Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển 5G?

"Chúng ta cứ để những công nghệ mới như 5G tự phát triển hay các Chính phủ cần phải có hành động cụ thể hơn", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu câu hỏi.

Sáng 22/3, phát biểu tại Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ 5 (5G) do Bộ Thông tin - Truyền thông chủ trì và tổ chức, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, 5G cộng với các công nghệ khác giúp cho các cá nhân tiếp cận thông tin nhanh hơn, phục vụ cho các nhu cầu sống, giải trí mà còn giúp mọi người sáng tạo tốt hơn. Điều quan trọng nhất là giúp mỗi người thực sự là trung tâm của sự phát triển bền vững bằng sự sáng tạo cá nhân của mình.

Các doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến tập đoàn đa quốc gia khi ứng dụng công nghệ 5G sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Nhưng trong thời gian đầu triển khai công nghệ mới này chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, rủi ro đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cá nhân, tổ chức kinh tế…

“Chúng ta cứ để những công nghệ mới như 5G tự phát triển hay các chính phủ cần phải có hành động cụ thể hơn? Làm sao để hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp khác tự tin sử dụng các dịch vụ, công nghệ mới, bớt rủi ro hơn trong những bước ban đầu?”, Phó Thủ tướng nêu câu hỏi.

Phó Thủ tưỡng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Việt Vũ) 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nhìn lại lịch sử các bước phát triển công nghệ thông tin - truyền thông đều thấy rõ một điều, mỗi một cá nhân doanh nghiệp, mỗi một tổ chức mỗi, một một dân tộc, mỗi một cộng đồng khu vực đều đứng trước sự thay đổi tiến bộ công nghệ, nếu ai chủ động và thuộc những nhóm tiên phong đi đầu thì kết quả đều là những cá nhân, tổ chức, những dân tộc, những khu vực sau này sẽ gặt hái được thành công.

"Nhìn lại từ mạng 2G, 3G và đến 4G, trong thời gian đầu, khu vực ASEAN mới chỉ là đối tác thụ hưởng công nghệ. Dần dần với sự phát triển của các nước ASEAN, sự thay đổi của khoa học công nghệ, một số nước ASEAN ngày càng chú trọng hơn đến nghiên cứu, phát triển, sản xuất các thiết bị phần cứng cũng như phần mềm. Các hệ thống CNTT, dịch vụ viễn thông có sự đóng góp ngày càng nhiều về trí tuệ, công nghệ từ các nước ASEAN", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng tin tưởng với sự bắt đầu của công nghệ 5G, các nước ASEAN có thể hợp tác chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau và với các nước đối tác ASEAN để đóng góp nhiều hơn cho công nghệ 5G so với các công nghệ trước đó.

Các nước ASEAN cần hỗ trợ và liễn kết với nhau

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát triển mạng 5G. Nền kinh tế số với những mô hình và phương pháp kinh doanh mới đang tạo ra những cơ hội lớn cho các tổ chức và doanh nghiệp.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.

Các công nghệ mới đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng được kết nối tốt hơn và phân phối hiệu quả hơn, đồng thời giảm chi phí hậu cần và giao dịch; thông qua trao đổi trực tuyến sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để tận dụng cơ hội to lớn mà 5G đem lại, các nước ASEAN phải liên kết lại với nhau trên tinh thần “cùng làm, cùng phát triển”, nhằm tạo ra một ASEAN số: Một thị trường ICT chung cho ASEAN, một khung chính sách ICT chung cho ASEAN, một ASEAN phẳng về roaming, một trường đại học ICT của ASEAN, một trung tâm đổi mới sáng tạo của ASEAN và một trung tâm của ASEAN về an ninh không gian mạng.

“Khi một cái mới xuất hiện thì cách học hỏi tốt nhất là cùng nhau chia sẻ. Khi chia sẻ thì một tri thức mới được sinh ra. Các nước ASEAN có nhiều nét tương đồng. Về phát triển ICT thì lại càng có nhiều nét tương đồng hơn, bởi vậy chúng ta sẽ cùng phát triển hệ tri thức ICT ASEAN”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Công nghệ thông tin thế hệ thứ 5 (5G) là trụ cột, là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số. 5G với những tính năng vượt bậc như: băng rộng, tốc độ rất cao, mật độ kết nối truyền thông không dây rất cao, độ trễ thấp, đáp ứng nhanh... Đây là những nhân tố đóng vai trò nền tảng quan trọng trong thời đại kinh tế số.

Tại Việt Nam, ngay từ đầu năm 2019 Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã triển khai cấp phép tần số cho các doanh nghiệp để triển khai thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP.HCM.

Việt Nam hiện nay cũng đang tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất thiết bị IoT, thiết bị viễn thông, chipset 5G,camera giám sát... Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN để thành lập liên doanh và các nhà máy sản xuất công nghệ thông tin - truyền thông; đồng thời Việt Nam cũng sẵn sàng mở và chia sẻ tất cả các bí quyết công nghệ với các quốc gia khác để tất cả các thành viên ASEAN có thể làm chủ các thiết bị đảm bảo an ninh mạng quốc gia.

“Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, một công nghệ mới như 5G xuất hiện thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước ASEAN chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận”, ông Hùng nhấn mạnh.

Hội nghị ASEAN về 5G, diễn ra ngày 21-22/3 tại Hà Nội, là một trong các sáng kiến của Việt Nam nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Hội nghị cũng thảo luận những khó khăn, thách thức mà ASEAN sẽ phải đối mặt và cần phối hợp khi triển khai xây dựng hệ sinh thái cho mạng 5G (5G Ecosystem).

Việt Vũ

Tin mới