Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: "Để bảo quản bất kỳ loại thực phẩm nào bằng việc ngâm muối, lượng muối trong đó cần ít nhất 5%. Nếu ăn quá nhiều dưa muối có nghĩa là đã nạp một lượng lớn natri vào cơ thể, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe.
Nhưng quá ít muối có thể khiến quá trình ngâm muối diễn ra không hoàn toàn, khiến thực phẩm không bảo quản được lâu như thời gian thực".
Dưa muối xổi làm tăng nguy cơ mắc ung thư. (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn các loại thực phẩm muối nói chung, đều có chứa một lượng nitrat nhất định. Trong quá trình muối dưa, nitrat bị vi khuẩn trong môi trường tác động tạo phản ứng oxy hóa chuyển thành nitrit. Nitrit có thể kết hợp với các axit amin trong món ăn như thịt, cá, tôm... tạo thành hợp chất nitrosamine - một chất có khả năng gây ung thư.
Tuy nhiên, thực phẩm muối nói chung chỉ có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu muối xổi (muối và ăn ngay trong thời gian ngắn) hoặc để dưa, hành muối bị khú (thời gian để bị lâu khiến dưa, hành quá chua, thâm đen, đổi màu).
Trong vài ngày đầu khi mới muối (khoảng 2-3 ngày), hàm lượng nitrit tăng lên do quá trình vi sinh khử nitrat. Hàm lượng nitrat này sẽ giảm dần và gần biến mất hẳn khi dưa chua vàng. Khi dưa muối đã bị khú, nổi váng trắng, lượng nitrit cũng sẽ tăng cao trở lại.
Món ăn này cũng có khả năng gây hại nếu dưa, hành có chứa tồn dư của các hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc trừ sâu hoặc do được đựng trong các vật dụng không đảm bảo như lọ, hũ làm từ nhựa tái chế hoặc vại sành, sứ nhưng bị nhiễm kim loại nặng.
Video: Ung thư trực tràng vì ăn dưa muối, cà muối