Sử dụng Facebook mỗi ngày, hẳn ai cũng biết về nhà sáng lập mạng xã hội này, Mark Zuckerberg. Tuy nhiên, có nhiều điều thú vị về vị tỷ phú trẻ mà nhiều người chưa rõ.
Chân dung nhà sáng lập facebook, Mark Zuckerberg.
Đứa trẻ thần đồng
Mark Zuckerberg là một trong những đứa trẻ thiên tài được sinh ra với bộ não “lớn” đến mức đáng ngạc nhiên. Mark lớn lên trong một gia đình Do Thái ở New York. Theo tờ New Yorker, cha anh là nha sĩ và ông có sở thích lập trình máy tính cơ bản. Sở thích này của ông đã truyền sang cậu con trai.
Năm 1996, khi Mark Zuckerberg 12 tuổi, anh đã tạo ra phần mềm ZuckNet - dịch vụ nhắn tin tức thời có trước AIM một năm - giúp lễ tân sử dụng để thông báo cho bệnh nhân đến khám thay vì phải đi báo từng người đến gặp bác sĩ trong phòng.
Thật ấn tượng khi một thiếu niên có thể đánh bại AOL (công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu), nhưng ZuckNet mới chỉ là bước khởi đầu. Khi còn nhỏ, Zuckerberg đã thích tạo ra các trò chơi điện tử cho riêng mình, và gia sư lập trình David Newman đã thốt lên, bảo anh là một thần đồng.
Khi là học sinh trung học, Zuckerberg phát minh ra Synapse, chương trình trí tuệ nhân tạo tìm hiểu thị hiếu âm nhạc của người dùng để giới thiệu âm nhạc mới cho họ. Không có gì ngạc nhiên khi cả Microsoft và AOL đều muốn lấy Synapse và thuê đứa trẻ thông minh này làm cho mình, nhưng Zuckerberg đã từ chối cả hai.
Bị gọi là người máy
Mark Zuckerberg là "vua của mạng xã hội". Những người biết Zuckerberg mô tả anh ấy người mãnh liệt, xa cách và tập trung vào các phát minh của mình. Anh còn được gọi là "robot". Tờ New Yorker, cách anh nói giống như một tin nhắn tức thời, rất nhanh chóng. Nhà đầu tư của Facebook, Reid Hoffman, khi được tờ Washington Post phỏng vấn, đã mô tả vị CEO trẻ tuổi này là người cực kỳ ít nói, ngay cả trong các cuộc họp của công ty, bởi vì anh ấy "luôn suy nghĩ".
Cựu nhân viên Facebook, Yishan Wong mô tả Zuckerberg là người có "nét của Asperger" (bệnh nhân tự kỷ). Wong nói rằng, khi Zuckerberg lắng nghe mọi người, anh không hề có các dấu hiệu chứng tỏ mình đang nghe. Wong nghĩ rằng Zuckerberg là một "chàng trai hoàn toàn tử tế" và dường như được toàn bộ nhân viên yêu quý. Facebook xếp thứ hai trong danh sách "Nơi làm việc tốt nhất" của Glassdoor.com (trang web của Mỹ cho phép người dùng đánh giá chất lượng công ty và tìm việc làm) năm 2017 và Zuckerberg được đánh giá đến 98%.
Zuckerberg luôn tự nhận thức về những khiếm khuyết về mặt xã hội của mình. Anh từng nói khi được phỏng vấn: "Ừ, cũng có lúc tôi là người khó ở".
Mặc một chiếc áo phông xám ngày qua ngày
Zuckerberg mặc một chiếc áo phông màu xám hầu như mọi ngày trong năm, đôi khi có chiếc áo hoodie sẫm màu bên ngoài. Tại sao? Bởi vì anh quá bận rộn để nghĩ xem nên mặc gì. Theo tờ Wall Street Journal, Zuckerberg cố ý giữ cho tủ quần áo của mình tối giản vì nó giúp anh tiết kiệm thời gian và năng lượng vì sẽ lãng phí khi anh phải nghĩ xem nên mặc gì.
Zuckerberg đã chia sẻ một bức ảnh về tủ quần áo của mình trên Facebook. Tờ Business Insider đưa tin, dù đơn giản nhưng giá mỗi chiếc áo phông xám của anh là 400 USD (hơn 9 triệu đồng).
