Sinh tử là một trong những bộ phim chính luận thu hút được sự chú ý rất lớn của khán giả xem truyền hình. Xem phim Sinh tử, ngoài nhân vật Bí thư Văn Thành Nhân, Phó Bí thư Bích Hiền diễn xuất sinh động, người ta còn thấy một NSND Hoàng Dũng với vai diễn Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nghĩa y hệt nhiều ông Chủ tịch tỉnh ngoài đời.
Nhiều người nhận xét, ông xuất thần trong vai diễn này. Diễn xuất của ông thật tài tình, lột tả chân thực vị quan đầu tỉnh ở nhiều địa phương ngoài đời.
Xem phim mà cứ ngỡ đang chứng kiến những gì đang diễn ra đối với một ông Chủ tịch tỉnh đích thực, có cảm giác chính NSND Hoàng Dũng từng làm Chủ tịch tỉnh.
- Xin lỗi, dù ông là NSND, nhưng vẫn xin được hỏi, điều gì khiến ông vào vai Chủ tịch tỉnh "ngọt" đến vậy?
Trước khi nghỉ hưu, tôi từng là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội trong suốt 10 năm. Tôi cũng có chút kinh nghiệm trong việc điều hành, kết nối và vận hành các bộ phận trong Nhà hát. Tôi cũng được tiếp xúc với nhiều văn bản của nhà nước, những quy định, nghị định của chính phủ. Vì thế, tôi có sự tự tin, sự hiểu biết nhất định trong vấn đề quản lý.
Bên cạnh đó, là diễn viên nên tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều dạng người trong xã hội, trong đó có cả những người giữ chức vụ quản lý trong bộ máy nhà nước.
Mỗi người tôi gặp đều có những nét để tôi học hỏi. Đó là sự tự tin, tháo vát, tận tụy trong công việc. Những hành động của họ, đôi khi rất bình thường nhưng lại toát lên sự quyền uy. Với người nghệ sĩ, những cuộc gặp ấy là chất liệu để họ lưu giữ lại, khi cần có thể lấy ra sử dụng.
Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn ỷ lại vào kinh nghiệm hay những hiểu biết của mình trước đó. Khi đọc kịch bản phim Sinh tử, tôi lại tìm hiểu rất kỹ từng vấn đề được đề cập trong kịch bản. Có thể nói, đó đều là những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống hiện nay.
Tôi cũng nghiên cứu kỹ cách xử lý của những quan chức ngoài đời thường có liên quan tới những vấn đề đó. Tôi lấy của người này một chút, người kia một chút, cộng thêm với sự hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân để tạo ra nhân vật Chủ tịch Trần Nghĩa.
Đó là điều mà vì sao khán giả khi xem phim, họ có nhắn cho tôi rằng, họ thấy bóng dáng của vị quan chức này, quan chức kia trong vai diễn của tôi.
NSND Hoàng Dũng thể hiện vai Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa trong "SInh tử"
- Khắc họa thành công nhân vật Chủ tịch tỉnh, chắc hẳn ngoài đời ông có nhiều bạn bè giữ chức vụ này?
Công việc của diễn viên cho tôi cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người, trong số đó, có một số người giữ chức vụ quản lý tại các cơ quan nhà nước. Trong những cuộc gặp đó, giống như thói quen của người làm nghệ thuật, tôi luôn quan sát cách cư xử, nói năng, hành xử của họ. Tôi chắt lọc ở mỗi người một chút và sử dụng cho nhân vật Trần Nghĩa.
- Là nghệ sĩ, nhưng ông hiểu chuyện chính trị, hiểu sự vận hành của hệ thống chính trị ở tỉnh như nhân vật Trần Nghĩa mà ông đảm nhận? Có khi nào, ông từng ước mơ trở thành chính trị gia?
Để hiểu một cách cặn kẽ như nhân vật Trần Nghĩa trong phim Sinh tử thì chắc chắn là không. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu phần nào cơ chế quản lý, hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tôi nghĩ để một người diễn viên hoàn thiện được trọn vẹn vai diễn của mình, chắc chắn họ phải hiểu được tính cách của nhân vật, vị trí của nhân vật và mối quan hệ của họ với những nhân vật khác.
Còn ước mơ làm chính trị gia thì thú thực tôi chưa từng. Tôi biết tính cách của mình. Tính tôi thích sự phóng khoáng nên chỉ có thể hợp với lĩnh vực nghệ thuật.
- Ông từng chia sẻ, ông rất thích nhân vật Trần Nghĩa của phim "Sinh tử". Cụ thể, ông thích điều gì ở nhân vật này?
