Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rau ngót có tác dụng gì với sức khoẻ?

(VTC News) -

Rau ngót là một trong những loại rau quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, vậy rau ngót có tác dụng gì?

Rau ngót là một trong những loại rau phổ biến ở Việt Nam. Rau ngót rất ngon và tốt cho sức khoẻ. Vậy nhưng rau ngót có tác dụng gì?

Tác dụng của rau ngót

Báo VnExpress dẫn lời lương y Bùi Hồng Minh, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết, lá rau ngót tính mát lạnh nên nấu chín sẽ bớt lạnh, ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc còn lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ.

Rễ rau ngót vị hơi đắng. Cả lá và rễ cây ngót đều có tác dụng với sức khỏe. Lá rau ngót chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc. Rễ rau ngót còn lợi tiểu, thông huyết.

Dưới đây là những tác dụng của rau ngót với sức khoẻ:

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Đoàn Hồng – Chuyên khoa Dinh dưỡng cho biết, rau ngót được biết đến với công dụng rất tốt với phụ nữ cho con bú, vì nó có khả năng khai thông và tăng tiết sữa.

Không chỉ vậy, lá ngót còn chứa nhiều chất và thành phần tự nhiên có lợi cho sức khỏe như protein, các vitamin A, B, C và khoáng chất như Ca, Sắt, kẽm,… Ngoài ra rau ngót có các lợi ích khác như sau:

Tăng sản xuất sữa mẹ

Trong lá rau ngót chứa estrogen, hàm lượng estrogen này cung cấp tác dụng nội tiết tố có thể kích hoạt sản xuất sữa mẹ dồi dào hơn, do đó nó rất có lợi cho các bà mẹ đang cho con bú.

Cải thiện chất lượng tinh trùng

Ăn rau ngót rất được khuyến khích cho các cặp vợ chồng muốn có con sớm, đặc biệt là với nam giới. Điều này là do lá rau ngót chứa các hoạt chất có thể kích thích sản xuất hormon testosrerol, tăng cường sức khỏe tình dục nam giới cũng như tăng chất lượng và số lượng tinh trùng.

Rau ngót rất tốt cho sức khoẻ

Bổ sung chất chống oxy hóa

So với một số loại rau khác, rau ngót được biết đến là có hàm lượng chất chống oxy hóa cao bao gồm polyphenol và các chất chống oxy hóa khác, chức năng bảo vệ các tế bào cơ thế khỏi bị tổn thương và viêm do các gốc tự do gây ra.

Rau ngót chứa nhiều vitamin C

Lá rau ngót chứa vitamin C có thể giúp hình thành collagen, đây là loại protein quan trọng cần thiết cho các tế bào da để phục hồi vết thương. Bằng cách ăn rau ngót thường xuyên có thể giúp cho quá trình chữa lành da để thời gian phục hồi cần thiết nhanh hơn nhiều.

Ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn

Chiết xuất ethanolic trong rau ngót có thể ngăn ngừa viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết do nhiễm vi khuẩn klebisella pneumonia và staphylococcus auerus.

Thông thường, hai loại vi khuẩn này sống trong ruột và mũi của con người với số lượng vô hại. Nhưng trong một số điều kiện khi sự phát triển không được kiểm soát và gây nhiễm trùng, bạn có thể hỗ trợ điều trị bằng cách ăn rau ngót.

Giảm lượng đường trong máu

Một nghiên cứu chỉ ra rằng rau ngót chứa chất giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, vì vậy chúng có thể làm giảm lượng đường huyết trong cơ thể.

Ngăn ngừa béo phì

Cũng giống như các loại rau xanh khác, rau ngót cũng chứa hàm lượng các chất tự nhiên như flavonoid, chất xơ và nước có thể khiến bạn no lâu, do đó ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều. Ngoài ra, ăn rau ngót cũng cho phép bạn kiểm soát cân nặng của mình, vì cứ 100 gam rau ngót thì chỉ có 1 gam chất béo.

Tốt cho mắt

Nhờ hàm lượng cao β-carotene tiền chất của vitamin A nên rau ngót giúp ngăn ngừa các rối loạn về mắt và đặc biệt tốt cho sức khỏe của mắt.

Rau ngót có loại rau ngót quế và rau ngót thường. Rau ngót quế sẽ nhanh nhừ, mềm hơn rau ngót thường. Nhìn chung, rau ngót quế có hình dáng tương đối giống với rau ngót ta, tuy nhiên lá của rau ngót quế nhọn hơn và có màu xanh nhạt hơn lá rau ngót ta.

Về chất dinh dưỡng và công dụng với sức khỏe, rau ngót quế và rau ngót ta không có sự khác biệt nhiều.

Những điều cần lưu ý khi ăn rau ngót

Rau ngót tuy tốt cho sức khoẻ nhưng cần lưu ý những điều dưới đây:

Theo bác sĩ Lê Thân trong sách "Thuốc ở quanh ta", rau ngót tươi có chứa hàm lượng papaverin cao gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, khiến dễ sảy thai. Vì vậy với thai phụ, đặc biệt là với những thai phụ tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót, đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.

Ngoài việc hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể, trong quá trình trao đổi chất của lá rau ngót tạo ra glucocorticoid, có thể gây cản trở cho quá trình hấp thụ canxi và phốt pho, cả canxi và phốt pho trong chính lá rau ngót cũng như trong thực phẩm khác được ăn kèm với rau ngót.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Tin mới