Vào những dịp đặc biệt, Mark vẫn “ăn diện”. Theo tờ Quartz, năm 2009, anh mặc vest và thắt cà vạt mỗi ngày như một tuyên bố mang tính biểu tượng rằng, Facebook sẽ tiếp tục thúc đẩy, tuyển dụng những người mới và đạt được tiến bộ trong thời kỳ Đại suy thoái, thay vì cắt giảm nhân viên như các công ty khác đã làm.
Vị tỷ phú mù màu
Facebook có thể là một trong những trang web lớn nhất thế giới, nhưng thiết kế không được thú vị với các biểu tượng màu xanh. Theo tờ New Yorker, Mark Zuckerberg thực sự bị mù màu xanh đỏ (điều đó cũng có thể giải thích sự yêu thích của anh đối với những chiếc áo sơ mi xám). Chứng mù màu phức tạp hơn nhiều người nghĩ. Khi thế giới xung quanh giống như bộ phim đen trắng cũ, đó là tình trạng "đơn sắc". Dạng mù màu phổ biến hơn là chứng thiếu hụt deutan mà Zuckerberg mắc phải, khiến màu đỏ và xanh lục trông giống nhau, chuyển sang sắc thái của màu vàng.
Zuckerberg đã không nhận ra chứng mù màu của mình cho đến khi trưởng thành, nhưng anh cho biết màu sắc không phải là điều làm mình lo lắng nhiều. Màu xanh là màu nổi bật nhất đối với Mark, anh có thể nhìn thấy tất cả các sắc thái của nó. Ngôi nhà của Giám đốc điều hành Facebook được sơn nhiều màu xanh và be, ngoại trừ nhà bếp có màu vàng tươi sáng. Có thể Facebook sẽ thêm một số hình công cụ màu vàng sáng để đi cùng với tất cả màu xanh trước đó.
Quan điểm về quyền riêng tư thường xuyên bị châm chọc
Kể từ khi Facebook “tiếp quản thế giới”, việc Mark Zuckerberg đảm nhận "quyền riêng tư" của mọi người thường là tâm điểm gây tranh cãi.
Sự ra đời của các mạng xã hội như Facebook đã hoàn toàn xóa bỏ những quan niệm trước đây về quyền riêng tư. Giờ đây, hàng tỷ người trên khắp hành tinh có thể chia sẻ mọi thông tin cá nhân theo cách mà trước đây không thể hiểu được. Trước đây, Facebook là mạng xã hội duy nhất yêu cầu dùng tên thật khi tạo tài khoản. Triết lý cá nhân cốt lõi của Zuckerberg là "thông tin muốn được chia sẻ", theo Washington Post. Anh đã nói rất lâu về hy vọng và niềm tin rằng Facebook có thể thay đổi xã hội trở nên cởi mở, kết nối và thấu hiểu hơn. Triết lý này là lý do của những gì anh làm.
Tuy nhiên, khi Facebook ngày càng trở nên phổ biến, công ty gây ra nhiều tranh cãi với hàng loạt quyết định không phải lúc nào cũng minh bạch về việc ai có quyền truy cập vào cái gì, với Zuckerberg là cột thu lôi cho các khiếu nại.
Bị tổn thương vì bộ phim nói về mình
Khi các nhà làm phim lớn như Aaron Sorkin và David Fincher hợp tác để làm một bộ phim về bạn, chắc hẳn bạn sẽ rất vui. Tuy nhiên, Zuckerberg không mê xem những bộ phim về mình.
Phim Mạng xã hội, với sự tham gia của Jesse Eisenberg, kể về câu chuyện thất bại của Zuckerberg với người đồng sáng lập Facebook Eduardo Saverin. Tác phẩm nhận được rất nhiều lời khen ngợi, giải thưởng, được coi là nguồn cảm hứng cho nhiều công ty khởi nghiệp và doanh nhân.
Theo tờ Business Insider, các email bị rò rỉ từ vụ hack Sony năm 2014 tiết lộ rằng, Zuckerberg đã chống lại việc làm phim về mình đến mức thúc giục ngừng sản xuất. Khi bộ phim ra mắt, anh không hề hồi hộp. Theo tờ The Guardian, Mark nhận thấy bộ phim miêu tả cuộc đời mình theo cách "gây tổn thương". Các nhà làm phim đã "bịa ra nhiều thứ" để câu chuyện của anh trở nên u ám và hào nhoáng hơn thực tế.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang đánh giá phim Groucho Reviews, nhà biên kịch Aaron Sorkin cho biết ông và Fincher đã cố gắng thể hiện chính xác nhất có thể loại bia mà Zuckerberg uống khi đăng một blog nào đó. Theo lời Sorkin, "không có gì trong bộ phim được tạo ra để tạo sự giật gân, không có gì trong bộ phim được Hollywood hóa". Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Today, Sorkin đã nói lời xin lỗi vì đã làm tổn thương cảm xúc của Zuckerberg.
