(VTC News) - Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán Tổng công ty xăng dầu Petrolimex trong năm 2012,Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Bộ trưởng Tài chính cho biết tại cuộc đối thoại trực tuyến với dân chiều 17/1.
Chiều nay, 17/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng TTĐT Chính phủ.
Cuộc đối thoại tập trung vào các vấn đề lớn như việc chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa; thu chi ngân sách, vấn đề thuế, quản lý giá cả, thị trường...
Ảnh Chinhphu.vn
Cuộc đối thoại được truyền hình trên internet, truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1- Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, phát thanh trực tiếp trên Hệ Thời sự Chính trị- Đài Tiếng nói Việt Nam VOV1 để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
BTV: Mở đầu chương trình, xin được chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi của một Đại tá Quân đội tên là Vũ Văn Tâm, hiện đang sinh sống ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông cho biết là đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến, nay đã trên 80 tuổi, được nhà nước cho nghỉ hưu nhưng vẫn rất quan tâm đến những vấn đề quốc kế, dân sinh của đất nước. Ông hỏi: Chính phủ đã ra Nghị quyết yêu cầu cả nước thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát nhưng cho đến nay đã một năm rồi mà vẫn chưa tổng kết, đánh giá gì cả, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc làm này đã được thực hiện đến đâu, kết quả như thế nào và có những đơn vị, địa phương nào vi phạm phải xử lý? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trước hết tôi xin được bày tỏ vinh dự và may mắn được đối thoại trực tuyến với nhân dân. Về câu hỏi của bác Tâm, tôi xin trả lời như sau: Tình hình năm 2011 Chính phủ đã thực hiện quyết liệt NQ 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ cũng như các bộ ngành đã tổng kết sâu sắc, đầy đủ và ban hành Nghị quyết mới cho năm 2012. Về thắt chặt chi tiêu, trong năm 2011, chúng ta đã cắt giảm 81.500 tỷ đồng chi tiêu công, tiết kiệm khoảng 10% chi thường xuyên, tương đương hơn 3.900 tỷ đồng, và toàn bộ số này được sử dụng cho nhu cầu an sinh xã hội và các yêu cầu bức thiết khác. Khi tổng kết NQ 11, phát hiện một số bộ, ngành địa phương sử dụng không đúng 2.450 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cương quyết thu hồi để dành cho các nhu cầu đầu tư khác. Anh Nguyễn Văn Cầu gửi thư đến phản ánh về một vấn đề ở địa phương: Tôi ở một huyện miền núi, tuy là một huyện nghèo nhưng tôi thấy mỗi lần thay đổi Chủ tịch huyện thì Chủ tịch mới lại mua xe ô tô mới rất đắt tiền chứ không sử dụng xe của Chủ tịch cũ, mặc dù vẫn còn rất tốt. Đây có phải là qui định của nhà nước không, nếu đúng là qui định của nhà nước thì nên sửa vì theo tôi, đó là một sự lãng phí. Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn rất nghèo, nhiều gia đình còn thiếu đói, làm cán bộ mà như vậy sẽ chỉ càng xa dân mà thôi. Rất mong nhận được câu trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về nguyện vọng khi bổ nhiệm lãnh đạo, có phòng làm việc mới, ô tô mới là nguyện vọng không phải xa lạ, tuy nhiên, phải theo tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước. Về xe công, từ Bộ trưởng đến Chủ tịch huyện đều có tiêu chuẩn, định mức cụ thể. Đối với Chủ tịch huyện, có tiêu chuẩn sử dụng xe có mức giá mua tối đa là 750 triệu đồng. Khi Chủ tịch mới lên nhậm chức, nếu xe còn mới, còn tốt, trong hạn mức sử dụng thì dứt khoát là phải dùng xe đó. Nếu mua xe mới là vi phạm. Theo phản ánh của bác, chúng tôi sẽ kiểm tra lại, phối hợp với chính quyền địa phương xem xét xử lý theo quy định. Làm cán bộ là công bộc của dân, nên không thể muốn sử dụng tài sản thế nào cũng được. Bà Đỗ Thị Mai, một nhân viên bán hàng ở siêu thị tại Hà Nội: Xin Bộ trưởng khẳng định lại việc con số phần trăm tăng giá các mặt hàng khác khi tăng giá điện? Cơ sở nào để tính ra con số đó, điều đó có thực tế không? Trong năm 2012, dự kiến giá điện sẽ tăng khoảng bao nhiêu nữa?. Bộ trưởng có biết rằng, các gia đình có thu nhập thấp đang rất chật vật vì bão giá hiện nay không, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa Bộ trưởng? