Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tàu cá Trung Quốc bị bắt khi Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp phái viên Nhật Bản

Một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị bắt ở vùng biển gần Nhật Bản, trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang tiếp đón phái viên Nhật Bản tại Bắc Kinh nhằm “bơm năng lượng tích cực vào quan hệ song phương”.

Sự việc được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Nhật Bản, trong đó có đài NHK, báo Sankei. Thuyền trưởng người Trung Quốc tên Trần Văn Đỉnh, 40 tuổi, bị lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ sáng  2/2 vì vi phạm quyền đánh bắt cá và cố tình tránh né kiểm tra. Ngoài thuyền trưởng, trên tàu còn có 10 thuyền viên.

Tàu cá Trung Quốc bị phát hiện bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, cách Hahajima  - một hòn đảo nhỏ ở phía Tây Thái Bình Dương, cách Tokyo khoảng 1.000 km về phía Nam - khoảng 300 km về phía Đông Nam.

Khi một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phát còi báo động và ra chỉ thị dừng lại, tàu cá Trung Quốc quay đầu bỏ chạy. Tàu Nhật đuổi theo và bắt kịp sau cuộc rượt đuổi dài 30 km. Thuyền trưởng tàu cá bị giam giữ chờ điều tra thêm. 

Tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ hôm 2/2. (Ảnh: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản)  

Ngoại trưởng Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc trên.

Vụ việc xảy ra cùng ngày Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori rằng năm 2019 sẽ là một năm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước. 

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị nói với ông Takeo Mori hôm 2/2 rằng hai nước Trung-Nhật nên là đối tác của nhau, chứ không phải là mối đe dọa của nhau.

Ông Vương khẳng định: "Chúng ta nên làm hết sức để tránh rối ren mới. Vượt qua khúc mắc này, bảo đảm mối quan hệ song phương ổn định sẽ có lợi cho sự phối hợp của chúng ta trong các vấn đề quốc tế và khu vực".

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhiều ngư dân Trung Quốc đã bị Nhật Bản bắt giữ. Trong đó, đáng chú ý nhất là vào năm 2010, khi một tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản gần quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, thuộc biển Hoa Đông. Vụ việc đó khiến quan hệ hai bên căng thẳng. 

Gần đây nhất là vào tháng 12/2018, Nhật Bản cáo buộc ngư dân Trung Quốc trốn các sĩ quan thực thi pháp luật Nhật Bản, khi lưc lượng của cơ quan này lên tàu kiểm tra một tàu cá Trung Quốc bị nghi ngờ hoạt động bất hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Khi đó, Bắc Kinh kêu gọi Nhật Bản không can thiệp vào "hoạt động bình thường" của các tàu đánh cá Trung Quốc.

Nguồn: Người Lao Động

Tin mới