Theo nghiên cứu được công bố hôm 5/5 trên tạp chí Nature Communications, hình ảnh và dữ liệu mới về các vách đá lộ thiên trên sao Hỏa tiết lộ bằng chứng đầu tiên về những dòng sông tồn tại hơn 100.000 năm trên bề mặt hành tinh này cách đây 3,7 tỷ năm.
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã sử dụng hình ảnh được chụp lại bởi máy ảnh HiRISE trên tàu quỹ đạo thăm dò ghi lại trên sao Hỏa để nghiên cứu một vách đá cao ở rìa phía tây bắc của lưu vực tác động Hellas tại bán cầu nam của sao Hỏa.
Vách đá cổ trên sao Hỏa. (Ảnh: NASA)
Từ những vết tích để lại trên vách đá, họ phát hiện ra bằng chứng về một hồ nước lớn, sông, đồng bằng châu thổ và kênh rạch. Các tảng đá cho thấy nước đã hiện diện bền vững và đáng kể trên sao Hỏa trong quá khứ.
Các nhà nghiên cứu sau đó thu hẹp sự tập trung của họ vào một vách đá cao 200 m. Các đá trầm tích của vách đá này ước tính khoảng 3,7 tỷ năm tuổi. Các lớp trầm tích tích tụ trên vách đá này tương tự như những gì mà chúng ta quan sát trong quá trình hình thành đá trầm tích trên Trái đất khi các dòng sông chảy qua nó. Để hình thành nó, cần phải có một dòng chảy tồn tại ở đó trong một thời rất dài.
"Những dòng sông hình thành nên những tảng đá này có thể đã hoạt động trong hàng chục cho tới hàng trăm nghìn năm", Tiến sĩ Joel Davis, tác giả nghiên cứu phân tích.
"Những hình ảnh có độ phân giải cao cho phép chúng tôi "đọc" những tảng đá như thể các bạn đang đứng rất gần vách đá", Francesco Salese, đồng tác giả nghiên cứu, nhà địa chất tại Đại học Utrecht (Hà Lan) cho hay.
Ông Salese và các cộng sự của mình tin rằng nghiên cứu này hết sức quan trọng vì nó giúp sáng tỏ hơn lịch sử của sao Hỏa, giống như việc các nhà địa chất sử dụng các lớp trầm tích trên Trái đất để tìm hiểu về quá trình hình thành của hành tinh chúng ta cách đây hàng tỷ năm.