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tôi nghĩ câu hỏi của chị cũng là câu hỏi chung của nhiều người dân, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị đón năm mới. Việc tính tăng giá của các mặt hàng, cụ thể là điện đến các mặt hàng khác phải dựa vào định mức kinh tế-kỹ thuật của nhiều ngành. Ví dụ, trong ngành luyện thép, định mức sử dụng điện cho 1 tấn thép cán là 163 kWh điện, chiếm 1% giá thành. Các cơ quan chuyên môn tính toán rằng khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua 2 vòng. Một là là qua trực tiếp chi phí, theo như con số thống kê, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246%. Như vừa rồi, giá điện tăng 5% thì tác động tới CPI 0,153%.
Tác động tại vòng 2 gấp khoảng 2 lần vòng 1, có nghĩa là giá điện tăng 1% thì tác động tăng 0,0492% CPI.
Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%. Vấn đề thứ hai, khi Nhà nước tăng gía điện đều có tuyên bố chính sách hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp. Chúng ta cũng đã biết chính sách không tăng giá điện từ mức 0 đến 100kWh. Các hộ sử dụng 50kWh tính giá 992 đồng như hiện nay, các hộ sử dụng 100kWh thì ở mức 1.242 đồng. Mặt khác, những hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp 30 nghìn đồng. Như vậy, ngoài việc điều chỉnh giá để sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, đảm bảo đủ điện, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp người nghèo. Với chính sách như vậy, tôi đã có lần trả lời trước Quốc hội là giá điện 2012 về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch, phân bổ thêm 1 phần lỗ của năm 2011, cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh 80% so với hiện nay. Với tinh thần đó, giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện 2 mục tiêu. Một là đến năm 2013, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới 1 con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%.
Ảnh Chinhphu.vn |
Ông Võ Minh Tâm ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội: Tôi rất tâm đắc với phát biểu “minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp” của Bộ trưởng. Vậy Bộ trưởng đã thực hiện được những “tuyên bố” của mình như thế nào, nhất là đối với lĩnh vực nhạy cảm như quản lý giá xăng dầu, than và điện ? Và với cơ cấu các đơn vị cung cấp như hiện nay thì bao giờ mới có thị trường cạnh tranh thực sự đối với các mặt hàng trên ? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa rồi, tôi có nhấn mạnh, minh bạch và công khai là một trong những điều kiện kiên quyết để điều hành, quản lý nền kinh tế nói chung, trong đó có quản lý về giá cả, nhất là đối với những mặt hàng, vật tư có ý nghĩa chiến lượng như điện, than, xăng dầu… Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ gửi đến người dân, Thủ tướng đã đề cập, nhấn mạnh về nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý nền kinh tế của chúng ta. Để thực hiện giải pháp này, trong lĩnh vực quản lý giá, chúng tôi nghĩ phải minh bạch cả khâu chính sách cũng như thông tin của doanh nghiệp. Về chính sách, phải công khai minh bạch ngay khi xây dựng pháp luật. Bộ Tài chính được Chính phủ, Quốc hội giao xây dựng Luật Giá trình Quốc hội. Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ nhất về Luật này tại kỳ họp tháng 10, 11/2011 vừa rồi. Đến tháng 4, 5/2012 này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật này. Đến nay, chúng tôi đã căn bản hoàn thành dự thảo cuối cùng, dự thảo này sẽ tiếp tục được tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các thành phần trong xã hội, đặc biệt Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu- những tổ chức đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp. Qua lần kiểm tra giá xăng dầu gần đây, Bộ Tài chính nhấn mạnh rất rõ về minh bạch trong thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, và Quyết định 24 của Thủ tướng về kinh doanh điện theo nguyên tắc thị trường. Chúng tôi cũng có nói rõ, định hướng sắp tới dây, chúng ta vừa kiên trì thực hiện Nghị định 84, đồng thời cũng xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số vấn đề cần thiết, như chu kỳ để tính điều chỉnh tăng hoặc giảm giá, với thời gian sẽ ngắn hơn, phù hợp với diễn biến của giá thế giới. Thứ 2, nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở, có thể đưa lãi định mức ra khỏi công thức tính giá cơ sở để đảm bảo sự minh bạch về lỗ lãi. Đồng thời với thông tư về quỹ bình ổn giá giá xăng dầu, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu sửa đổi theo hướng Luật giá hiện nay đang quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhà nước quản lý được quỹ bình ổn giá này, phục vụ các mục tiêu bình ổn giá xăng dầu. Với quyết tâm của Chính phủ trong năm mới, thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có những tập đoàn, công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện, xăng dầu... Chúng tôi hy vọng thị trường kinh doanh xăng dầu, điện sẽ ngày càng minh bạch hơn. Chúng tôi muốn nói thêm, bên cạnh công khai minh bạch chính sách, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Năm 2012, Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này. Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng công ty xăng dầu - Petrolimex trong năm 2012. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. Đối với thanh tra Bộ tài chính, chúng tôi chỉ đạo thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu còn lại, cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực cũng nhưu xăng dầu, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành, theo nguyên tắc nhà nước, nhân dân chỉ chấp nhận bù đắp cho các doanh nghiệp những chi phí thực sự khách quan. Tại diễn đàn Quốc hội, tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp tiết giảm chi phí quản lý từ 5-10%. Hiện NQ 01 của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 2012 đưa chỉ tiêu tiết giảm này của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một chỉ tiêu pháp lệnh của năm 2012. Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi thấy thời gian vừa qua, các cơ quan thanh tra, quản lý giá (bao gồm cả trung ương và địa phương) phát hiện được rất ít các hành vi sai phạm, chỉ đến khi báo chí phát hiện mới vào cuộc (trường hợp giá thuốc chữa bệnh, giá sữa bột nhập khẩu bán trên thị trường với giá quá cao hoặc chuyện làm giá vàng như vừa qua là những ví dụ). Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và làm thế nào để người tiêu dùng tránh được những thiệt hại do giá của các mặt hàng tăng bất hợp lý ? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá theo nguyên tắc đù bù đắp chi phí và có lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Nhà nước quản lý chủ yếu bằng việc ban hành chính sách, thanh tra, kiểm tra. Hiện nay, không chỉ Bộ Tài chính mà Bộ Công Thương, UBND các tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, thanh tra trong mọi thời điểm, nhất là các thời điểm nhạy cảm như Tết hay các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó, phát hiện nhiều vi phạm về giá. Tất nhiên, cũng có trường hợp phải qua báo chí, qua dư luận mới phát hiện được. Đặc biệt là các mặt hàng sữa, thuốc chữa bệnh có quá nhiều mặt hàng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, như thuốc chữa bệnh có