Theo Sàn GDCK Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), người sáng lập Thailholdings (THD) vừa đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu THD. Thông tin này ngay lập tức đẩy giá cổ phiếu THD lên mức cao kỷ lục mọi thời đại 250.000 đồng/cp và nằm trong top cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán.
Trong phiên giao dịch 16/11, sau khi thông tin được công bố cổ phiếu Thailholdings tăng kịch trần thêm 10%.
Với mức giá hiện tại, Bầu Thụy cần chi ra khoảng 375 tỷ đồng để hoàn tất mua vào cổ phiếu THD. Nếu mua thành công, Bầu Thụy sẽ nâng số lượng THD nắm giữ lên 87,4 triệu đơn vị, tương đương 24,97%.
Hiện Thailholdings có vốn hóa đạt trên 80 nghìn tỷ đồng (tương đương khoản 3,5 tỷ USD).
Cùng ngày, Thaiholdings đã công bố thông tin Nghị quyết về việc bán toàn bộ 14,2 triệu cổ phần chiếm 19,52% tổng vốn điều lệ của CTCP Tôn Đản Hà Nội. Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện trong quý IV/2021.
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Thaiholdings ước đạt 3.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Thụy (phải)
Trước đó, Thaiholdings của đại gia Nguyễn Đức Thụy có khoản đầu tư vào cổ phiếu LienVietPostBank nhưng chứng kiến giá cổ phiếu này sụt giảm và thua lỗ. Tuy nhiên, cổ phiếu này đang có dấu hiệu hồi phục.
Bầu Thụy sở hữu hơn 34,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,85% vốn cổ phần ngân hàng.
Các công ty con của Thaiholdings sở hữu thêm 16,1 triệu cổ phiếu LPB. Theo đó, nhóm Thaiholdings đang nắm giữ khoảng 38,5 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 3,2% vốn cổ phần LienVietPostBank. Giá gốc của toàn bộ số cổ phiếu này là 955 tỷ đồng trong khi giá trị thị trường hiện nay là 814 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán gần đây ghi nhận sự sôi động chưa từng có. Hàng loạt cổ phiếu tăng lên mức cao lịch sử. Áp lực chốt lời cũng tăng mạnh khiến giao dịch thành công liên tục đạt mức 1-2 tỷ USD mỗi phiên.
L14 của Công ty cổ phần Licogi 14 vừa trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trên sàn chứng khoán sau khi tăng lên mức 300 nghìn đồng/cp. Tuy nhiên, lợi nhuận tăng chậm khiến chỉ số giá/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) lên mức rất cao: 146 lần.
Doanh thu và lợi nhuận của L14 cũng khá khiêm tốn, trong quý III chỉ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ và giá trị tuyệt đối khá thấp.
Simco Sông Đà (SDA) cũng là một doanh nghiệp kinh doanh không tốt, thậm chí bết bát nhưng giá cổ phiếu tăng mạnh 14 lần trong 3 tháng, từ mức 4.500 đồng hồi đầu tháng 8 lên mức trên 60 nghìn đồng như hiện tại. Trong nhiều năm trước đó, SDA kinh doanh thua lỗ.
Cổ phiếu GAG của CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (Global Asset Business) gần đây cũng ghi nhận giá tăng mạnh. Thị giá lên xấp xỉ 200 nghìn đồng/cp và là một trong những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.
GAB là một trong những doanh nghiệp khá đặc biệt trên sàn chứng khoán với vốn điều lệ khá khiêm tốn. Năm 2020 doanh thu công ty tăng 87% so với năm trước đó lên 352 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí vốn tăng cao làm lãi sau thuế còn chưa đến 1 tỷ đồng, giảm mạnh so với số lãi 15,8 tỷ đồng đạt được năm 2019.
Chứng khoán Việt đang trên đỉnh lịch sử.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 17/11
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường nhưng áp lực chốt lời tiếp tục lên cao. Chỉ số VN-Index giảm tiếp và về dần ngưỡng 1.460 điểm.
Theo MBS, thị trường điều chỉnh chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đây là phiên điều chỉnh đầu tiên sau chuỗi tăng 8 phiên liên tiếp của 2 nhóm này. Ở phiên ngày 3/11, mức giảm ở nhóm midcap và smallcap đều mạnh hơn, kèm theo đó thanh khoản cũng ở mức cao hơn so với phiên hôm nay. Do vậy, phiên điều chỉnh hôm 16/11 chưa đủ dấu hiệu để xác nhận liệu đà tăng ở 2 nhóm này đã kết thúc hay chưa. Về kỹ thuật, VN-Index đang gặp ngưỡng kháng cực 1.476 điểm, ứng với Fibonacci 61,8% mở rộng do vậy các nhịp rung lắc sẽ thường xuyên xảy ra.
Còn theo SHS, trong phiên giao dịch tiếp theo 17/11, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại để thu hẹp dần khoảng cách với ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và đã mua thêm trong phiên 11/11 khi thị trường test hỗ trợ 1.450 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu có những nhịp test lại hỗ trợ kể trên.
Chốt phiên chiều 16/11, chỉ số VN-Index giảm 10,12 điểm xuống 1.466,45 điểm. HNX-Index tăng 7,97 điểm lên 452,25 điểm. Upcom-Index giảm 0,26 điểm xuống 111,48 điểm. Thanh khoản đạt 42,3 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 34,8 nghìn tỷ đồng.