Để có cơ sở trình UBND TP.HCM xém xét, Sở GTVT vừa gửi báo cáo nghiên cứu tổng thể phương án tổ chức giao thông đối với phương tiện xe khách trên địa bàn TP đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và các đơn vị liên quan để lấy ý kiến góp ý.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, tình hình ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tại khu vực trung tâm diễn ra ngày càng phức tạp
Theo Sở GTVT, mục tiêu của phương án là đưa ra giải pháp tổ chức quản lý, kiểm soát hoạt động phương tiện vận tải hành khách có kích thước lớn giúp hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc diễn biến phức tạp gây mất an ninh, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị; Hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông liên quan đến xe khách trong khu vực nội đô.
Theo đó, Sở GTVT đề xuất khu vực hạn chế xe được giới hạn bởi các tuyến: Quốc lộ 1 ở hướng Bắc và Tây; xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống ở hướng Đông; hướng Nam là đường Võ Chí Công - cầu Phú Mỹ - đường trên cao - Nguyễn Văn Linh.
Ngành giao thông chia làm 2 phương án cấm xe khách vào nội đô trong khung giờ 6-22h và dự tính thực hiện theo hai giai đoạn (từ nay đến 2025 và 2025 đến năm 2030).
Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2025, cả hai phương án đều thực hiện hạn chế xe khách giường nằm.
Giai đoạn từ 2025 đến 2030 thì phương án 1 tính đến việc cấm các ôtô trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe tang, ô tô công vụ...). Đối với phương án 2 sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ.
Theo Sở GTVT, cả 2 phương án đều có khả năng giảm diện tích chiếm dụng mặt đường và tăng vận tốc lưu thông bình quân của phương tiện so với hiện nay tại khu vực trung tâm. Đồng thời giải quyết tình trạng mất trật tự an toàn giao thông, tăng mỹ quan đô thị tại khu vực trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, phương án 2 tác động đến tình hình kinh tế xã hội lớn hơn cũng như đến hoạt động phần lớn đến các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn TP.
Do đó, Sở GTVT đề xuất lựa chọn phương án 1 để thực hiện do ít tác động kinh tế xã hội và vẫn đảm bảo được hoạt động vận tải hành khách trong khu vực.
TP.HCM hiện có 37.445 phương tiện xe khách
Tính đến năm 2021, TP.HCM quản lý gần 8,5 triệu phương tiện, trong đó xe khách có 37.445 phương tiện. Sở GTVT cho biết, hiện nay xe khách lưu thông từ các tỉnh, thành phố khác vào TP.HCM nhưng không vào 6 bến xe của thành phố mà chuyển đổi dưới hình thức kinh doanh vận tải theo hợp đồng gây khó khăn cho các đơn vị xử lý vi phạm.
Trên địa bàn TP.HCM hiện tồn tại 107 điểm có tổ chức hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở, bãi xe… diễn biến phức tạp thu hút lượng xe du lịch, xe hợp đồng hoạt động như tuyến cố định, ảnh hưởng các xe trong bến.
Ngoài ra, một số khu vực trên các quốc lộ 1, 13 (TP Thủ Đức); sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), khu vực hai cây xăng gần ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh)... xe đón trả khách sai quy định thường diễn ra.
Trước đó, Sở GTVT cũng đã thực hiện nhiều giải pháp về tái tổ chức giao thông, tổ chức lại luồng tuyến, hạn chế các phương tiện lưu thông theo thời gian để giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô TP như ban hành quy định về hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô TP nhằm hạn chế xe tải nặng lưu thông vào ban ngày và xe tải nhẹ lưu thông vào các khung giờ cao điểm.
Cấm xe khách trên 25 chỗ trong khoảng thời gian từ 6-22h trên đường như Lê Hồng Phong – quận 10, Trần Nhân Tôn – quận 10, Vĩnh Viễn – quận 10,…; cấm xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên đường Nguyễn Trãi – quận 5…
Chấn chỉnh 'bến cóc, xe dù' trong trạm xăng dầu ở cửa ngõ Tân Sơn NhấtMột số cửa hàng xăng dầu ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe Miền Đông xuất hiện 'bến cóc, xe dù' hoạt động bắt nháo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.