Giới chức Sri Lanka cho biết nhà lãnh đạo Gotabaya Rajapaksa rời khỏi dinh thự ở Colombo không lâu trước khi hàng chục nghìn người biểu tình xông vào cuối tuần trước.
Trước đó, vị tổng thống 73 tuổi cam kết sẽ từ chức vào 13/7 để mở đường "chuyển giao quyền lực hòa bình" sau khi các cuộc biểu tình chống lại ông lan rộng.
Với tư cách là tổng thống, ông Rajapaksa được hưởng quyền miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông được cho là muốn ra nước ngoài trước khi từ chức để tránh cảnh bị bắt giam.
Tuy nhiên, các nhân viên hải quan tại sân bay được cho là đã từ chối đóng dấu hộ chiếu cho tổng thống tại cửa VIP trong khi ông nói sẽ không đi qua cửa thông thường vì các hành khách khác trả thù.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. (Ảnh: Getty Images)
Ông Rajapaksa và phu nhân phải nghỉ đêm tại một căn cứ quân sự cạnh sân bay sau khi bỏ lỡ 4 chuyến bay tới UAE.
Trước đó, cơ quan xuất nhập cảnh Sri Lanka cũng tuyên bố cấm cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa, em trai Tổng thống Gotabaya rời đất nước.
Các hình ảnh của ông Basil Rajapaksa tại sảnh sân bay được chia sẻ chóng mặt hồi cuối tuần trước làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ công chúng.
Ông Rajapaksa từ chức bộ trưởng Tài chính hồi đầu tháng 4 khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước.
Tình hình kinh tế tồi tệ tại Sri Lanka gây ra bất bình trong dân chúng suốt vài tháng qua. Quốc gia này đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập. Tình trạng khan hiếm nhiên liệu đã buộc các trường học và văn phòng chính phủ phải đóng cửa.
Khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, nông nghiệp, sinh kế và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân tại đảo quốc Nam Á này.
Sri Lanka là một trong số ít quốc gia bị Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) dự báo sẽ không có đủ lương thực do tình trạng thiếu lương thực toàn cầu trong năm nay.
Quốc hội Sri Lanka dự kiến sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20/7 để mở đường cho một chính phủ bao gồm đại diện nhiều chính đảng.