Trước khi trở thành Giáo sư trợ lý tại Khoa Kỹ thuật Cơ điện tử thông minh, Đại học Sejong (Hàn Quốc), Mai Thế Vũ từng giành học bổng toàn phần và tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Hàng hải Quốc gia Hàn Quốc (KMOU). Vũ cũng nhiều năm liền đạt học bổng dành cho sinh viên nước ngoài của Viện Khoa học Kỹ thuật và Hàng hải Hàn Quốc (Korea Institute of Ocean Science and Technology -KIOST).
Dù vậy, ít ai ngờ hướng nghiên cứu hiện tại của anh khác hẳn với chuyên ngành được đào tạo khi còn theo học tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM là chuyên ngành Tàu thủy, Khoa Kỹ thuật giao thông.
Mai Thế Vũ (sinh năm 1990) là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Bước ngoặt của 9X
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vào năm 2013, đúng vào thời điểm các công ty đóng tàu đang gặp nhiều khó khăn, chàng kỹ sư quê Vũng Tàu vẫn cố gắng tìm kiếm cho mình một công việc theo đúng chuyên ngành.
Dù vậy, mọi cố gắng của anh ở thời điểm đó vẫn không mang lại kết quả như mong đợi. “Việc thì nhiều nhưng cái chính là mình vẫn muốn theo đuổi đúng chuyên ngành được học”, Vũ nhớ lại.
Giữa lúc đang cảm thấy hoang mang và nản lòng, tình cờ, Vũ được thầy giáo chủ nhiệm lớp đại học giới thiệu về cơ hội đi du học tại Đại học Hàng hải Quốc gia Hàn Quốc. Không do dự quá lâu, anh quyết định “đánh liều” chọn con đường theo đuổi ngành Cơ điện tử theo dạng học bổng của giáo sư, dù là học trái ngành.
“Trước đó, tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến chuyện đi du học. Bởi lẽ, tôi cho rằng, những người đi du học thường học rất giỏi hoặc gia đình phải có điều kiện. Nhưng ở thời điểm đó, tôi vẫn muốn thử cho mình một cơ hội”, Thế Vũ nói.
May mắn, hồ sơ của anh sau đó đã được chấp nhận. Nhưng khi sang Hàn Quốc, anh tiếp tục gặp phải không ít khó khăn.
“Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải chính là phải học cách thích nghi và tự trau dồi kiến thức cho bản thân, nhất là khi chuyển từ ngành Tàu thủy sang Cơ điện tử. Hơn nữa, một rào cản khác là ngôn ngữ. Kể cả khi còn ở Việt Nam, mình có thể là một người khá về tiếng Anh, nhưng khi sang nước bạn, giáo sư chủ yếu vẫn giao tiếp và giảng dạy bằng tiếng Hàn. Do đó, mình vẫn phải học cách để trao đổi, chia sẻ”.
Còn một khó khăn nữa, khi làm nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc, 80% thời gian trong ngày phải dành cho việc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm. Với cường độ và khối lượng công việc lớn như vậy, chuyện thường xuyên phải ở lại phòng thí nghiệm sau 12h đêm không còn là chuyện hiếm.
“Giáo sư Hàn Quốc chỉ quan tâm đến kết quả. Mỗi tuần một lần, mình cần phải có số liệu để báo cáo, do đó gần như tôi phải làm việc liên tục tất cả các ngày trong tuần”, anh Vũ nói.
Dù vất vả hơn so với những du học sinh đi học bằng học bổng Chính phủ, nhưng với chàng trai người Việt, đây cũng là cơ hội.
“Giáo sư tại Hàn Quốc thường nhận khá nhiều dự án về cho lab của mình. Vì thế, các thành viên tham gia có thể nắm được quá trình triển khai dự án cũng như các bước thực hiện. Dù mỗi thành viên có thể sẽ phải làm nhiều công việc một lúc, nhưng đây cũng chính là cơ hội giúp mỗi người được học hỏi thêm nhiều điều hơn”.
Ngoài ra, theo Vũ, có một điều may mắn là đã được dạy kiến thức nền và các môn đại cương rất tốt khi học đại học ở Việt Nam. Vì vậy, khi chuyển hướng, Vũ vẫn có thể cố gắng đáp ứng được yêu cầu của giáo sư.
