Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Sự thật về 'thuốc thông minh' cho sinh viên

Áp lực học hành, thi cử khiến nhiều sinh viên trên thế giới dùng "thuốc thông minh" vì tin rằng chúng giúp tăng trí nhớ và tập trung. Sự thật liệu có đúng như vậy?

"Thuốc thông minh" còn được gọi là "thuốc học tập" hay chất tăng cường nhận thức. Chúng được cho là có tác dụng cải thiện khả năng trí tuệ ở người khỏe mạnh, giúp họ tỉnh táo, tăng khả năng tập trung và trí nhớ. Vì thế, chúng trở thành thần dược ưa thích của không ít học sinh, sinh viên và trí thức trẻ trên thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ đều có hai mặt của nó.

 "Thuốc thông minh" được cho là giúp cải thiện khả năng trí tuệ ở người khỏe mạnh. (Ảnh: Science Photo)

Phát minh ra đời từ sự thất bại

"Thủy tổ" của loại thuốc này là piracetam, do Corneliu Giurgea, nhà khoa học người Romania phát hiện vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 20. Đáng nói, piracetam ra đời từ một thí nghiệm thất bại.

Khi đó, Giurgea muốn tạo ra loại hóa chất có thể tác động tới não người và khiến họ buồn ngủ. Sau nhiều tháng thử nghiệm, nhà khoa học Romania cho ra đời hợp chất "6215" - piracetam. Đây là hợp chất được đánh giá an toàn, ít tác dụng phụ nhưng nó không công hiệu như mong muốn. Thậm chí, piracetam có tác dụng ngược hẳn với mục đích ban đầu của Giurgea, nghĩa là nó khiến người dùng tỉnh táo và cải thiện trí nhớ đáng kể.

Những tưởng kết quả nghiên cứu là thất bại muối mặt đối với một nhà khoa học, song Giurgea lập tức nhận thấy ý nghĩa của đứa con tinh thần. Ông đưa ra thuật ngữ "nootropic" là sự kết hợp giữa hai từ Hy Lạp, mang nghĩa: Cải thiện trí não để nói về loại thuốc này.

Dù hàng thập kỷ sau phát hiện của Giurgea không có nhiều bằng chứng cho thấy loại thuốc này có thể cải thiện trí não của người khỏe mạnh, chúng vẫn được nhiều người sử dụng.

Tại Anh, "thuốc thông minh" được kê theo đơn. Trong khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ không phê duyệt việc dùng piracetam cho y tế hay thực phẩm bổ sung.

Nhu cầu tăng mạnh

Tạp chí Nature dẫn một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí quốc tế Drug Policy hồi tháng 6 cho hay số người sử dụng "thuốc thông minh" ít nhất một lần trong 12 tháng trước đó tăng 9% chỉ trong 2 năm. Sử dụng "thuốc thông minh" để tăng trí nhớ hoặc sự tập trung còn được gọi là quá trình tăng cường nhận thức dược lý (PCE). Xu hướng này đang gia tăng trên thế giới.

Nghiên cứu này căn cứ số liệu của Khảo sát Dược phẩm Toàn cầu trong 2 năm là 2015 (79.640 người) và 2017 (29.758 người). Nó xét đến các loại thuốc kê theo đơn như adderall, ritalin, modafinil hay cả chất cấm như cocaine.

Theo nghiên cứu, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ sử dụng chất kích thích trí não cao nhất. Gần 30% người được hỏi (năm 2017) thừa nhận sử dụng thuốc ít nhất một lần trong 12 tháng trước đó. Con số này năm 2015 là 20%.

"Ngày càng nhiều trí thức ở thung lũng Silicon và Phố Wall sử dụng 'thuốc thông minh'. Họ giống các vận động viên trí tuệ chuyên nghiệp, hoạt động trong môi trường cạnh tranh cao", Geoffrey Woo, CEO công ty dinh dưỡng HVMN (Mỹ), cho biết.

Đồng quan điểm với Geoffrey, Mansal Denton, một doanh nhân Mỹ, chia sẻ: "Tôi nghĩ 'thuốc thông minh' khiến mọi thứ ngày càng cạnh tranh hơn. Chúng dễ dàng tiếp cận với giới tri thức ở Mỹ”.

Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ gia tăng trong giai đoạn 2015-2017, các nước châu Âu lại chiếm ưu thế như Pháp (từ 3% lên 16%), Anh (từ 5% đến 23%) hay Bỉ ( từ 6% đến 19%)...

Trước đó, một khảo sát không chính thức của Nature năm 2008 với độc giả cho thấy trung bình 5 người sẽ có một người dùng "thuốc thông minh".

