Sáng 8/8, Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong ngày 7/8, thành phố đã tiêm vaccine COVID-19 cho 262.471 người, trong đó 398 người gặp phản ứng sau tiêm 30 phút, hiện tất cả đều an toàn.
Tính từ 22/7 đến hết 7/8, TP.HCM đã tiêm phòng COVID-19 cho 2.108.186 người. Số vaccine TP.HCM đã nhận từ Bộ Y tế tính từ 22/7 đến nay là 2.595.490 liều.
Với tốc độ tiêm khá cao hiện nay, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vaccine, dự kiến hết ngày mai (9/8), TP.HCM sẽ đối diện với tình trạng thiếu vaccine tiêm diện rộng như vừa qua.
Tiêm vaccine COVID-19 tại Bệnh vện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Thời gian qua, Việt Nam đã tiếp nhận 19,3 triệu liều vaccine gồm khoảng 12 triệu liều AstraZeneca (chiếm 64%), hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 740.000 liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik V và 1,5 triệu liều Vero Cell (gồm 1 triệu liều vaccine do Sapharco mua theo sự ủy quyền của UBND TP.HCM và 500.000 liều do chính phủ Trung Quốc viện trợ).
Về vaccine trong nước, ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế đã họp thẩm định kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giữa kỳ giai đoạn 2 đối với vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Sinh học dược Nanogen.
Bước đầu, các chuyên gia đánh giá vaccine an toàn, có tính sinh miễn dịch khá tốt, có hiệu quả bảo vệ với người tiêm, đặc biệt ở hàm lượng 25mcg. Sau tiêm, 71% tình nguyện viên có phản ứng nhẹ như sốt, đau, sưng tại vị trí tiêm, một trường hợp phản ứng độ 2 nhưng không phải nhập viện.
Hội đồng Đạo đức cho rằng nhóm nghiên cứu cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thêm về độ an toàn của vaccine, đồng thời cần đánh giá hiệu quả bảo vệ trên cỡ mẫu lớn hơn, khoảng 1.000 người.
Theo đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, vaccine an toàn và hiệu quả là chìa khóa để kết thúc đại dịch COVID-19, nhưng nó không phải “viên đạn bạc” hay “chìa khóa vạn năng”, bởi vaccine không thể chấm dứt lây truyền trong cộng đồng nếu không áp dụng 5K. Những biện pháp này rất quan trọng, kể cả khi bạn đã được tiêm phòng, ở các địa phương đang có các ca lây nhiễm cộng đồng.