Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trưởng trạm y tế xã ngày tất bật tư vấn F0, đêm thức trắng chăm chồng tai biến

(VTC News) -

Những ngày số lượng người nhiễm COVID-19 trong xã tăng cao, bà Mai vừa nghe điện thoại tư vấn giúp dân vừa phải chăm chồng liệt giường sớm hôm.

Trở về nhà lúc 7h tối, bà Mai vội thay đồ, sát khuẩn tay và vào bếp hâm lại nồi cháo đã được xay nhuyễn. Múc 2 thìa cháo to cho vào bát, bà vội vã mang lên phòng cho chồng ăn. Vừa đút bà vừa hỏi ông: “Hôm nay tôi đi làm về muộn, ông có buồn không?” Ông Dự miệng ú ớ như muốn nói điều gì đó nhưng không thể phát thành tiếng. 

Chợt cuộc điện thoại cắt ngang, một người dân trong xã gọi nhờ hướng dẫn thủ tục khai báo y tế. Nữ trưởng trạm y tế xã tay nghe điện thoại, tay đút cháo cho chồng. “Dạo này dịch bệnh phức tạp, số lượng F0, F1 tăng cao, điện thoại lúc nào cũng có người gọi. Nhiều hôm đang ngủ giật mình vì có người nhờ tư vấn hạ sốt lúc nửa đêm,” bà nói.

Những ngày “dã chiến”

7h sáng tại Trạm y tế xã Thuỵ Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, bà Nguyễn Xuân Mai (53 tuổi, Trưởng Trạm y tế xã Thuỵ Lôi) giọng khản đặc vẫn cố gằn giọng hướng dẫn người dân khai báo y tế. Bàn bên trái, hai nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín mít đang lấy mẫu test nhanh giúp dân. Mọi công việc trong trạm đều diễn ra khẩn trương nhanh chóng. 

Tính từ đầu tháng 1/2022 đến nay, số lượng F0 trên địa bàn xã Thụy Lôi khoảng 500 người. Trạm hiện có 6 nhân viên, thay nhau làm việc từ khâu đón tiếp, tư vấn, hướng dẫn lấy test cho công dân. Trung bình một ngày trạm sẽ đón khoảng 50 người đến test và xác nhận hoàn thành cách ly.

Ngày cao điểm có hôm hơn 100 người đến nhờ test COVID-19, xin xác nhận hoàn thành cách ly và các thủ tục khác có liên quan. Con số này gấp 5 lần so với tần suất những ngày làm việc thông thường.

Bà Nguyễn Xuân Mai, Trưởng trạm y tế xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

“32 năm làm việc tại Trạm y tế Thụy Lôi, chưa bao giờ tôi và các nhân viên y tế tại trạm đầu tắt mặt tối như giai đoạn này” bà Mai, Trưởng trạm y tế xã Thuỵ Lôi cho biết.

Hiện tại cán bộ nhân viên y tế của trạm cùng lúc phải xử lý rất nhiều các đầu việc từ test cho người có biểu hiện nghi nhiễm đến tư vấn hướng dẫn người dân khai báo y tế, tư vấn sử dụng thuốc và cách ly tại nhà. 

“Khái niệm làm giờ hành chính những ngày gần đây không còn tồn tại với tất cả nhân viên y tế. Chúng tôi thường xuyên phải làm xuyên trưa, về muộn rồi trực cả đêm”, bà Mai nói.

Với F0 mới phát hiện, sau khi khi nhận được thông tin khai báo y tế trực tiếp hoặc online, cán bộ y tế sẽ tư vấn hướng dẫn, ra quyết định cách ly. Với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được chuyển lên tuyến trên. Trong quá trình điều trị F0 sẽ được cung cấp số điện thoại trưởng trạm để được tư vấn hướng dẫn cụ thể cách dùng thuốc.

Còn người đã hoàn thành thủ tục cách ly 7 ngày sẽ được nhân viên y tế trạm test lại một lần nữa, nếu kết quả âm tính, sẽ cấp giấy xác nhận hoàn tất quá trình cách ly và tiếp tục theo dõi sức khoẻ. Trong trường hợp kết quả dương tính, F0 sẽ tiếp tục cách ly thêm cho đến khi được phường xác nhận âm tính. 

Trước đây trạm test cấp thuốc và test miễn phí cho người dân. Nhưng thời gian gần đây số lượng  F0, F1 ngày càng tăng cao, số lượng que test tại trạm không còn đủ, người dân phải chủ động mua que test mang đến trạm nhờ bác sĩ tư vấn. Do đó, số lượng người tới trạm ngày càng đông.

