Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Rác thải công nghệ bay bổng trên toan

(VTC News) -

Việc sử dụng các mảng bo mạch rác thải làm chất liệu cho tác phẩm là bước ngoặt ngoạn mục để họa sĩ Nguyễn Sơn kể về thế giới qua triển lãm“Ma trận”.

Nguyễn Sơn giải thích, Ma trận - một thuật toán, chính là cơ sở cho việc phát triển đi đôi với kiểm soát các sáng tạo công nghệ mới. Còn người thưởng lãm tác phẩm của anh nhìn thấy sự bay bổng từ những khối bo mạch đổ màu uyển chuyển.

Một trong bộ ba tác phẩm  điêu khắc “Ý niệm về sự thăng bằng”.

Rác bo mạch tỏa sáng

Sau hàng chục năm làm nghề kiến trúc, bôn ba sống ở nước ngoài, Nguyễn Sơn quyết định quay trở lại với đam mê hội họa. Ban đầu anh vẽ tranh sơn dầu, acrylic có hơi hướng tân biểu hiện pha siêu thực, bày tỏ cảm xúc buồn, bế tắc trước những tiêu cực của xã hội và môi trường.

Cách đây 3 năm, vô tình nhìn thấy một phụ nữ thu mua phế liệu đang gom hàng đống bảng bo mạch cũ, Sơn nảy ý tưởng đưa chúng lên toan. Làm việc cùng mớ bòng bong rác thải công nghệ, Sơn nhận thấy mình vừa có thể thỏa chí sáng tạo, vừa có thể kiểm soát được sự hỗn loạn, vô trật tự của chất liệu, biến rác thải vô ích thành hữu ích.

Với chất liệu mới, anh có thể tự do bày tỏ các ý niệm. “Tôi như nắm được ma trận của lòng người, ma trận của khủng hoảng văn hóa xã hội, sự nhốn nháo của qui hoạch, giao thông, môi trường…”, anh chia sẻ.

Họa sĩ không còn phải chú tâm vào việc tìm hình, tìm ý nữa mà mê mải kết nối các mảng bo mạch sao cho có logic. Sau đó, anh dùng màu acrylic để tạo nghĩa mới cho các mảng bo mạch.

Tác phẩm Sức nén đô thị” Thời đại 4.0 gây ấn tượng mạnh với việc sắp đặt hai khối bo mạnh đồ sộ ép vào  giữa một "biển” đầu người chồng chéo lên nhau. “Con người đang không kiểm soát được sức mạnh của công nghệ và đô thị”, là điều họa sĩ muốn kể.

Bằng hai mảng bo mạch đen và trắng tan chảy vào nhau trong tác phẩm Âm /Dương, Nguyễn Sơn dịu dàng kể về tình yêu và cảm xúc. Những khối bo mạch bọc lõi sắt khối mà vẫn nhẹ bay trong bộ ba tác phẩm điêu khắc Ý niệm về sự thăng bằng.

Tác phẩm "Thời đại 4.0" của họa sĩ Nguyễn Sơn.

Từ “Mù khơi” đến “Ma trận”

Đến dự triển lãm Ma trận, nhiều bạn học thời sinh viên Kiến trúc bày tỏ sự ngưỡng mộ với “ông bạn Sơn đa tài”. Sau khi tốt nghiệp đại học, Sơn từng có 10 năm làm ở Viện Kiến trúc, rồi chuyển ra mở công ty khá thành công. Sau này, anh từng đi học nâng cao tại Anh, cùng gia đình dự định ở lại bên đó làm nghề nhưng không thành. Bù lại, Sơn học thêm được một khóa về kỹ thuật vẽ.

Ngoài công việc kiến trúc sư, bạn bè còn biết đến Sơn là võ sư, nhiếp ảnh gia, và nhạc sĩ. Âm nhạc cũng từng là “sự cứu rỗi” với Nguyễn Sơn như hội họa hiện tại. Trạng thái “mù khơi” trong  album Không gian mù khơi dường như có sự tương đồng với “ma trận” trong hội họa. Nghệ sĩ được giải thoát khỏi cảm xúc tiêu cực khi sáng tạo đồng hành với những hỗn độn khó nắm bắt.

Sơn từng thổ lộ: “Làm tranh kiểu này đầy khoái cảm, như bị say, quên đi nắng nóng mưa dầm, muỗi đốt, tiếng ồn mùi ô nhiễm, cứ xong bức nào thì lại cuốn kỹ cất đi”. Số lượng tác phẩm của anh đủ để mở liền 2 triển lãm, nhưng lần này Vicas Art Studio (Trung tâm Hỗ trợ Nghệ thuật đương đại) chọn trước 50 tác phẩm với một nửa là tranh acrylic, nửa còn lại là bo mạch. Có nhà sưu tập lớn đã chọn mua 4 bức acrylic.

6 năm chuyên tâm vào hội họa, Nguyễn Sơn giao phó hoàn toàn công ty kiến trúc của gia đình cho vợ điều hành. Anh kể về vợ với sự biết ơn đặc biệt: “Tôi bán một cái nhà để theo đuổi nghệ thuật mà cô ấy vẫn tin tưởng ở đam mê mù mịt của chồng”. Với mấy tác phẩm cần đến tạo hình hàng trăm đầu người, anh kể “cả nhà tôi lao vào nhào bột nặn tò he mất vài tuần”.

Lan Hương

Tin mới