Chelsea trở thành đội bóng lớn đầu tiên ở châu Âu sa thải HLV ở mùa giải 2022/2023, khi quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV Thomas Tuchel. Theo Telegraph, một trong những nguyên nhân Tuchel bị sa thải là do ông không được lòng học trò.
Trong quá khứ, Chelsea từng nhiều lần thành công nhờ "thay tướng giữa dòng", mà Tuchel là một minh chứng. Tuy nhiên, đội chủ sân Stamford Bridge không thể lạm dụng phương án này để thoát khỏi khủng hoảng.
HLV Tuchel chia tay Chelsea sau chưa đầy 2 năm gắn bó.
Quyết định vội vã
Cũng như nhiều đời HLV khác trong gần 20 năm qua của Chelsea, Tuchel bị sa thải sau một thất bại. Trận thua 0-1 trước Dinamo Zagreb là thất bại thứ ba của Chelsea trong 5 trận gần nhất.
"The Blues" đã chi gần 300 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng hè, nên nỗi thất vọng của giới chủ Chelsea là có thể hiểu được. Ở trận thua Dinamo Zagreb, HLV Tuchel đã tung vào sân 4 tân binh, gồm Kalidou Koulibaly, Wesley Fofana, Raheem Sterling và Pierre Emerick-Aubameyang, chưa kể Marc Cucurella vào sân trong hiệp 2.
Song, Chelsea vẫn thất bại với lối chơi bạc nhược. Theo phóng viên Matt Laws của Telegraph, giới chủ Chelsea đã giận dữ khi chứng kiến trận thua từ trên khán đài. Năm 2007, HLV Jose Mourinho cũng mất việc sau khi Chelsea thua đội bóng vô danh Rosenborg ở Champions League.
Tuy nhiên, dùng từ "khủng hoảng" và viện lý do này để sa thải Tuchel là quyết định dường như vội vàng của Todd Boehly cùng cộng sự.
Thứ nhất, Chelsea thua 2 trận sau 6 vòng đầu ở Ngoại hạng Anh, nhưng đội bóng của Tuchel vẫn đứng hạng 6, chỉ kém ngôi đầu 5 điểm. Chelsea thậm chí có thành tích tốt hơn Liverpool - đội mới giành 9 điểm và thắng 2 trận từ đầu giải.
HLV Tuchel từng 2 lần đưa Chelsea cán đích an toàn trong nhóm dự Champions League. Kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao tại Borussia Dortmund và Paris Saint-Germain giúp nhà cầm quân người Đức luôn có giải pháp ở những cuộc đua đường dài.
Thứ hai, sự bấp bênh đầu mùa của Chelsea là có thể hiểu, khi HLV Tuchel phải lắp ghép nhiều nhân tố mới ở cả ba tuyến là hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo. Với bộ khung đội hình thay mới đến một nửa, đều ở những vị trí cốt lõi (trung vệ, tiền đạo), cựu HLV Dortmund cần thời gian.
Mùa giải mới đi qua 1 tháng đầu và với năng lực đã được chứng minh, HLV Tuchel là lựa chọn tốt nhất với Chelsea lúc này. Nhưng giới chủ của Chelsea không nghĩ như vậy.
Chelsea khởi đầu không tệ ở Ngoại hạng Anh.
Ai thay Tuchel?
Chelsea từng nhiều lần thành công với các quyết định thay "tướng". Năm 2007, Avram Grant gây ấn tượng khi thay thế Jose Mourinho, với lần đầu tiên đưa Chelsea vào chung kết Champions League cùng cuộc rượt đuổi cho danh hiệu vô địch gay cấn đến vòng cuối cùng ở Ngoại hạng Anh.
Năm 2009, Guus Hiddink giúp Chelsea vô địch FA Cup và vào bán kết Champions League khi thế chỗ Luis Felipe Scolari. Ba năm sau, Roberto di Matteo đưa Chelsea lên đỉnh Champions League, chỉ 8 tháng sau khi thế vai Andre Villas-Boas. HLV Tuchel đưa Chelsea lên ngai vàng châu Âu, chỉ 5 tháng sau khi ngồi ghế nóng thay Frank Lampard.
Bí quyết thành công của Chelsea khi thay HLV giữa chừng nằm ở kết cấu đội hình vững chắc, không được xây dựng để phục vụ riêng một triết lý nào, nên dễ dàng thay đổi khi được huấn luyện bởi người mới. Ngoài ra, sự xuất hiện của một HLV mới luôn mang đến sinh khí đặc biệt (đến mức khó lý giải) ở Chelsea.
10 năm qua, Chelsea không gắn bó với HLV nào quá 3 năm, nhưng vẫn giành 2 Champions League, 2 Europa League và vô địch Ngoại hạng Anh 2 lần.
Chelsea mang về nhiều tân binh chất lượng như Koulibaly, Fofana, Sterling hay Aubameyang.
Văn hóa thải loại HLV mang lại thành công cho Chelsea, tuy nhiên, đây không phải "thuốc thần". Theo báo chí Anh, Chelsea đang liên hệ với HLV Graham Potter của Brighton & Hove Albion, nhưng rất khó để chiến lược gia này chia tay một đội bóng đang đi đúng hướng để về Chelsea, chấp nhận nguy cơ có thể bị sa thải bất cứ lúc nào.
Những lựa chọn còn lại là Mauricio Pochettino, Zinedine Zidane đều không khả quan, còn Marcelo Bielsa, Brendan Rodgers chưa chắc làm tốt hơn Tuchel, trong bối cảnh hiện tại của Chelsea. Dường như CLB này chưa có một kế hoạch rõ ràng sau khi sa thải Tuchel. Đây là điều khác biệt của Chelsea hiện tại so với những lần thay HLV trước đó.
Giới chủ Mỹ muốn tìm một chiến lược gia phục vụ kế hoạch dài hạn, nhưng đa số các HLV giỏi đều đã có bến đỗ, hoặc đều thuộc mẫu có cá tính (Pochettino, Zidane). Liệu HLV này có làm tốt hơn Tuchel? Không ai có thể đảm bảo.
"Todd Boehly và các đồng sở hữu CLB muốn thiết lập nên một văn hóa mới tại Stamford Bridge, đó là người được chọn, từ HLV cho đến các cầu thủ phải toàn tâm toàn ý với dự án lâu dài được vạch ra của ban lãnh đạo. Điều này được minh chứng qua phong cách ký hợp đồng thời hạn 6 năm với một số cầu thủ. Giới chủ Mỹ muốn tất cả các bộ máy chuyên môn phải gắn kết cùng nhau và Tuchel vì thế cũng phải tham gia vào mọi khâu trong bộ máy đó", Telegraph phân tích.
Cũng theo báo này, ban đầu, Boehly và các đồng sỡ hữu vạch ra kế hoạch đặt niềm tin lâu dài vào Tuchel. Bằng chứng là việc họ trao quyền nhiều hơn cho HLV người Đức trong khâu chuyển nhượng của CLB, sẵn sàng chi đậm để mang về các tân binh. Từ đó, Tuchel có nhiều trọng trách hơn so với các đời HLV trước đây dưới kỷ nguyên Roman Abramovich.
Tuy nhiênn, sau 100 ngày làm việc và giới chủ mới cảm thấy mối quan hệ hợp tác này không thể kéo dài lâu. Boehly và các đồng sự cho rằng Tuchel có vẻ hợp hơn với phong cách làm việc kiểu 'phân chia chức năng quản lý' của đời chủ cũ (tức là HLV chỉ tham gia huấn luyện, không làm các công việc ngoài quyền hạn).