Xu hướng sử dụng "thuốc thông minh" gia tăng trên thế giới. (Ảnh: Nature)

Một nghiên cứu khảo sát thực hiện trên 2.000 sinh viên Tây Australia của Viện Nghiên cứu Dược phẩm Quốc gia, thuộc ĐH Curtin (Australia) cũng cho thấy sự phổ biến của "thuốc thông minh", tờ The West Australia đưa tin.

Theo đó, 10 sinh viên đại học ở Tây Australia có một người dùng loại thuốc này để cải thiện thành tích học tập. Các sinh viên cho biết họ đặt hàng trên mạng hoặc mua từ bạn bè. Các loại thuốc phổ biến là dexamphetamine, modafinil và ritalin.

Tại châu Á, "thuốc thông minh" không còn xa lạ. Năm 2007, tờ Chosunilbo đưa tin nhiều học sinh Hàn Quốc dùng loại thuốc này để cải thiện khả năng, cũng như thành tích học tập. Khoảng 20 phòng khám và trung tâm y tế ở thủ đô Seoul bán "thuốc thông minh" theo đơn.

Năm 2017, tờ The Straits Times cho hay nhiều học sinh cấp hai và ba ở Singapore cũng sử dụng "thuốc thông minh" để có điểm thi tốt hơn. Mới đây nhất, giới chức Singapore bắt giữ 500 vỉ modafinil được vận chuyển trái phép vào nước này hồi tháng 10 vừa qua.

Tờ The Times năm ngoái dẫn lời Hannah Critchlow, giáo sư ĐH Cambridge, Anh, người từng nhiều năm nghiên cứu về "thuốc thông minh", cho biết không chỉ sinh viên mà ngay cả giáo sư cũng bị hấp dẫn bởi loại thuốc này. Theo ông, cứ 5 giáo sư có một người thừa nhận sử dụng "thuốc thông minh" như modafinil để cải thiện trí nhớ và sự tập trung.

Lợi bất cập hại

Sử dụng tràn lan, song những tác dụng tích cực của "thuốc thông minh" với não vẫn chưa được chứng minh hoặc nếu có cũng rất ít. Đi kèm với chúng lại là nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Theo BBC, "thuốc thông minh" như ritalin hay modafinil rất dễ gây nghiện. Nhiều báo cáo cho thấy người sử dụng phải chật vật để bỏ thuốc. TS Peter Morgan, làm việc tại ĐH Yale (Mỹ), cho hay "thuốc thông minh" có thể làm tăng nồng độ dopamine giống ma túy. Vì vậy, nó dễ gây nghiện, tờ The Asian Parent Singapore đưa tin.

 "Thuốc thông minh" có nhiều tác dụng phụ như gây căng thẳng, lo lắng, mất ngủ, đau bụng, chán ăn, dị ứng da. (Ảnh: Focuswish)

Thuốc này còn gây ra nhiều tác dụng phụ như căng thẳng, lo lắng, mất ngủ, đau bụng, chán ăn và thậm chí là rụng tóc hay dị ứng da. Đầu năm 2018, một phụ nữ khoảng 30 tuổi ở Singapore phải nhập viện vì dị ứng da nghiêm trọng sau khi dùng modafinil để tăng tỉnh táo, Channel News Asia cho hay. Theo các bác sĩ, phụ nữ này mắc hội chứng Stevens-Johnson khiến da bị phồng rộp, lở loét.

Tờ Channel News Asia cũng dẫn lời cảnh báo của Tổ chức Khoa học Sức khỏe Singapore (HSA) cho biết: "Modafinil tiềm ẩn nguy cơ khiến người dùng lệ thuộc vào thuốc vì nó kích thích trí não. Nó còn có thể gây ra các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp hay triệu chứng như lo âu, ảo giác, mê muội".

Câu hỏi đặt ra là thuốc có nhiều tác dụng phụ nhưng tại sao nhiều người vẫn sử dụng? Nhà tâm thần học Sarah Benson giải thích: "Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta dùng 'thuốc thông minh' quá thường xuyên và cảm thấy nó hoàn toàn bình thường. Trong công việc hay học tập, nếu thấy người khác dùng được, tại sao bạn lại không?".

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo sinh viên và những người dùng nhiều "thuốc thông minh" nên dừng lại. Thay vào đó, họ có thể áp dụng một số biện pháp tự nhiên như ngủ đủ giấc, ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn cũng như chọn cho mình phương pháp học tập phù hợp để vừa có thành tích tốt, vừa đảm bảo sức khỏe.

Nguồn: Zing News

Tin mới