Thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết sáng 18/4. Theo ông Hulusi Akar, chiến dịch này bao gồm cả cuộc tấn công trên mặt đất của lính biệt kích và một chiến dịch không kích trên diện rộng sử dụng máy bay phản lực, trực thăng và máy bay không người lái.
Ankara tuyên bố họ đã phá hủy thành công nhiều boongke, đường hầm và kho đạn dược, cũng như các trụ sở quân sự của các chiến binh đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở các khu vực biên giới phía bắc Iraq gồm Metina, Zap và Avashin-Basyan, trước khi lực lượng trên bộ tiến vào quốc gia láng giềng.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần mở chiến dịch quân sự trấn áp lực lượng PKK ở miền bắc Iraq.
Hiện chưa rõ Thổ Nhĩ Kỳ điều động bao nhiêu binh sĩ và sử dụng những khí tài quân sự nào tham gia vào chiến dịch quân sự này.
"Hoạt động của chúng tôi đang diễn ra thành công, đúng như kế hoạch. Các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đầu đã đạt được”, AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar tuyên bố các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhắm mục tiêu vào “những kẻ khủng bố” .
“Cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi tên khủng bố cuối cùng bị vô hiệu hóa. Chúng tôi quyết tâm đưa đất nước chúng tôi thoát khỏi nỗi bất hạnh khủng bố đã hoành hành trong 40 năm", ông Hulusi Akar nói.
Trong những năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự chống lại PKK, lực lượng có trụ sở ở miền bắc Iraq và đã sử dụng lãnh thổ này để tiếp sức cho lực lượng nổi dậy ở miền đông của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 4 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch có tên Claw-Lightning và Claw-Thunder nhắm vào các phiến quân người Kurd. Chiến dịch này kéo dài trong nhiều ngày đêm.
Người Kurd là nhóm dân tộc lớn thứ 4 ở Trung Đông. Dù số lượng lớn, họ không có quốc tịch và quê hương trải dài từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran tới Armenia. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd luôn ở thế đối đầu căng thẳng. Ankara coi các lực lượng người Kurd ở biên giới phía nam nước này là một mối đe dọa.
Ankara xung đột với đảng PKK kể từ sau khi PKK phát động một phong trào ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1980. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều coi PKK là tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, người Kurd là đồng minh quan trọng của phương Tây và Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở cả Syria và Iraq. Washington duy trì một chỗ đứng quân sự ở các khu vực do người Kurd ở Syria kiểm soát, trong khi một số cơ sở quân sự của Mỹ và lãnh sự quán Mỹ đóng ở Erbil - khu vực do người Kurd ở Iraq kiểm soát.