trên 2.000 mặt hàng. Đúng là khâu thanh, kiểm tra thời gian qua vẫn có hạn chế. Tiếp thu ý kiến độc giả, định hướng chính sách của Bộ Tài chính trong năm 2012 là tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra giá để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 9%. Đỗ Thị Nguyệt Minh, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực tư vấn dầu khí, gas và xi măng: Xin hỏi Bộ trưởng, tôi có thể liên lạc trực tiếp với cơ quan nào của Bộ (và địa chỉ liên lạc) để thông báo sai phạm của các nhà thầu nước ngoài trong việc thực thi pháp luật về thuế tại Việt Nam? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về thuế, có 2 lĩnh vực là chính sách thuế và quản lý thuế. Về chính sách thuế, cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ trưởng Tài chính là Vụ chính sách thuế. Còn cơ quan thực thi chính sách, quản lý thuế là Vụ chính sách thuế của Tổng cục thuế. Về đường dây nóng của Bộ Tài chính, xin cung cấp một số địa chỉ như sau: Thanh tra Tài chính: số điện thoại: 04 222 08114; hòm thư điện tử: thanhtrataichinh@mof.gov.vn Vụ tổ chức cán bộ- xử lý các vấn đề liên quan đến cán bộ thuế: số điện thoại: 04 222 08116 Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản ánh của độc giả, nhân dân. Độc giả Vũ Việt Thành – một doanh nhân ở Đà Nẵng: Một số Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đã thực hiện hành vi chuyển giá hoặc như các doanh nghiệp FDI kinh doanh lãi nhưng lại khai lỗ để trốn thuế. Bộ Tài chính đã giải quyết vấn đề này như thế nào ? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tình trạng chuyển giá lãi thật lỗ giả của không ít doanh nghiệp FDI là một thực trạng được nghe nói nhiều. Sai phạm này liên qua đến 3 khâu. 1 là việc định giá doanh nghiệp để góp vốn liên doanh liên kết, thuộc trách nhiệm chính của Bộ KHĐT. Hai là định giá các phát minh sáng chế, trách nhiệm chính liên quan đến Bộ KHCN và chủ đầu tư. Còn khâu giữa là việc khai giá vật tư đầu vào đầu ra thì diễn ra trong suốt quá trình kinh doanh, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính. Bộ đã giao cho cơ quan Thuế, thanh tra kiểm tra gắt gao và năm vừa qua tiến hành nhiều cuộc kiểm tra. Từ 2010 - 2011, thanh tra hơn 1.400 doanh nghiệp báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ đến hơn 5.827 tỷ đồng. Năm 2011, số này phát hiện tăng 2,5 lần so với 2010 và cơ quan thuế đã truy thu, xử phạt 1.861 tỷ đồng, tăng 4 lần, giảm khấu trừ thuế 102 tỷ đồng. Hiện chúng tôi giao cơ quan thuế hoàn thiện đề án chống chuyển giá và gian lận hạch toán trong doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp trong nước. Nhiều cơ quan thuế có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, ví dụ, Cục Thuế TPHCM, Lâm Đồng, Bình Dương. Trong hội nghị được tổ chức trong quý I này, chúng tôi sẽ tổng kết công tác này. Đây là công tác thường xuyên liên tục, dù khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải tôn trọng luật pháp và thực hiện nghĩa vụ thuế. Độc giả Vũ Việt Thành: Là chủ một doanh nghiệp nhỏ, tôi thấy mức thuế thu nhập DN hiện nay và một số loại phí khác là chưa hợp lý (cao hơn nhiều nước), trong điều kiện SXKD khó khăn như hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách lách và trốn thuế, điều đó không chỉ gây thất thu thuế mà còn làm cho những doanh nghiệp luôn nộp thuế đầy đủ như chúng tôi giảm lợi thế cạnh tranh. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và cách giải quyết để doanh nghiệp chúng tôi tồn tại và phát triển? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về tài khóa, ai cũng phấn đấu thu nhiều để chi nhiều. Nhưng ngành Thuế còn phải động viên sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng nguồn thu và phải khoan thư sức dân trong nhiều giai đoạn, tạo nguồn thu lâu dài. Chính sách Thuế tới 2012 được Chính phủ phê chuẩn theo định hướng này. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng qua nhiều giai đoạn, trước 2004, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng thuế 25% thì doanh nghiệp trong nước phải đóng 32%, sau đó, giảm xuống 28%. Hiện nay, mức thuế chung 25%, còn tính bình quân các nước là 27%. Định hướng chiến lược thuế đến 2020 sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20%, để bồi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân, khuyến khích sản xuất kinh doanh tốt hơn. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ miễn, giảm, hoàn thuế tích cực. Năm 2009, Bộ trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội gói giảm, miễn, hoàn thuế quy mô lớn. Năm nay, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ quyết định giãn thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 3 tháng nữa với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động và tùy diễn biến tình hình, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ ban hành hoặc Chính phủ trình Quốc hội ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề thuế. Huỳnh Tấn Dũng, một doanh nhân kinh doanh thủy sản ở Cần Thơ: Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2011 là xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu với vai trò quan trọng của các chính sách thuế. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được những ưu đãi gì trong năm nay, thưa bộ trưởng? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về chính sách thuế năm 2012, chúng tôi xin thông báo, về cơ bản không có thay đổi nhiều. Về thu, chỉ có 2 Luật thuế sẽ áp dụng ngay trong năm 2012 là Luật thuế bảo vệ môi trường và sử dụng đất phi nông nghiệp. Đây là 2 luật không tác động lớn đến số thu của ngân sách, nhưng lại có tác động rất rộng đến các đối tượng. Riêng đối với Luật sử dụng đất phi nông nghiệp, vì tác động nhiều tới các hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ chức kinh tế, tôi đã có thư trực tiếp gửi Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các cơ quan chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính triển khai các Luật thuế này. Riêng về chính sách thuế xuất khẩu, cũng chỉ có một vài dòng thuế liên quan đến các sản phẩm rất đặc thù, còn cơ bản là giữ nguyên. Tuy nhiên, khi làm việc với ngành Hải quan vào tháng trước cũng như trong chuyến thăm làm việc tại Cục Hải quan TPHCM tuần vừa rồi, tôi đã chỉ đạo ngành Hải quan nhiệm vụ hàng đầu của ngành hiện nay là tập trung mọi nỗ lực đảm bảo khuyến khích kinh doanh xuất nhập khẩu, giải phóng nhanh hàng hóa, tăng cường thông quan, kể cả thủ tục về hải quan cũng như kiểm soát thông quan, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập siêu như chỉ tiêu Quốc hội đã giao. Đó là những nỗ lực của ngành Hải quan và Tài chính để phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới. Ảnh Chinhphu.vn
Độc giả Nguyễn Minh Trung ở địa chỉ nguyenminhtrung201278@...com: Bộ trưởng có thường xuyên vào mạng internet và sử dụng mạng xã hội như một kênh để tiếp cận thông tin, các phản hồi chính sách hay không?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Internet là một công cụ mà tất cả mọi người dân và lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đều sử dụng. Tôi cũng sử dụng máy tính bảng Ipad và truy nhập Internet thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, lúc nghỉ trưa, lúc thư giãn, trên ô tô, chờ đợi ở sân bay và trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy… Về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chắc là tôi không thạo bằng con gái tôi, nhưng tiếp thu ý kiến độc giả, tôi sẽ sử dụng công cụ này để giao lưu và tiếp thu ý kiến của người dân. Tôi lấy một ví dụ. Sáng nay, tôi có đọc bản tin tài chính kinh doanh qua mạng, thấy có thông tin là các vận động viên đạt thành tích tốt tại SEA Games nhưng hiện chưa nhận được tiền thưởng trong khi Tết sắp đến. Cũng mong các đồng chí thông cảm vì SEA Games kết thúc vào cuối năm, các thủ tục hành chính thì cũng phụ thuộc vào các văn bản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao chuyển sang. Tôi đã kiểm tra lại và thấy các văn bản này cũng mới được chuyển tới vào mùng 10 tháng này. Tuy nhiên, vào 9h sáng nay, chúng tôi đã xử lý vấn đề này, dù một số dữ liệu chưa chính xác. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị 47,3 tỷ đồng, chúng tôi tạm ứng ngay 30 tỷ đồng để Bộ này và Tổng cục Thể dục thể thao thưởng cho các vận động viên. Như vậy, nhờ thông tin qua mạng mà xử lý được vụ việc, không phải chờ đến các văn bản của các Vụ, Cục. Độc giả Nguyễn Thanh Bình, Hà Nội: Theo các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay, Tổng cục Hải quan đã cho 13 doanh nghiệp được ưu tiên trong thủ tục hải quan. Theo thông tư 63 thì các công ty này không phải thực hiện kiểm tra trước, trong và sau thông quan. Theo tôi hiểu, như vậy là Tổng cục Hải quan hoàn toàn không quản lý các doanh nghiệp này nữa. Vậy ai sẽ chiu trách nhiệm quản lý và bảo đảm các doanh nghiệp này không gian lận. Nếu xảy ra gian lận mà các cơ quan quản lý nhà nước khác phát hiện ra thì hải quan sẽ chịu trách nhiệm tới đâu? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Một trong những nguyên tắc quản lý thuế của thế giới cũng như Việt Nam, kể cả thuế nội địa cũng như xuất nhập khẩu là nguyên tắc quản lý rủi ro, trên cơ sở phân tích dữ liệu và quá trình thực hiện pháp luật về chính sách thuế cũng như Luật quản lý thuế đối với các doanh nghiệp để sắp xếp những doanh nghiệp theo mức ưu tiên, hoặc là khi phân ra các luồng thông quan như xanh, đỏ… Không thể kiểm tra hết 100% hàng hóa xuất nhập khẩu. Đó là nguyên tắc quản lý rủi ro của ngành thuế. Đối với các doanh nghiệp được ưu tiên, là ưu tiên được xem xét trong quá trình giải quyết nhanh thủ tục thông quan, nhưng không có nghĩa đã ưu tiên là không quản lý. Tất cả các doanh nghiệp ưu tiên này cũng được xem xét trên cơ sở quản lý rủi ro. Nếu doanh nghiệp có hành vi vi phạm, lập tức đưa vào danh sách phải kiểm soát. Cho nên việc này, hôm nay có thể trong danh mục được ưu tiên, nhưng ngày mai có thể đưa vào danh mục bị kiểm soát, hoặc đang trong danh mục bị kiểm soát, một thời gian lại đưa vào ưu tiên. Đấy là việc thông thường trong chính sách thuế, là vấn đề về nghiệp vụ, quản lý, không phải đưa vào diện ưu tiên có nghĩa là không quản lý. Và ngoài ra, còn có rất nhiều khâu hậu kiểm, kể cả kiểm soát thông quan cũng là 1 cách kiểm tra lại, hàng năm phúc tra lại hồ sơ khai thuế, hoàn thuế của các doanh nghiệp. Có rất nhiều khâu, tầng nấc để kiểm tra. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc: Ưu tiên thông quan cho doanh nghiệp là thông lệ quốc tế, tất cả các cơ quan hải quan hiện đại đều quản lý rủi ro, chúng tôi gọi là thực hiện chiến lược quản lý rủi ro. Như vậy, những doanh nghiệp ưu tiên, cũng theo chuẩn mực thông lệ quốc tế, chuẩn mực của Công ước Kyoto, quy định rằng, đối với doanh nghiệp có độ rủi ro thấp, có chế độ áp dụng trong việc kiểm tra, kiểm soát, nhưng để đạt được danh hiệu doanh nghiệp ưu tiên và hưởng ưu đãi cũng trải qua nhiều đợt kiểm tra, như chúng tôi phối hợp với cơ quan thuế nội địa, kết hợp với cơ quan kiểm toán về hệ thống sổ sách đặc biệt là quá trình theo dõi chấp hành pháp luật hải quan. Các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, không có vi phạm là doanh nghiệp có độ rủi ro thấp nhất. Như các bạn biết, với nguồn lực đầu tư ngày càng ít đi, công việc ngày càng tăng, nếu không áp dụng phương pháp quản lý hiện đại thì không thể đáp ứng yêu cầu. Các nguồn lực của chúng tôi tập trung vào doanh nghiệp có độ rủi ro cao và theo đó chúng