Từng chế giếu người dùng Facebook
Mọi thiếu niên đều mắc phải những sai lầm đáng xấu hổ. Một trong những điều đáng sợ nhất về Facebook là những bức ảnh “muốn giấu kín” khi bạn thực hiện những cử chỉ xấu trước một bức tượng chẳng hạn, giờ đây có thể xuất hiện lại trên internet bất cứ lúc nào cho tất cả người thân, bạn bè của bạn.
Tuy nhiên, khi Facebook là “tác giả” của những tình huống khó xử này, hàng triệu người trẻ tuổi gặp phải những vấn đề về tuổi trưởng thành. Đó là lý do tại sao Aaron Sorkin thừa nhận với tờ Today rằng, ông thất vọng về Zuckerberg: “Tôi sẽ không muốn một bộ phim kể về những điều tôi đã làm khi tôi 19 tuổi".
Tuy nhiên, không phải tất cả những sai lầm thời niên thiếu của Zuckerberg đều được đưa vào phim. Một cuộc trao đổi khá khó chịu từ những ngày đầu của Facebook đã bị rò rỉ trực tuyến vào năm 2010, theo tờ Business Insider. Năm Zuckerberg 19 tuổi, ngay sau khi phát minh ra mạng xã hội mới, anh đã trò chuyện với một người bạn qua tin nhắn, khoe khoang về việc có "hơn 4.000 email, hình ảnh, địa chỉ, SNS". Khi một người bạn hỏi tại sao mọi người lại cung cấp thông tin cá nhân cho anh, Zuckerberg trả lời: "Mọi người chỉ gửi nó. Tôi không biết tại sao. Họ tin tưởng tôi, Chết tiệt".
Khi trưởng thành, Zuckerberg nói với tờ New Yorker rằng anh lấy làm tiếc về cuộc trao đổi này, thậm chí coi đó là chưa trưởng thành và cho biết mình đã trưởng thành rất nhiều kể từ đó.
Mark có theo tôn giáo nào không?
Mark Zuckerberg xuất thân là người Do Thái. Tuy nhiên, sau khi trưởng thành, anh dường như đi lạc khỏi nguồn gốc này và sống như một người vô thần. Tôn giáo không phải là chủ đề mà anh nói nhiều trong những năm qua.
Tất cả đã thay đổi vào cuối năm 2016, theo tờ Huffington Post, khi Zuckerberg chia sẻ một bài đăng trên Facebook chúc tất cả bạn bè một "Giáng sinh vui vẻ và Hannukah hạnh phúc." Trả lời một bình luận, Zuckerberg tiết lộ anh ấy không phải là người vô thần. Mark tuyên bố rằng sau khi lớn lên là người Do Thái, anh đã dành thời gian dài để "chất vấn mọi thứ" nhưng trong thời gian gần đây, anh tin rằng "tôn giáo là rất quan trọng".
Zuckerberg không nói rõ chính xác tôn giáo của mình, nhưng điều đáng chú ý là anh đã ca ngợi Phật giáo nhiều lần.
Sẽ không tranh cử tổng thống
Zuckerberg có thể là tổng thống tương lai? Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về điều này. Đầu tiên, tờ New York Times chỉ ra, Zuckerberg đã dành phần lớn năm 2017 cho chuyến đi "Great American Road Trip", nơi anh đã đến thăm khắp nước Mỹ để hiểu rõ hơn về tất cả những người sử dụng trang web của mình. Sau đó vào tháng 8, theo tờ Politico, Zuckerberg và Priscilla Chan thuê cựu ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton, Joel Benenson, làm cố vấn cho một sáng kiến từ thiện sẽ quyên góp 99% cổ phần Facebook của họ cho tổ chức từ thiện.
Thế nhưng, Zuckerberg đã dội một gáo nước lạnh vào những suy đoán này khi anh ấy viết trên trang Facebook của mình rằng sẽ không tranh cử. Cho dù Zuckerberg có thực sự cân nhắc việc tranh cử vào Nhà Trắng hay không, có lẽ những tin đồn này sẽ không bao giờ ngừng xoay quanh anh.