Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Từ 1/1/2025, dao có tính sát thương cao được coi là vũ khí

(VTC News) -

Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới, dao có tính sát thương cao sẽ có 3 chế độ quản lý, tương ứng từng mục đích sử dụng.

Sáng 29/6, với 459/468 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024. Luật này có hiệu lực kể từ 1/1/2025.

Theo quy định tại luật mới, dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Định nghĩa này có phần khác so với dự thảo trước đây, khi bỏ đi nội dung về chiều dài cụ thể của lưỡi dao. Dao có tính sát thương cao sẽ có 3 chế độ quản lý, tương ứng từng mục đích sử dụng.

Thứ nhất, sử dụng dao có tính sát thương cao với mục đích thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối người thi hành công vụ, thì quy định là vũ khí thô sơ.

Thứ hai, sử dụng dao có tính sát thương cao với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, thì quy định là vũ khí quân dụng.

Thứ ba, sử dụng dao có tính sát thương cao phục vụ mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày thì không coi là vũ khí.

Quang cảnh phiên họp.

Tuy nhiên, để phòng, chống các hành vi sử dụng dao có tính sát thương cao với mục đích phạm tội, Chính phủ sẽ quy định các biện pháp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng dao có tính sát thương cao. Các biện pháp phải phù hợp với thực tiễn, không gây cản trở đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, với quy định nêu trên, các hành vi liên quan đến dao có tính sát thương cao nếu không có động cơ, mục đích trái pháp luật thì không bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Chỉ trong trường hợp có gắn với mục đích phạm tội thì mới xác định là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao có trách nhiệm cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất khi có yêu cầu của cơ quan công an nơi cư trú.

Vẫn theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024, súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi sẽ được coi là vũ khí quân dụng. Quá trình xây dựng luật, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung các loại súng trên vào danh mục vũ khí quân dụng, vì theo quy định tại luật hiện hành những loại súng này chưa thỏa mãn khái niệm vũ khí quân dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy, trong 5 năm qua, số vụ sử dụng súng tự chế để gây án nhiều gấp 6 lần súng quân dụng. Mặc dù súng tự chế (súng nén khí, súng bắn đạn bi…) nguy hiểm như súng quân dụng, có thể làm chết nhiều người, nhưng lại chưa được quy định trong luật, chưa có chế tài xử lý.

Cũng vì luật hiện hành không bao quát đầy đủ các loại súng, nhiều đối tượng tội phạm lợi dụng kẽ hở để chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại súng đã nêu.

Với những lý do như đã đề cập, luật mới quy định các loại súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng.

Đồng thời, việc phân loại vũ khí còn dựa theo mục đích sử dụng. Khi sử dụng các loại súng trên vào mục đích săn bắn sẽ được coi là súng săn, khi sử dụng vào mục đích luyện tập, thi đấu thể thao sẽ được coi là vũ khí thể thao.  

Minh Tuệ

Tin mới