“Gia tài” trên 50 công bố quốc tế
Trong những năm đầu tiên ở Hàn, nghiên cứu của anh Vũ tập trung về robot xây dựng dưới nước. Đây cũng là nội dung được anh trình bày trong bài báo khoa học đầu tiên của mình.
“Với robot xây dựng dưới nước, con người có thể điều khiển để đào rãnh, chôn cáp hay đường ống dưới đáy biển. Trong bài báo này, tôi đã tính toán lực, kết cấu,… để có thể điều khiển robot thực hiện các nhiệm vụ được lập trình sẵn”.
Để hoàn thành bài báo đầu tiên, Vũ mất đến gần 1 năm trời. Theo Vũ, khó khăn lớn nhất chính là việc lên ý tưởng và tìm kiếm tài liệu. Do đặc thù là ngành nghiên cứu hẹp nên tài liệu tham khảo không nhiều. Vì thế, quá trình nghiên cứu cũng gặp phải không ít khó khăn.
Một vấn đề khác nằm ở khả năng viết lách. Giai đoạn đầu tiên, khi kinh nghiệm viết báo còn ít ỏi, 9X không thể viết được một bài báo khoa học với ngôn ngữ chuẩn. Chính vì vậy, anh đã phải liên tục trao đổi với giáo sư mỗi ngày để xin ý kiến. Sau 1 tháng miệt mài viết, sửa, bài báo đầu tiên đã hoàn thiện, sau đó được chấp thuận đăng trên một tạp chí uy tín.
Chỉ trong vòng vài năm tại Hàn Quốc, anh Vũ đã có hơn 50 bài báo được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Trong đó, có 11 bài báo thuộc danh mục Q1 (7 bài là tác giả chính), 10 bài báo thuộc danh mục Q2 (5 bài là tác giả chính). Ngoài ra, là tác giả chính của 4 giải thưởng bài thuyết trình xuất sắc (best presentation) các hội nghị khoa học tại Hàn Quốc năm 2017, 2018, 2019.
Theo anh, điều quan trọng nhất với một nhà khoa học là phải xây dựng cho mình được một mạng lưới riêng.
“Nhà khoa học không thể đi đơn độc. Thông qua mạng lưới này, các nhà khoa học có thể học hỏi, trao đổi lẫn nhau về các mối quan tâm chung, từ đó sẽ giúp họ nảy ra nhiều ý tưởng thiết thực”, anh Vũ nói.
Bản thân anh hiện cũng đã xây dựng cho mình một mạng lưới các nhà nghiên cứu trong ngành đến từ Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan…
Sau 8 năm sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, hiện tại, anh vẫn đang tiếp tục theo đuổi con đường phát triển công nghệ robot dưới nước, phục vụ các nhiệm vụ như thăm dò khoáng sản, tìm kiếm các vật thể mất tích dưới biển, đặc biệt là ứng dụng trong quân sự khi có thể phát hiện những vật thể lạ xâm nhập vào chủ quyền dưới nước.
Vũ cùng vợ ở Hàn Quốc
Dù đã có những bước tiến “không ngờ tới”, nhưng Mai Thế Vũ cho rằng, ở thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa thể quay trở lại Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng đây là một mảng chuyên sâu, trong khi kiến thức của mình chưa đủ để có thể đứng độc lập nghiên cứu. Hơn nữa, lĩnh vực robot dưới nước tại Việt Nam cũng chưa được phát triển mạnh.
Tôi cũng đã tìm hiểu và biết, có một số nhà khoa học dù theo đuổi mảng này tại Hàn, nhưng sau khi trở về Việt Nam vẫn khó tiếp tục bám mảng vì chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu”.
Do đó, 9X Việt mong muốn có thể tiếp tục ở lại Hàn trau dồi, học tập và mở rộng mạng lưới các nhà nghiên cứu.
“Trong tương lai, tôi hy vọng mình sẽ sớm được quay trở về Việt Nam, sau đó có thể tiếp tục ứng dụng nghiên cứu của mình vào trong việc giải quyết các bài toán liên quan đến kỹ thuật dưới nước”, Mai Thế Vũ nói.