Ngày 25/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Một trong những nội dung nhận được nhiều tranh luận của đại biểu là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước.
Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung Điều 41a quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu và công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý.
Nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận về vấn đề trao quyền giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, bên cạnh một số ý kiến đồng ý thì đa số ý kiến đều cho rằng, việc bổ sung quy định nêu trên là không cần thiết. Theo quy định của Luật giám định tư pháp, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay đơn vị này bổ nhiệm 1.712 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính. Số vụ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu từ năm 2013 đến 2018 không nhiều (241 vụ).
Như vậy, nguồn nhân lực hiện nay đáp ứng tốt nhu cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính. Nếu giao Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp thì phạm vi thực hiện giám định rất hẹp, đồng thời, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.
Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ, Kiểm toán Nhà nước có văn bản đề nghị không bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước tham gia hoạt động giám định tư pháp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung thêm Kiểm toán Nhà nước sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng nhiệm vụ, không tuân thủ nguyên tắc chức năng của các tổ chức.
Ông Hồng nhấn mạnh, Đảng có nguyên tắc một việc chỉ do một cơ quan làm, nếu cứ vì khó khăn trong thực tiễn, nói đảm bảo tính độc lập, tính khách quan mà “cơi nới” thẩm quyền thì sẽ không ổn về mặt tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng ủng hộ dự thảo luật. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) cho rằng, giám định tư pháp là công việc khó, phức tạp, động chạm, xác định hành vi vi phạm pháp luật, xác định tội phạm nên thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định và bản thân những người tham gia giám định.
Ông viện dẫn tình trạng trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng kinh tế xảy ra. Mặc dù có cơ quan giám định, người có thẩm quyền trưng cầu giám định nhưng giữa các cơ quan vẫn có sự đùn đẩy, né tránh. "Báo cáo từ năm 2013 đến 2018, trong lĩnh vực tài chính trưng cầu giám định 241 vụ việc, nhưng cũng có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy", đại biểu Nguyễn Thái Học thông tin.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) lại khẳng định, giám định trong lĩnh vực tài chính, có những trường hợp cán bộ quản lý của các bộ, ngành có liên quan nên dễ dẫn đến trường hợp từ chối, hoặc đùn đẩy, né tránh thực hiện giám định hoặc giám định không khách quan khi trưng cầu bộ, ngành đó.
Ông Cường đề nghị có thêm một cơ quan chuyên môn cao thực hiện giám định thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giám định khách quan, chính xác, kịp thời.