Tuổi cao sức yếu, gần đây lại ho nhiều nên ông Hoàng Văn Báu (59 tuổi) phải mua que test mang đến trạm y tế nhờ nhân viên kiểm tra giúp. Ông ngồi ghế, đầu ngả về phía sau, đôi mắt nhắm chặt, mặt nhăn nhó vì lo lắng. Tăm bông vừa chạm mũi, ông rùng mình ra hiệu bác sĩ dừng lại, “bác sĩ làm nhẹ thôi, không tôi sợ lắm”. Nghe vậy bà Mai bật cười, “vâng, ông cứ thả lỏng, thở bằng miệng. Xong rồi đây ạ...”. Kết quả test nhanh báo âm tính, ông chỉ bị viêm họng nhẹ. Ông Báu mừng rỡ, dắt chiếc xe đạp cũ lọc cọc ra về.

Số hotline của trạm cũng là số của trưởng trạm, vì vậy với bà Mai về nhà không có nghĩa là được nghỉ ngơi. "Có khi vừa đăng kí 1.000 phút gọi nội mạng, chưa đến 10 ngày đã hết rồi. Nhiều lúc bận quá tôi 2 tai phải nghe 2 máy", nữ trưởng trạm y tế xã kể. 

Thời tiết nắng nóng, phải nói nhiều khiến cổ họng của bà đau rát. Lo lắng bị nhiễm COVID-19, bà test thử. May mắn, đó chỉ là những biểu hiện của viêm họng thông thường. “Tôi chỉ sợ mang bệnh về cho chồng, ông ấy bị tai biến lại nhiều bệnh nền”, bà Mai mắt ngấn lệ.

Trắng đêm chăm chồng bại liệt

Ông Trần Văn Dự (64 tuổi, chồng bà Mai) trước đây cũng là bác sĩ. Cuối năm 2020, ông bị tai biến, từ người đàn ông trụ cột của gia đình ông phải nằm liệt một chỗ, không nói được, mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào vợ con. Bà Mai vốn đã bận với công việc ở trạm nay lại phải lo thêm cho chồng.

Những ngày gần đây, công việc ở trạm xá bận hơn, bà phải thức khuya dậy sớm chuẩn bị cháo cho chồng để con trai ở nhà cho bố ăn. “Để con trai nấu cũng được, nhưng tôi biết ông ấy thích ăn cháo tôi nấu nhất”, bà nói.

Bà Mai bồi hồi nhớ lại: "Tầm này mọi năm, ngày 8/3 năm nào ông ấy cũng tặng quà cho tôi, năm thì hoa, năm thì quà và bánh… Năm nay là năm đầu tiên tôi không nhận được quà từ ông ấy". Nói xong bà Mai đưa đôi mắt ngấn lệ nhìn về phía tấm ảnh gia đình.

8/3 năm nay, có lẽ món quà lớn nhất đối với nữ trạm trưởng này không gì khác chính là việc cách thành viên trong gia đình luôn mạnh khoẻ. Dịch bệnh nhanh chóng đẩy lùi để bà và các đồng nghiệp của mình nhanh chóng trở lại chuỗi ngày bình thường.

Hơn 30 năm qua, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai luôn hết lòng vì công việc.

Những lúc bận, bà lại phải nhờ người thân trông chồng giúp. Công việc ở trạm bận, bà nghỉ bây giờ lại ùn lên nhiều việc nên vẫn phải cố gắng hoàn thành cho xong. Nhiều đêm ông thức trắng, bà cũng không được ngủ, đành phải nằm bên cạnh trông ông. Vậy mà sáng hôm sau bà Mai vẫn phải dậy sớm đi làm.

Nhiều hôm mệt, bưng bát cơm lên không buồn ăn nhưng bà lại phải cố nuốt. “Nghề y dạy cho tôi một điều phải chăm sóc sức khỏe mình tốt, thì mới lo cho người khác được”, bà Mai nói.

Tối nay không khí lạnh về, ông Dự có vẻ khó chịu trong người, chân tay co rút, cổ họng khản đặc. Bà Mai phải hút đờm cho ông nhiều lần để ông dễ thở hơn. Bên ngoài căn nhà, gió đang thổi mạnh, nhà nhà đã tắt điện đi ngủ, duy chỉ có ánh điện bên phòng ông Dự vẫn sáng. Thi thoảng ông Dự lại ú ớ vài tiếng như đang muốn nói điều gì đó.

Bà Mai thấy vậy, bảo chồng: “Ông ngủ đi cho tôi còn nghỉ ngơi, hôm nay tôi mệt lắm rồi.” Có vẻ như ông hiểu được những lời bà nói, lát sau không thấy tiếng ông nữa, bà Mai thiếp vào giấc ngủ say…

TRUNG DŨNG

Tin mới