Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tướng: Thầy cô phải luôn rèn đức luyện tài, tâm huyết, yêu nghề yêu người

(VTC News) -

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các thầy cô phải luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người... góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Nội dung trên được Thủ tướng chia sẻ tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 19/11.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp chúng ta tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và bao thế hệ thầy, cô luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai. Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết, cống hiến với nghề, có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 19/11.

Thủ tướng cho biết, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta, nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hoá và con người Việt Nam.

Trong những năm tháng chiến tranh đầy cam go, ác liệt nhưng với tinh thần “ở đâu có dân, ở đó có lớp học”, "giải phóng đến đâu, giáo dục phát triển tới đó”, các nhà giáo cách mạng với tâm huyết, trách nhiệm đã vượt biết bao gian nan, hiểm nguy để dựng trường, mở lớp, chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Trong công cuộc đổi mới, xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, tồn tại cần sớm khắc phục và những khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Thủ tướng nêu, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài…”, “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế…”, “Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”.

“Để đạt được những mục tiêu này, cần xác định, GD&ĐT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Phát triển GD&ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. GD&ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp với quy luật khách quan”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và nêu các nhiệm vụ ngành Giáo dục cần triển khai trong thời gian tới.

Với đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng lưu ý 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc, lấy phương châm học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực.

Thứ hai, các thầy cô phải là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của nước ta.

Thứ ba, Thủ tướng mong các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người, không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn… Qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước vừa hồng vừa chuyên với tinh thần yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu.

Thủ tướng tặng hoa chúc mừng lãnh đạo ngành GD&ĐT.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giáo dục cần đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả mô hình "trường học an toàn - thân thiện - bình đẳng”, phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa thầy với thầy, thầy với trò và giữa thầy với phụ huynh học sinh. Các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh về tình yêu thương, sẻ chia và trách nhiệm, nỗ lực vượt khó, đạo đức, tác phong, lối sống, tính nhân văn, nhân ái, tinh thần đoàn kết, kỷ luật...

“Các thầy, các cô phải như người cha, người mẹ thứ hai, thường xuyên quan tâm tới tâm, sinh lý, nguyện vọng chính đáng của các em. Thầy cô cần khơi gợi, bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng mong phụ huynh luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, đồng hành với thầy cô, phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng dạy dỗ các em trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội.

“Với các em học sinh, tôi mong rằng, các em hiểu được tình cảm, sự hy sinh, vất vả cống hiến hết mình của các thầy cô để cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn đức, luyện tài, để mang lại niềm vui, tự hào, hạnh phúc cho các thầy cô”, ông nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tiếp tục chủ động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29. Cần sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.  Đặc biệt rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chăm lo tốt nhất cả về vật chất và tinh thần, nhất là cho giáo viên mầm non, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.

Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác. Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhà giáo là chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học, viện nghiên cứu.

Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các đơn vị sớm có giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non; tuyển dụng đủ số lượng, cơ cấu và đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên; xây dựng chính sách thu hút người giỏi vào học ngành sư phạm.  

Hà Cường

Tin mới