Báo Người Lao Động tìm về căn nhà nhỏ của gia đình Trần Thạch Trọng Nghi (18 tuổi, cựu học sinh lớp 12A3, Trường THPT Bạc Liêu) nằm trong một con hẻm trong khu bến xe Bạc Liêu (phường 7, TP Bạc Liêu).
Tiếp xúc với chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm ở con hẻm khu bến xe Bạc Liêu (phường 7, TP Bạc Liêu), Trọng Nghi cho biết kết quả thi tốt nghiệp của em là 6,23 điểm và điểm xét tuyển đại học là 16 điểm. Hiện, em và gia đình đang chờ kết quả xét tuyển vào ĐH Y dược Cần Thơ.
Trọng Nghi là con cả trong gia đình có 2 anh em. Năm lên lớp 7, trong một lần học môn thể dục, không may Nghi bị gãy xương bánh chè, sau đó em được đưa lên một bệnh viện tại TP HCM điều trị thì gia đình tá hỏa khi biết Nghi mắc phải chứng bệnh xương thủy tinh.
Nghi được một chiến sĩ công an cõng vào phòng thi THPT quốc gia vừa rồi.
Từ ngày mắc bệnh, những cơn đau khắp cơ thể hành hạ Nghi. Đã rất nhiều lần bị gãy xương và trải qua hàng chục lần phẫu thuật nhưng đến nay Nghi vẫn không khỏi bệnh. Gần 5 năm qua, Nghi phải sống và học tập trong điều kiện sức khỏe yếu ớt, thường xuyên oằn mình với những cơn đau nhức khắp cơ thể. Gần đây, Nghi lại mang trong mình căn bệnh hở van tim và suy thận.
Do đi lại rất khó khăn, Nghi không thể nào đi học ở các lớp bồi dưỡng với các bạn khác. Nam sinh này đã chọn cho mình cách tự học và hiểu bài ngay trên lớp hoặc về nhà tự tìm hiểu trên máy tính cá nhân của mình. Dù vậy, học lực của Nghi vẫn khá giỏi.
"Ước mơ của mình sau này sẽ trở thành dược sĩ. Nhưng ước mơ đó xin đành tạm gác lại vì hiện nay căn bệnh xương thủy tinh không cho phép mình tiếp tục học nữa", Nghi nói trong nghẹn ngào.
Căn bệnh xương thủy tinh quái ác khiến Nghi luôn sống trong đau đớn.
Bà Thạch Ngọc Loan (mẹ của Nghi), cho biết sau khi kết thúc kì thi THPT quốc gia được một ngày thì gia đình phải đưa Nghi lên Trung tâm xương thủy tinh tại quận 12 (TP HCM) điều trị. Tại đây, các bác sĩ khuyên nên tập trung chữa trị vì hiện nay sức khỏe của Nghi không tốt. Nghi không thể nào ngồi và đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, vệ sinh thân thể phải nhờ sự giúp đỡ của mẹ và em gái.
"Vào cái đêm trước kì thi tốt nghiệp, Nghi đột nhiên đau khắp cơ thể suốt đêm, không ngủ được. Sáng ra, Nghi nói với tôi bảo bác sĩ chích thuốc giảm đau để được đi thi. Dù gia đình cố khuyên bảo nhưng cháu vẫn cương quyết đi thi cho bằng được. Tôi nhìn con mà đau xót lắm", bà Loan nói trong nước mắt.
Tự học ở nhà nhưng Nghi luôn đạt thành tích học tập khá, giỏi.
Thương con, nhưng bà Loan giờ đây cũng đành bất lực khi căn bệnh của Nghi vẫn chưa thể nào khỏi. Bà chỉ mong có một phép màu đến với con trai bà để ước mơ của Nghi sẽ thành hiện thực.