Khán giả nhắn cho tôi rằng, họ thấy bóng dáng của vị quan chức này, quan chức kia trong vai diễn của tôi.
NSND Hoàng Dũng
Trần Nghĩa là nhân vật rất thú vị. Đó là một nhân vật không đơn sắc, không một chiều, không mô phạm. Ông ta có cái tốt, có cái xấu. Trong sâu thẳm con người này, ông luôn muốn cho quê hương thay đổi, phát triển nhưng cách ông ta thực hiện mong muốn đó lại có nhiều cái không ổn.
Khi đọc kịch bản, tôi nhận thấy có những câu thoại mà tôi có thể bám chặt vào đó để xây dựng nhân vật Trần Nghĩa. Đó là khi ông tuyên bố: "Muốn cho Việt Thanh thay đổi mà tỉnh không mất một xu" hay "Doanh nghiệp là nhà buôn, nhà kinh doanh. Họ thấy có lãi nó mới vào. Không tạo điều kiện đủ cho họ làm, không bao giờ họ làm".
Nhân vật Trần Nghĩa là người "tích cực quá hóa tiêu cực", chứ bản chất ông ta không phải là một quan tham.
NSND Hoàng Dũng khắc họa rất thành công nhân vật Chủ tịch tỉnh Trần Nghĩa trong phim "Sinh tử".
- Chủ tịch Trần Nghĩa là một nhân vật hay nhưng rất khó để thể hiện. Ông làm cách nào để có thể hóa thân trọn vẹn vào một nhân vật phức tạp như thế?
Tôi phân tích rất kỹ nhân vật, từ xuất thân lẫn tính cách của ông ta. Cùng là Chủ tịch tỉnh nhưng tôi tin, người đứng đầu Thủ đô sẽ khác với những người đứng đầu các tỉnh khác. Chủ tịch các thành phố lớn sẽ có tác phong khác Chủ tịch các tỉnh lẻ.
Trần Nghĩa là Chủ tịch một tỉnh nhỏ. Vì thế, có những lúc ông ta ăn nói theo kiểu đao to búa lớn, có chút quân phiệt và thiếu sự nho nhã, lịch thiệp.
Khi nghiên cứu kịch bản Sinh tử, tôi không chỉ dừng lại ở viên phân tích nhân vật của mình, mà còn tìm hiểu kỹ các nhân vật khác cũng như người sẽ đảm nhận các vai diễn đó.
May mắn cho tôi là trong dàn diễn viên Sinh tử, tôi đều quen biết, có dịp diễn chung, thậm chí có người từng là học trò hoặc từng là diễn viên do tôi quản lý. Tôi hiểu tư duy, trình độ, thói quen của các diễn viên mình đóng chung. Tôi hiểu con người họ, cách diễn của họ và tôi hiểu nhân vật của họ. Điều này khiến tôi chủ động hơn trong việc chọn lựa cách diễn xuất.
Khi diễn với bất cứ ai tôi cũng có niềm tin với họ. Tôi cũng tin, nếu mình diễn đúng, nhiệt tình, hết mình thì họ cũng sẽ diễn với mình như thế. Cùng tham gia một bộ phim, nếu các diễn viên không hiểu nhau, không có niềm tin với nhau thì khi diễn, dù có giỏi mấy cũng sẽ có lúc chuệch choạc.
Bên cạnh phân tích kịch bản, nhân vật, tìm hiểu bạn diễn, tôi cũng làm việc với ê-kíp rất kỹ về việc lựa chọn trang phục. Chủ tịch Trần Nghĩa là người tận tụy với công việc, hết lòng vì tỉnh Việt Thanh nên trang phục của ông cũng rất đơn giản. Ông thường mặc áo sơ mi nhưng là những chiếc gấu bằng, rộng và được để ngoài, không đóng thùng.
Bạn thấy vai diễn Chủ tịch Trần Nghĩa
Cả với những bộ đồ ngủ, tôi cũng lựa chọn rất kỹ. Nếu theo dõi 3 bộ phim gần đây tôi đóng, khán giả sẽ thấy tôi lựa chọn những bộ đồ ngủ theo tính cách của nhân vật. Với ông trùm Phan Quân trong Người phán xử là những bộ đồ ngủ đắt tiền, đơn màu. Với nhân vật ông bố trong Về nhà đi con là những bộ đồ ngủ hơi có hoa văn. Còn với ông Trần Nghĩa, đó là những bộ ngủ ngắn tay và được may bằng vải thô.
