Sở Y tế TP.HCM cho biết, BN6908 (được Bộ Y tế công bố sáng 30/5) vừa là bạn của BN6445 và chồng BN6444 - trú tại quận Tân Phú (ngày 27/5 khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2) - vừa là bạn của BN6781 trong cụm dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.
Trên cơ sở mối liên hệ dịch tễ trên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định có thể có mối liên quan giữa chuỗi lây nhiễm ở quận Tân Phú với cụm dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho biết, giải trình tự gene virus vợ chồng thai phụ ở quận Tân Phú ghi nhận biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ. Kết quả này tương tự kết quả giải trình tự gene 5 bệnh nhân thuộc ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Bệnh viện đánh giá, nhiều khả năng hai cụm dịch này có mối liên quan với nhau.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây là hai chuỗi lây nhiễm lớn nhất hiện nay tại thành phố, đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây. Ngành y tế đang tiếp tục làm rõ mối liên quan này để xác định mối quan hệ cũng như nguồn lây của hai chuỗi lây nhiễm trên.
Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.
Bốn ngày qua, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 133 ca nhiễm. Trong đó, chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đến sáng nay ghi nhận 126 ca nhiễm. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến hai vợ chồng ở quận Tân Phú ghi nhận 7 ca.
TP.HCM tiếp tục điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ. Đến sáng 30/5, xác định được 2.199 F1 và 60.209 F2 của các ca COVID-19. Thành phố lấy mẫu toàn bộ người dân nhiều phường tại quận Gò Vấp, quận có trụ sở sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) dự báo số ca nhiễm liên quan đến hội truyền giáo có thể tăng tiếp trong thời gian tới vì số hội viên đến nay vẫn có thể chưa ra khai báo hết. HCDC đề nghị người từng tham gia Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng chủ động liên hệ y tế địa phương để khai báo y tế trung thực, kể cả khi không có dấu hiệu bệnh.