Cận cảnh chiếc robot vớt rác của hai em học sinh Huế
Được biết, vừa qua, sản phẩm đã đạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.
Uyên Khanh cho biết, chiếc máy vớt rác này được làm từ những vật liệu dễ kiếm và một số vật liệu phế thải từ những cửa hàng sửa chữa xe máy, sửa chữa điện nước, có giá thành rẻ; đồng thời máy được thiết kế để hoạt động bằng năng lượng mặt trời, giúp bảo vệ môi trường.
Robot vớt rác được thiết kế giống như một chiếc tàu thông thường với 5 phần riêng biệt gồm: bộ phận tời để vớt rác, khung tàu, lớp phao nổi, các bộ phận điện tử, mô tơ, cảm biến, điều khiển, tấm pin mặt trời và ắc quy tích điện.
Về cơ chế hoạt động, theo Anh Duy, máy có hai chế độ chạy: điều khiển tự động và điều khiển bằng tay. Trong khi vận hành tự động gặp vật cản, máy có thể chạy lùi rồi rẽ theo hướng khác nhờ một cảm biến siêu âm đặt phía trước mui tàu. Đồng thời, một thiết bị cảm biến khác cũng được đặt phía trên thùng rác để máy tự động nhận biết khi rác đầy. Khi đó, bộ phận kéo rác tự động dừng lại, chuyển qua chế độ điều khiển bằng tay để con người dùng remote điều khiển robot vào bờ.
So sánh với các sản phẩm đã có trên thị trường, Uyên Khanh chia sẻ, hiện nay những chiếc máy vớt rác đang được bày bán có tầm cỡ lớn, khi vận hành thì tốn nhiên liệu và năng lượng, không tự động và linh hoạt, hao tốn nhân công, nhân lực.
Chiếc robot vớt rác trên sông trong quá trình hoạt động thử nghiệm
Từ những hạn chế đó, hai em đã thiết kế robot với hình dáng nhỏ gọn hơn, trọng lượng không quá lớn, đảm bảo tính linh hoạt và có thể tự động vận hành, làm việc được trong môi trường có không gian chật hẹp, vùng nước nông như các kênh, ao hồ…
Hai em cũng cho biết, robot đã được mang vận hành chạy thử và hoạt động tốt, có hiệu suất làm việc cao, giải quyết được những vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường. Nếu đem áp dụng vớt rác trong các ao hồ, khúc sông phục vụ du lịch sẽ mang lại hiệu quả ấn tượng.
Dự định sắp tới, nếu có kinh phí, các em sẽ triển khai thêm một số chức năng của robot như khi rác đầy thì gửi tin nhắn về cho người ở trên bờ biết được, điều khiển bằng Bluetooth… để có thể đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ người dân.