Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Triển lãm tranh Tứ Lập ở Hà Nội

Triển lãm sẽ giới thiệu các tác phẩm đặc sắc và mới nhất của 4 họa sỹ: Văn Bùi (Bùi Văn Tuất), Nguyễn Minh, Đặng Hữu và Phạm Xuân Trung

Minh – Tuất, Hữu – Trung làm thành hai đường chéo của một hình tứ giác với bốn đỉnh là bốn trải nghiệm khác nhau của Triển lãm Tứ Lập, và đỉnh này của đường chéo là sự đối lập với đỉnh kia về đối tượng, góc nhìn, bút pháp và tạo hình.

Trên trục Nhân vật là Minh và Tuất. Ở đầu này là Tuất, với thiên phú về hình khối, tự nhiên với phong cách hiện thực, và niềm say mê bền bỉ với những khuôn mặt trẻ em miền núi hay nông thôn gửi gắm vào những bức chân dung.

Một tác phẩm được trưng bày trong triển lãm tranh Tứ Lập 

Chân dung của Tuất vẽ theo lối tả thực, gần như cổ điển, với những hòa sắc hồn hậu ấm áp màu da thịt, lại càng ấm áp hơn nữa trên những đôi má trẻ em vùng cao ửng hồng vì sương và nắng.

Tuất vẽ trẻ em vùng cao với tất cả những gửi gắm da diết, bởi đó là Tuất vẽ chính mình, cậu bé nông thôn miền núi sau mười mấy năm ở Hà Nội nhưng vẫn mang nguyên sự hồn nhiên ngơ ngác trong tâm hồn. Nên những bức tranh của Tuất dù mượt mà, chuẩn xác đến mức không thể bắt lỗi trên đề tài khó nhất, nhưng lại mang chút hiếm hoi của chủ nghĩa naïve mà họa sỹ nào sau hàng chục năm vẽ thường không còn giữ được.

Ở đỉnh kia của trục chân dung là Minh. Cũng là một cậu bé nông thôn ngoại thành Hà Nội, nhưng Minh lại say mê với cái không khí lãng mạn mà người thành thị thường mơ màng đến, để ẩn trú khỏi cuộc sống chật hẹp hàng ngày. Những hình bóng mảnh dẻ, mỏng mảnh nằm trong những bố cục mờ ảo lãng đãng, với bảng màu êm ái gợi một cảm giác ngọt ngào và bình an.

Tôi chưa gặp Minh, nhưng chắc để vẽ ra những ước mơ bồng bềnh này thì người vẽ cũng phải trải qua những trải nghiệm dữ dội lắm, dữ dội đến mức gửi gắm tâm tư vào cái biểu hiện đối nghịch, như hành xử của một người hiểu biết.

Với cách vẽ gần như biểu hiện, Minh xử lý chặt chẽ lớp lang trong tranh, tỉ mẩn chia tiền cảnh hậu cảnh, tạo nên những bố cục vững chãi. Từ một khía cạnh nào đó, Minh như lãng mạn hóa phong cách vẽ của Dã thú, tối giản hình khối và không gian về các quy ước màu sắc và đường nét.

 Tác phẩm của Họa sĩ Nguyên Minh

Trục phong cảnh lại càng thú vị hơn với Hữu và Trung. Đối lập với những phố xá vắng vẻ cũ kỹ hiện thực của Trung là những cánh đồng vườn tược lấp lánh ánh sáng phong cách ấn tượng của Hữu.

Trung không hề có ý định vẽ Hà Nội cũ kỹ như trào lưu hiện thực bây giờ, bởi Trung biết mình không sinh ra ở Hà Nội và chẳng bao giờ có thể nắm được cái hồn cốt đấy như một họa sỹ phố cổ chính gốc.

Những ngõ những phố phường của Trung là của những thị xã thị trấn vẫn còn đang trong cơn ngái ngủ, dường như vẫn thuộc về thế kỷ trước, nơi mà công nghiệp và thương mại hiện đại hình như đã bỏ qua. Một góc khuất nẻo xa đô hội phát triển vẫn còn đang rải rác chậm rãi đâu đây. Những biển hiệu vẽ tay, những mái bạt chăng dây thô sơ, đến cây hè đường cũng không được chăm sóc.

Bố cục trải ngang của Trung thật tĩnh, buồn tẻ như chính cái không khí phố huyện miền Bắc. Nên Trung đã đạt được ý đồ của mình, kể lể và vẽ lại nỗi nhớ nhà, vẽ lại cái tự sự của một kẻ đi xa, giữa ồn ào Hà Nội vẫn tìm sự trú ẩn trong ký ức của bình yên, như bao người Hà Nội “mới” khác.

Dù chọn phong cách ấn tượng, Hữu lại không chọn những bố cục phong cảnh dễ xem, vừa mắt thông thường, mà lại theo đuổi những góc cắt day dứt, đến ngưỡng tức mắt, cho ý đồ tạo hình của mình. Bỏ qua những nguyên tắc chia ba chia năm thông thường, bỏ qua những quy ước về khoảng lùi và đường chân trời, Hữu sẵn sang kéo những đám lá đu đủ vào trước cả tiền cảnh, như sát vào tận mặt, như chỉ cần vươn ra là mặt đã sát vào cái mùi ngái ngái nhựa cây.

Không có những cảnh thanh bình đồng lúa xanh cánh cò trắng, đồng quê của Hữu được vẽ với cách của người trong cảnh, của cậu bé đang đi giữa đàn bò, hay khoảng khắc ngừng tay làm cỏ thì ngửng lên nhìn trời từ góc ruộng, với cận cảnh sát tầm mắt và bầu trời chỉ còn là một dải mảnh cuối tranh.

Góc nhìn của người trong cuộc, không phải từ một lữ khách dạo qua, bởi vì Hữu, dù có cầm cọ vẽ thì vẫn mang nặng dòng máu của ruộng đồng. Nên Hữu không thể vẽ nịnh mắt, không biết chạy theo những kỹ thuật tạo cảm xúc thông thường của một họa sỹ thị trường, mà cũng như cả Minh, Trung, Tuất, vẽ với những rung cảm chân thành nhất của mình.

Triển lãm Tứ Lập khai mạc vào ngày 26/9

Bốn cậu bé của đồng quê, bốn cách nhìn cuộc sống hồn nhiên, mới mẻ, còn chưa bị thị trường nhào nặn, chưa bị giải thưởng với những lời tung hô hay chê bai làm tròn ngòi bút, rụt rè như chính các cậu giữa đô thị vội vàng, mang đến những nốt tươi mới tới công chúng khó tính của mỹ thuật Hà Nội.

Triển lãm tranh "Tứ lập" khai mạc lúc 18h ngày 26/9/2016 tại 16 Ngô quyền Hà Nội và mở cửa tới 7/10/2016.

Tú Anh

Tin mới