- Trong đoàn làm phim "Sinh tử", ông có thể coi là diễn viên gạo cội, là ngôi sao. Điều gì khiến ông phải đích thân lo từng cái nhỏ nhặt như thế?
Tôi không ỷ lại cho phục trang. Các bạn ấy còn trẻ, hiểu biết về cuộc sống hiện tại còn chưa đủ chứ chưa nói đến việc hiểu cuộc sống của những nhân vật có vị trí trong phim.
Tôi muốn nhân vật được chỉn chu nhất có thể. Tôi cũng không phải là người có hình thể chuẩn, đôi khi phải biết chọn những trang phục giấu đi được những hạn chế của mình.
Tôi tin, với người diễn viên, khi được mặc bộ trang phục ưng ý, đúng với tích cách, số phận của nhân vật, họ sẽ diễn thoải mái và thăng hoa hơn.
Video: Diễn xuất của NSND Hoàng Dũng trong phim "Sinh tử"
- Ông nhận thấy khán giả đón nhận vai diễn của ông như thế nào? Đặc biệt là với những quan chức đã, đang trải qua những khó khăn như ông Trần Nghĩa trong "Sinh tử"?
Các bạn ở VFC nói với tôi rằng, có rất nhiều người chia sẻ, họ thấy mình trong nhân vật Trần Nghĩa, nhiều người xem phim thấy ông Nghĩa sẽ khóc. Có nhiều người đang đương chức sẽ rút được kinh nghiệm cho mình.
Tôi lấy chất liệu trong cuộc sống để bồi đắp cho vai diễn của mình. Khi phim lên sóng, vai diễn của tôi lại có sức lan tỏa trở lại trong đời sống. Đó là điều quá hạnh phúc đối với một diễn viên như tôi.
- Phim "Sinh tử" đi tới các tập cuối. Thực lòng, ông có hài lòng với diễn xuất của mình trong phim?
Từ xưa tới nay tôi vẫn nói, có thể một vài đoạn nào đó trong phim, tôi cảm thấy ổn, chứ chưa bao giờ tôi hài lòng với vai diễn của mình trong bất cứ bộ phim nào. Sinh tử cũng không là ngoại lệ.
Không phải tôi khiêm tốn đâu, tôi không có kiểu khiêm tốn giả vờ. Nhưng sau khi xem lại những gì tôi đã làm, tôi lại nảy ra một ý khác, lại giá như chỗ này mình diễn thế này, chỗ kia thêm một chút.
Khi đóng xong phim, lần nào cũng có những đoạn khiến tôi tiếc nuối, giá như mình có thể thay đổi, mặc dù tôi là một trong những người chuẩn bị cho cảnh quay của mình rất kỹ.
- Sau các bộ phim, ông đón nhận sự khen chê của khán giả thế nào?
Hồi trẻ, tôi chỉ thích nghe khen lắm. Ai chê một chút cũng thấy rất nặng nề. Tuy nhiên, tới gian đoạn đủ tự tin, tôi bình tĩnh hơn khi đón nhận những lời khen chê.
Những lời khen, dĩ nhiên khiến tôi vui nhưng không còn khiến tôi quá xúc động. Những lời chê khiến tôi bình tĩnh nhìn nhận lại bản thân nhưng không còn khiến tôi hoang mang.
- Sau khi nghỉ hưu tại Nhà hát Kịch Hà Nội, lý do gì khiến ông liên tục tham gia vào các bộ phim hot của VTV như: "Người phán xử", "Về nhà đi con", "Sinh tử"...
Vì bây giờ tôi có thời gian. Trước đây, tôi muốn tập trung vào công việc quản lý, chăm lo cho công việc của Nhà hát.
Trong giai đoạn tôi còn là Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi vẫn nhận được rất nhiều lời mời đóng phim. Bạn có tin, có những ê-kíp tới mời và tôi từ chối, nhưng khi họ bước chân ra khỏi cửa, tôi thực sự muốn giữ họ lại và nói tôi đồng ý.
Bởi kịch bản họ đưa cho tôi có những trường đoạn mà tôi tin có thể trổ về mặt diễn xuất. Những kịch bản như thế, hiện nay không có nhiều đâu. Tới một kịch bản hay như Sinh tử, tôi cũng phải chắt chiu từng ly, từng tý mới có được những phân đoạn để mình trổ về diễn xuất.
Ấy thế mà tôi phải từ chối để tập trung cho công việc quản lý tại Nhà hát. Giờ tôi nghỉ hưu rồi, tôi được sống trọn vẹn với đam mê diễn xuất.
