Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông lão mù 10 năm nuôi vợ liệt giường

Lão từng là người hát rong. Mù từ thuở lọt lòng mẹ. Năm nay lão 71 tuổi và đã 10 năm nuôi người vợ nằm liệt giường.

Lão từng là người hát rong. Mù từ thuở lọt lòng mẹ. Năm nay lão 71 tuổi và đã 10 năm nuôi người vợ nằm liệt giường. Câu chuyện tình yêu của những con người dường như bị số phận bỏ quên này giản dị chỉ bằng câu nói: "Tôi mãi mãi bên bà...!". Chợt nghĩ, nói đúng hơn, số phận đã tặng họ món quà lớn nhất: Tình yêu.

"Anh mù còn đôi mắt của em"

Lão mù ấy tên Nguyễn Minh Phú, quê thôn An Phước, xã Bình Hoà, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Năm lên 14 tuổi, lão phải tự bươn chải ngoài đời để kiếm sống bằng nghề hát rong. Trên tay là cây đàn bầu, lão đã cuốc bộ đi khắp các vùng đất. Ở đâu cần tiếng hát, mê tiếng hát của lão là lão tìm đến mua vui cho dân làng. Nhận được chén cháo, chén cơm hay vài đồng bạc lẻ của những người “hâm mộ” hàng ngày “biếu”, lão thấy vui, đôi chân của lão như tiếp thêm sức lực, đưa lão bám trụ với nghề. 

Lão Phú có một biệt tài là tự biên, tự diễn những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng.... Giọng hát của lão nghe trong trẻo, cao vút.

Lão kể, thời đó, nào dám mơ tới một mái ấm gia đình, càng chẳng dám mơ tới con đàn cháu đống.

Lão mù Nguyễn Minh Phú đánh đàn hát cho người vợ bệnh nghe như thể chia sẻ nỗi đau cùng vợ. 

“Mình bị mù loà ai dám yêu thương mình. Vả lại cũng không muốn làm khổ người khác" - giọng nói của lão buồn hẩm buồn hiu. 

Không cầu lại được. Cần mẫn với nghề hát rong của mình trên khắp những nẻo đường làng rồi vào một ngày nọ, giọng hát của lão phi vút qua những ngọn tre làng đã làm say lòng một cô con gái còn ở độ tuổi đôi mươi non trẻ. Cô gái ấy nhà nghèo nhưng tốt bụng lại xinh xắn. Cô tên Nguyễn Thị Lồng nhà ở làng kế bên.

“Hôm đó, bà ấy mạnh dạn đến bên tôi rồi nói muốn theo tôi trọn đời. Tôi hỏi vì sao lại muốn ở bên cạnh một người mù loà như tôi, bà ấy nói vì bà ấy yêu tôi, yêu giọng hát của tôi. Tôi nói bị mù loà chẳng mang hạnh phúc tới cho em thì bà ấy bảo đôi mắt anh mù thì còn đôi mắt của em. Lúc đó tôi khuyên bà ấy nên tìm người khác mà xây dựng mái ấm nhưng bà ấy nằng nặc không chịu và đòi sống chết với tôi. Vốn cũng đã biết bà ấy và đã đem lòng yêu bà ấy từ lâu nhưng nghĩ thân phận mình nó hẩm hiu nên giấu trong lòng. Thấy bà ấy một lòng như vậy tôi cũng đành coi như đó là cái duyên tình. Và rồi, một thời gian sau, chúng tôi tổ chức một tiệc cưới đạm bạc và dắt về sống chung. Năm ấy tôi tròn 29 tuổi” – lão Phú kể lại.

Nên duyên vợ chồng, vợ chồng lão Phú lam lũ làm ăn. Ngày ngày lão vẫn ôm đàn đi hát rong. Vợ lão thì ra đồng làm ruộng. Rồi hai vợ chồng cũng lần lượt sinh được 4 người con.

“Cuộc sống thời đó kham khổ, nghèo túng đủ bề. Những khi xong vụ mùa, bà ấy lại cùng tôi đi hát rong mưu sinh” – khuôn mặt lão giãn ra khi nói về những ngày xưa ấy.

"Tôi mãi mãi bên bà"

Nuôi được 4 người con khôn lớn nên người cũng là lúc lão Phú không còn đủ sức để đi hát rong như thời trai trẻ. Chính quyền địa phương vận động lão không tiếp tục đi hát rong để giữ bộ mặt văn hoá cho làng xã cũng là lý do lão dứt hẳn với nghề.

Rồi một ngày cách nay tròn 10 năm, vợ lão đột nhiên đổ bệnh. Bao nhiêu gia sản một đời dành dụm lão dốc hết vào việc chữa trị bệnh cho vợ. “Đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Bệnh viện nói bà ấy bị Viêm não Nhật bản, rồi bại liệt thần kinh. Suốt 10 năm nay nằm một chỗ, một tay tôi chăm sóc. Thấy bà ấy không nói được, miệng chỉ í ới tôi xót lòng lắm. Phải chi trời thương đừng bắt bà ấy đổ bệnh, đừng cướp đi giọng nói của bà ấy” – lão Phú buồn bã.

Ngày ngày, lão ra rẫy làm đất, nuôi gà, nuôi vịt kiếm tiền trang trải cuộc sống cho hai vợ chồng, dù túng quẫn trăm thứ. Con cái lão cũng nghèo, không ai giúp được gì. Vợ chồng lão sống dựa vào nguồn tiền trợ cấp ít ỏi theo diện hộ nghèo hàng tháng mà lão nhận được.

Chưa thấy ai thương vợ như lão. Xong việc đồng áng, lão lại lo từng miếng ăn cho người vợ bệnh, tự tay quờ quạng tắm rửa, giặt giũ cho vợ. Rồi để người vợ già vui và thấy ấm cúng, lão lại mang cây đờn bầu cổ đã hơn 50 năm tuổi của mình ra đánh đàn và hát cho vợ nghe.

Hôm chúng tôi đến nhà lão, lão cũng đang đàn và hát bên giường vợ. Bà Lồng rưng rưng nước mắt. Khóc rồi bà Lồng lại cười, cười vì hạnh phúc. Cũng dễ hiểu thôi,  có được một “tình già” ấm cúng khi gần đất xa trời tiền bạc nào có thể mua được.

“Tôi chỉ mong ước sao một ngày nào đó vợ tôi bớt bệnh để vợ chồng cùng nhau sống nốt quãng đời còn lại. Bà ấy đã vì tôi quá nhiều” – mong ước của lão mù 71 tuổi chỉ giản dị như vậy.

Nói rồi lão quay sang nhìn vợ, tay ôm đàn ngân vang bài thơ giản dị nhưng đầy ắp nghĩa vợ chồng do chính tay lão viết động viên người vợ bệnh của mình:

“Nuôi vợ ốm đau chẳng phàn nàn

Cơm nước hàng ngày vẫn lo toan

Vệ sinh - cầu tiểu - lo bưng dẹp

Áo quần thay giặt sạch đàng hoàng

Lỡ khát – ơi ời – lo rót nước

Khuya sớm buồn vui chẳng thở than

Lâm trung gặp cảnh vai luôn gánh

Trọn tình, trọn đạo – nghĩa tào khang”


Hai vợ chồng lão nhìn nhau, ứa nước mắt. Lão Phú siết chặt tay bà Lồng, cất giọng ấm áp: “Tôi mãi mãi bên bà!”.

Theo Sỹ Phượng/Bee

Nguồn:

Tin mới