thành phố Bakhmut.
Binh sỹ Ukraine gần khu vực Kharkov ngày 23/2/2023. (Ảnh: AP)
Cả hai bên đều chịu tổn thất nghiêm trọng trong cuộc chiến giành Bakhmut, nhưng các chỉ huy Ukraine nói rằng kế hoạch của họ thực hiện cuộc tấn công quy mô lớn để giành lại toàn bộ khu vực Donbass sẽ không bị ảnh hưởng. Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine cho rằng, họ cần phải “câu giờ” để tích lũy nguồn lực cho một cuộc phản công lớn, có thể diễn ra trong tương lai không xa.
2 lựa chọn cho Ukraine
Giới phân tích cho rằng, rủi ro về chính trị và quân sự đối với cả Nga lẫn Ukraine ngày một cao hơn. Sau hơn 1 năm xung đột nổ ra, Tổng thống Putin dường như đang đánh cược rằng đối thủ của Nga sẽ khó có thể trụ vững khi sự ủng hộ của Mỹ, châu Âu đối với Ukraine sẽ suy yếu dần nếu cuộc chiến rơi vào bế tắc.
Còn chính quyền Tổng thống Zelensky đang nỗ lực khôi phục lại động lực và nâng cao tinh thần chiến đấu của các binh sỹ, sau nhiều tháng giữ nguyên thế phòng thủ. Ông Rob Lee - thành viên Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) nhận định: “Việc huấn luyện các binh sỹ đứng trong chiến hào, phòng thủ và bắn vào đối phương dễ hơn nhiều so với việc đào tạo họ thực hiện các hoạt động tấn công. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, sự lãnh đạo, chỉ huy và kiểm soát tốt hơn”.
Mặc dù quân đội Ukraine đã gây bất ngờ cho Nga vào mùa thu năm 2022, nhưng cuộc chiến hiện giờ không còn là “trò chơi dự đoán ý định của nhau”. Sau khi công bố kế hoạch tiến hành cuộc tấn công lớn, chính quyền Tổng thống Zelensky thậm chí đã thành lập một lực lượng tiên phong gồm 8 lữ đoàn có nhiệm vụ dẫn đầu nỗ lực này.
Các quan chức quân sự phương Tây cho rằng, quân đội Ukraine sẽ có 2 lựa chọn nếu họ muốn tìm cách đẩy lui các lực lượng Nga và phe ly khai: thứ nhất, là đẩy lùi về phía Nam, băng qua con sông Dnieper và tiến về phía Crimea – nơi Nga sáp nhập từ năm 2014; thứ hai là tiến xa hơn về phía Đông, sau đó tiếp tục tiến về phía Nam để cắt đứt cây cầu đất liền mà Nga cố gắng tạo ra dọc theo bờ Biển Đen kết nối Crimea với lục địa Nga.
Nhà phân tích John Hardie thuộc Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) dự đoán, bước tiến của Ukraine có thể tập trung về phía Nam, hướng tới thành phố Melitopol ở Zaporizhzhia hoặc tới thành phố Mariupol ở Donetsk trên bờ biển phía Bắc của Biển Azov. Ông lưu ý, khu vực phía Nam đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược đối với Kiev.
Nỗ lực viện trợ sẽ quyết định số phận của cuộc phản công
Một số quan chức Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đã có các cuộc thảo luận với tướng lĩnh Ukraine vào đầu tháng 3 tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Wiesbaden, Đức, để bàn về kế hoạch phản công trong mùa xuân. Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết: “Không ai nói với Ukraine rằng họ phải tiến về hướng nào, hoặc phải thực hiện nhiệm vụ nào. Đó không phải là công việc của cộng đồng quốc tế. Tất cả những gì chúng tôi đang làm là thiết lập các khuôn khổ, cơ chế để người Ukraine tự học hỏi và biết cách đối phó với những tình huống khác nhau”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Ukraine có lẽ sẽ không bắt đầu cuộc phản công quy mô lớn cho đến khi họ nhận thêm vũ khí và phương tiện do Mỹ và các nước NATO khác cung cấp. Một số người dự đoán, cuộc phản công sẽ diễn ra vào đầu tháng 5/2023. Military Times dẫn thông tin từ một số binh sỹ tình nguyện thuộc Quân đoàn Quốc tế Ukraine cho biết, quân đội Ukraine đang thiếu những khí tài quân sự cơ bản như phương tiện cơ giới và đạn pháo để tiếp tục chiến đấu tại Bakhmut, cũng như chuẩn bị cho cuộc phản công lớn.
Chính phủ Ukraine đã liên tục hối thúc Mỹ và đồng minh tăng cường viện trợ vũ khí cho nước này, lưu ý rằng, thời điểm vài tháng tới là giai đoạn cực kỳ quan trọng, có thể quyết định cục diện của cuộc xung đột.
Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine đủ hỏa lực để đối phó với Nga. Phát biểu với báo chí hôm 21/3, Tướng Patrick Ryder – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang làm mọi thứ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của Ukraine và điều này sẽ tiếp tục là ưu tiên của chúng tôi. Kiev vẫn còn một cuộc chiến cam go ở phía trước, đặc biệt khi bước vào mùa xuân và mùa hè”.
Một số nhà phân tích quân sự Nga cho biết, các lực lượng Ukraine có thể vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ khi tiến về phía Nam, không giống như các khu vực khác của tiền tuyến. Trong khi đó, nhiều thành viên của Quốc hội Nga đã kêu gọi các quan chức quân đội phát triển khả năng tác chiến chống máy bay không người lái để bảo vệ những tuyến liên lạc quan trọng kết nối Crimea với lục địa Nga.