tôi làm theo đúng chuẩn mực của thông lệ quốc tế. Nếu doanh nghiệp có vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật, danh hiệu ưu tiên, ưu đãi sẽ bị chấm dứt ngay. Độc giả Phạm Thế Sơn, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội: Năm 2012, mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%, theo tôi, trong tình hình nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản như hiện nay thì các khoản thu ngân sách sẽ giảm đi rất nhiều, cùng với đó, đầu tư công vẫn rất lớn nên mục tiêu đặt ra như vậy là rất khó thực hiện. Bộ trưởng có thể cho biết ý kiến về vấn đề này ? Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Không rõ bạn có học hay nghiên cứu về tài chính hay không vì bạn có câu hỏi hay quá, tôi có thể mời bạn về làm chuyên gia tại Bộ Tài chính. Như bạn nói và như quý vị biết, khi xây dựng dự toán năm 2012, chúng ta tính toán, cân đối rất chặt chẽ. Và nếu như đạt được, kết quả cân đối thu chi năm 2012 sẽ rất tích cực, một trong những năm tích cực nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, mục tiêu kéo bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực. Năm 2011, chúng ta đã nỗ lực và với dư địa của năm 2010 chuyển sang, bội chi đã giảm từ mức 5,3% theo Nghị quyết của Quốc hội xuống 4,9% (đã báo cáo Quốc hội). Tuy nhiên, nhiệm vụ dưới 4,8% trong năm 2012 là rất khó khăn, trong khi chính sách thu không có nhiều thay đổi, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là chính sách mới, với nguồn thu rất ít. Về các biện pháp chính, trước hết phải tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tổng kết năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo khá đầy đủ về các giải pháp tài chính thúc đẩy, phục vụ sản xuất, trong đó có chính sách tài khóa, chính sách thuế… trong bối cảnh lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, kinh tế vĩ mô được kiểm soát nhưng vẫn có dấu hiệu bất thường, chưa kể các yếu tố tác động từ kinh tế thế giới, lãi suất chưa giảm như mong muốn… Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa phải chung tay gánh vác với chính sách tiền tệ, có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh. Vấn đề thứ hai, tổng đầu tư công năm nay Quốc hội và Chính phủ đã tính kỹ, chỉ có 180 nghìn tỷ đồng từ ngân sách, 45 nghìn tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, tức là không tăng so với năm ngoái. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP và giảm bội chi, chúng ta phải hết sức coi trọng việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, coi trọng yếu tố tăng năng suất lao động xã hội trong tăng trưởng GDP. Với nguồn vốn như cũ hoặc thấp hơn, nhưng nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tính toán tốt “ra tấm ra món”, phát huy được hiệu quả nhanh thì chưa chắc kết quả đã kém hơn. Cùng với việc hỗ trợ sản xuất, cần tăng cường thắt chặt chi tiêu theo hình thức tiết kiệm điện, nước, vật tư tiêu hao trong quản lý hành chính, cương quyết không bố trí các khoản chi ngoài dự toán, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng, ứng phó thiên tai, an sinh xã hội… Và một giải pháp nữa là chống thất thu thuế. Ngoài đề án của Tổng cục Thuế, chúng tôi đã giao Tổng cục Hải quan xây dựng đề án quản lý hàng tạm nhập tái xuất, đặc biệt là quản lý thuế trong lĩnh vực này. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Hải quan tập trung, cương quyết rà soát việc hoàn thuế GTGT, tăng cường các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế…. Tôi nghĩ với các biện pháp quyết liệt như vậy, mục tiêu Bộ Tài chính hứa trước Quốc hội và Chính phủ là tăng thu từ 5-8% so với dự toán hoàn toàn có thể thực hiện được. Và với tiết kiệm chi, hi vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giảm bội chi xuống mức dưới 4,8%. Tiếp tục cập nhật... Cổng TTĐT Chính phủ