Ngày 8/1, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết vừa tiếp nhận trường hợp nam thanh niên N.V.M., 29 tuổi, ở Hưng Yên bị ngộ độc rượu nặng, không thể qua khỏi.
Khai thác tiền sử được biết, chiều 2/1, anh M. đi nhậu cùng bạn. 16h cùng ngày anh về nhà ngủ và không ăn cơm tối. Sáng hôm sau, gia đình phát hiện anh M. bất tỉnh, chân tay lạnh, cơ thể duỗi cứng. Gia đình đưa anh M. đi cấp cứu tại bệnh viện huyện trong tình trạng đồng tử giãn, suy hô hấp, hôn mê sâu, đờm dãi nhiều, đường trong máu thấp, chụp cắt lớp vi tính não cho thấy có tổn thương não hai bên.
Để cấp cứu, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản. Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo BS Nguyên, bệnh nhân vào viện khi quá nặng, phải thở máy, nhiễm toan chuyển hoá, tiêu cơ vân nặng, suy thận, tụt huyết áp, tiên lượng tử vong.
“Dù chúng tôi nhanh chóng cấp cứu, điều trị tích cực, lọc máu cho bệnh nhân nhưng não không có dấu hiệu hồi phục. Đến sáng 6/1, gia đình xin cho bệnh nhân về vì không còn khả năng cứu chữa. Sau đó, bệnh nhân tử vong”, BS Nguyên nói.
Trường hợp trên chỉ là một trong số nhiều ca ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng bia rượu, nhất là thời điểm Tết nguyên đán đang đến gần. Trong trường hợp phải nhậu, ngay khi về nhà còn tỉnh táo, mọi người cố gắng ăn tinh bột như cơm, cháo loãng, sữa có đường, nước hoa quả…
Đối với người nhà, khi phát hiện người thân sau uống rượu gọi hỏi ú ớ, nói hạn chế, không đi lại được, thở khò khè, ngồi một chỗ, nôn oẹ nhiều lần, co giật, đau đầu nhiều… cần đưa đến bệnh viện cấp cứu sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.