Chia sẻ với VTC News, BLV Ngô Quang Tùng khẳng định tuyển Việt Nam sẽ học được rất nhiều sau trận thua 2-3 trước UAE ở vòng loại World Cup 2022. Bên cạnh thiếu sót trong lối chơi, đội bóng của HLV Park Hang Seo còn định hình được vị thế, chỗ đứng của bản thân để chuẩn bị tốt nhất cho vòng loại cuối cùng.
Video: Việt Nam 2-3 UAE
- Trận thua UAE là lời cảnh tỉnh giúp tuyển Việt Nam nhận ra thiếu sót?
Mỗi trận thua là một bài học. Thua đối thủ ở đẳng cấp cao hơn, trong cuộc đua trực tiếp như vậy đòi hỏi tuyển Việt Nam phải tích lũy hơn nữa bởi ở vòng loại thứ ba, các học trò của HLV Park Hang Seo sẽ còn gặp những đội bóng mạnh hơn UAE rất nhiều.
Ở trận đấu này, các cầu thủ Việt Nam có cách tiếp cận chưa hợp lý. Tuyển Việt Nam đã đúng khi lựa chọn đá phòng ngự phản công, song phương pháp thực hiện không chuẩn mực. Tuyển Việt Nam tập trung phòng ngự, nhưng khi giành được bóng, các cầu thủ lại thi đấu vội vàng, thiếu tỉnh táo và định hướng.
Những pha phản công luôn yêu cầu phải thực hiện nhanh. Dù vậy, các cầu thủ phải nhìn thấy đồng đội, khoảng trống và kẽ hở rồi mới thực hiện chuyền bóng. Song, cứ giành được bóng, các cầu thủ Việt Nam xử lý 1, 2 nhịp là mất bóng luôn.
Không có sự tỉnh táo trong khâu xử lý, nên tuyển Việt Nam không thể chơi hợp lý khi giành bóng từ chân đối thủ. Cho đến trước phút 60, 70, tuyển Việt Nam không có độ chuẩn xác trong lối chơi.
Văn Đức (số 20) chơi mờ nhạt. (Ảnh: L.T)
Do đó, đội bóng của HLV Park Hang Seo phải rút kinh nghiệm. Trong thế trận phản công, bên cạnh tốc độ và con người, tuyển Việt Nam cần phải có cả nhịp điệu nữa.
Chỉ có 2 đường chuyền cũng cần nhịp điệu hợp lý. Cầu thủ chưa chạy, chưa mở ra khoảng trống thì đồng đội phải chuyền thế nào, không thể cứ đè mặt hậu vệ đối thủ chuyền rồi mất bóng.
- Ban huấn luyện đã giúp cầu thủ khắc phục vấn đề, nên tuyển Việt Nam ghi được 2 bàn trong 10 phút cuối?
Những pha phối hợp rất hay dẫn đến bàn thắng cuối trận chứng tỏ rằng tuyển Việt Nam có thể cầm bóng, đan lát, tổ chức lối chơi với nhịp điệu bài bản. Vậy nhịp điệu ấy đã biến đâu mất trong 30 đến 50 phút đầu tiên?
Tất nhiên, UAE rất mạnh nên Việt Nam khó đá, nhưng bản thân các học trò của HLV Park Hang Seo cũng có vấn đề. Nếu toàn đội bình tĩnh giữ bóng, kiên nhẫn chờ đợi, chúng ta sẽ tránh được mất sức, mất thế trận. Việc mất tập trung là do các cầu thủ thường cố lao lên phía trước mà quên mất mục tiêu nằm ở đâu.
Các cầu thủ không bộc lộ sự tỉnh táo và kinh nghiệm để giữ nhịp chơi. Đôi lúc, chúng ta phải chậm lại đã. 15, 20 phút đầu, tỷ số đang là 0-0, tuyển Việt Nam có mất gì đâu mà phải vội vàng như vậy?
Chúng ta dường như đã nhầm lẫn rằng UAE sợ Việt Nam đá nhanh, thực ra là ngược lại. UAE rất muốn cầu thủ Việt Nam chơi nhanh, vì nhanh thì dẫn đến hỏng.
Việc bố trí Phan Văn Đức đá ở trận này cũng là sai lầm. Văn Đức không hợp với lối chơi nhanh. Cầu thủ tốc độ nhất là Văn Toàn thì ngồi dự bị. Trong khi đó, các cầu thủ trên sân cứ có bóng thì chơi vội vàng.
Tuyển Việt Nam cần rút ra bài học. (Ảnh: L.T)
- Việc không có HLV Park Hang Seo chỉ đạo trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng chơi bóng?
Điều này rất khó nói. Thời điểm 15, 20 phút đầu, tuyển Việt Nam nên nhận được chỉ đạo đá chậm lại để giữ được thế trận, nhưng cũng có thể các cầu thủ được chỉ đạo rồi mà không làm được. Bóng đá là như thế. HLV nói, chưa chắc cầu thủ đã thực hiện được.
Việc HLV Park Hang Seo bị truất quyền chỉ đạo không phải vấn đề quá lớn, tất nhiên là có ảnh hưởng, nhưng khó định lượng được là ảnh hưởng bao nhiêu. Bản thân trợ lý của HLV Park Hang Seo cũng là những người "sừng sỏ", các cầu thủ cũng hiểu triết lý HLV, song làm được không lại là chuyện khác.
- Trận thua này cũng cho thấy tuyển Việt Nam sẽ gặp vô vàn thử thách ở vòng loại cuối cùng?
Trong 8 trận đấu ở vòng loại, tuyển Việt Nam đã có 7 trận xuất sắc, đạt được số điểm cần thiết để đi đến cái đích của mình. Đó là quá trình phấn đấu đáng tự hào của cầu thủ để tạo được cột mốc lịch sử.
Song, nói riêng về trận đấu với UAE, tuyển Việt Nam phải rút kinh nghiệm rất nhiều. Đường đến World Cup của chúng ta còn xa và gập ghềnh lắm.
Ở vòng loại cuối, tuyển Việt Nam sẽ gặp những đội còn "ngáo ộp" và mạnh hơn UAE, nếu rơi vào thế bất lợi, chưa chắc các học trò của HLV Park Hang Seo gỡ được. Không có giải pháp phù hợp, chúng ta sẽ bị trôi đi rất nhanh trong các trận đấu, chứ không có cơ hội "vuốt mặt" với bàn thắng danh dự như trận này.
Trọng Hoàng trở lại nhưng không giúp hàng thủ Việt Nam đứng vững trước UAE. (Ảnh: L.T)
- Tuyển Việt Nam từng đặt lộ trình hướng tới World Cup 2026. Như vậy, chiến dịch vòng loại cuối cùng World Cup 2022 là cơ hội để chúng ta học hỏi và tạo bước đà?
Mục tiêu của tuyển Việt Nam là dự World Cup, đó có thể là World Cup 2022 - giải đấu chúng ta đang có cơ hội góp mặt khi lọt vào vòng loại cuối. Tuy nhiên, chúng ta phải thực tế rằng thực lực tuyển Việt Nam còn mỏng, khoảng cách trình độ với các đội tuyển mạnh còn rất xa, nên có thể mục tiêu đó chưa thực hiện được.
Ở World Cup 2022, cả châu Á chỉ có 4,5 suất tham dự. Dù vậy, ở World Cup 2026 (mở rộng số đội dự vòng chung kết từ 32 lên 48 đội), châu Á có thể có 8,5 suất.
Tuyển Việt Nam đã lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, tương đương top 12 đội mạnh nhất. Nếu 4 năm nữa, chúng ta vẫn lọt vào top 12, thì tuyển Việt Nam sẽ rộng cửa dự World Cup hơn rất nhiều.
Khi ấy, tuyển Việt Nam có thể chỉ phải cạnh tranh vé với những đội tuyển cỡ UAE thôi. Thời gian 4 năm có thể giúp cầu thủ có sự tích lũy để thu hẹp cách biệt trình độ với các đối thủ mạnh hơn. Còn để Việt Nam hướng tới việc giành 1 trong 4,5 suất dự World Cup hiện tại là mục tiêu chưa hợp lý, thậm chí là ảo tưởng.
Tuyển Việt Nam phải va chạm với các đội mạnh để trưởng thành. (Ảnh: L.T)
- Trải nghiệm cọ xát với những đội tuyển hùng mạnh là cơ hội để tuyển Việt Nam trưởng thành hơn?
Tuyển Việt Nam cần quá trình để phấn đấu không ngừng, học hỏi và tích lũy. Trong số 12 đội ở vòng loại cuối, đội bóng của Park Hang Seo đang thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm so với các đối thủ.
Phải có bước cải thiện đột biến, tuyển Việt Nam mới có thể nghĩ đến kết quả khả quan ở vòng loại này. Nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục cọ xát, học hỏi để chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước.
Tuyển Việt Nam phải va chạm với các đội mạnh để trưởng thành, để quá trình đi lên có thêm giá trị. Lứa cầu thủ này của tuyển Việt Nam rất trẻ, có thể sắm vai trụ cột trong 4 năm nữa. Sự tích lũy này sẽ giúp cầu thủ dày dạn và kinh nghiệm hơn.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!