NSND Hoàng Dũng.
- Trong phim "Sinh tử", có những diễn viên từng là học trò của ông, là nhân viên của ông. Vậy ông có thể đánh giá thế nào về diễn xuất của họ trong phim này, chẳng hạn như Chí Nhân (Vai Trần Bạt), Việt Anh (Mai Hồng Vũ), Thúy Hà...
Vừa là thày, vừa là người quản lý nên tôi tiếp xúc, kèm cặp Chí Nhân rất nhiều. Tôi cũng diễn với Chí Nhân rồi. Tôi quan sát bạn ấy rất kỹ. Chí Nhân là diễn viên có điều kiện diễn tốt và yêu nghề.
Tuy nhiên, có thể vì một vài lý do nào đó Chí Nhân chưa khoe được hết khả năng diễn xuất của mình với khán giả. Tới phim Sinh tử, Nhân ý thức được đây là một bộ phim khó, từ thể loại, đề tài tới vai diễn nên tập trung hơn. Vai Trần Bạt đòi hỏi Nhân phải lớn hơn về tư duy lẫn cách diễn xuất. Với vai diễn này, Chí Nhân diễn vừa tới, không bị quá, diễn rất có duyên.
Việt Anh lại khoe được sự đa màu sắc, chững chạc chủ động trong diễn xuất với vai Mai Hồng Vũ. Với Phan Hải phim Người phán xử, Việt Anh dám phá phách trong cách diễn. Còn với Mai Hồng Vũ, Việt Anh bắt đầu diễn rất tinh tế.
Còn với Thúy Hà (vai Phó Bí thư Hiền) tôi là người chủ động mời bạn ấy về Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong quá trình làm việc, Thúy Hà thường xuất hiện trong những vở tôi dàn dựng và giành được một số huy chương trong các hội diễn. Vì thế, khi diễn chung trong phim Sinh tử, chúng tôi rất hiểu nhau.
- Vậy khi diễn chung với Chí Nhân và Việt Anh, ông thấy mình có thuận lợi gì?
Rất nhiều thuận lợi. Tôi hiểu con người họ, cách diễn của họ, tư duy làm nghề của họ nên dễ dàng chọn được cách diễn phù hợp. Ngược lại, các bạn rất có niềm tin vào tư duy và sự sáng tạo của tôi, cho nên các bạn ấy dễ hơn trong việc bắt nhịp khi diễn.
Diễn với người khác, các bạn ấy có thể chưa thật tin nên phối hợp có chỗ không chặt, hoặc bị quá hơn một chút.
Tôi là người lớn tuổi hơn, từng dạy các bạn ấy, từng là quản lý của các bạn ấy, chúng tôi coi như như bố con, mối quan hệ trong phim cũng tương tự thế, vậy nên trong ánh mắt của các bạn ấy khi diễn có sự phục tùng, kính nể.
Khi các bạn ấy tin tôi là bố, tôi sẽ tin các bạn ấy là con. Các bạn cư xử với tôi như người bố thì tôi cũng cư xử với các bạn ấy như những người con. Đó là lý do vì sao các bạn sẽ thấy, ông Trần Nghĩa thường xuyên tranh cãi, thậm chí là mắng chửi thậm tệ Trần Bạt nhưng đó vẫn là cuộc mắng chửi tranh luận giữa hai bố con, chứ không phải giữa những người ngoài xã hội.
Việt Anh - Chí Nhân đều là những học trò mà NSND Hoàng Dũng rất yêu quý.
- Ông cảm thấy thế nào trước sự trưởng thành của những học trò mà ông yêu quý?
Tôi vui vì thấy mình vun đắp và yêu thương đúng người. Ý thức làm nghề, tình yêu nghề của các bạn ấy rất tốt. Tôi yêu họ một phần nữa cũng vì tôi nhìn thấy chính tuổi trẻ, đam mê của tôi trong họ. Tôi cũng vui vì mình già rồi nhưng vẫn theo kịp tiết tấu sống của các bạn trẻ.
- Việt Anh, Chí Nhân đều là những người bị khán giả đánh giá là "có tài nhưng có tật". Có những thời điểm tài năng của họ lại bị lù mờ bởi những ồn ào trong cuộc sống riêng?
Những khúc mắc trong cuộc sống riêng là của các bạn ấy. Điều quan trọng là tôi nhận thấy các bạn ấy có năng khiếu, có điều kiện làm nghề và rất yêu nghề. Và đó là điều khiến tôi trân quý.
Cảm ơn ông!