Tuyên bố hôm 2/5 của Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Xuất khẩu và nhập khẩu từ Israel đã bị đình chỉ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp mới này... cho đến khi Chính phủ Israel cho phép dòng viện trợ nhân đạo tới Gaza".
Hai nước có kim ngạch thương mại đạt 6,8 tỷ USD vào năm 2023. Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước áp đặt các hạn chế thương mại đối với Israel với cáo buộc Israel từ chối cho phép Ankara tham gia các hoạt động thả dù viện trợ cho Gaza và hành động quân sự của Israel ở Gaza.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters)
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Israel cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vi phạm thỏa thuận thương mại với việc chặn các cảng xuất nhập khẩu của Israel.
“Đây là cách hành xử của một nhà độc tài, coi thường lợi ích của người dân và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời phớt lờ các hiệp định thương mại quốc tế”, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cho hay.
Ngoại trưởng Israel Katz chỉ đạo Bộ Ngoại giao Israel nỗ lực tạo ra các lựa chọn thay thế trong thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung vào sản xuất trong nước và nhập khẩu từ các nước khác.
Dải Gaza đang hứng chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo do cuộc chiến của Israel chống lại Hamas nổ ra từ ngày 7/10 năm ngoái, với việc Liên hợp quốc và các cơ quan viện trợ cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói ở khu vực.
Cuộc chiến Israel - Hamas bắt đầu bằng cuộc tấn công chưa từng có vào ngày 7/10/2023 của Hamas nhằm vào Israel khiến 1.170 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng. Israel ước tính 129 con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công. Quân đội Israel cho biết 34 người trong số họ đã chết.
Theo cơ quan y tế Gaza, cuộc tấn công trả đũa của Israel nhằm vào Hamas giết chết ít nhất 34.596 người ở Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Mới đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố quân đội nước này vẫn quyết tấn công thành phố Rafah bất chấp viễn cảnh các bên đạt thỏa thuận đình chiến. Trong khi đó, Mỹ cử Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Gaza, kêu gọi Hamas lập tức chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn.