Ngày 6/8, nhiều hồ thủy điện phía Bắc đã phải xả lũ để điều tiết nước, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập.
Cụ thể, lưu lượng nước về hồ Lai Châu ngày 6/8 cao nhất đạt 1.800 m3/s. Lúc 15h40 ngày 6/8, mực nước hồ dâng cao 294,12m. Để điều tiết, duy trì mực nước không vượt quá mực nước dâng bình thường (295,00m), nhà máy thủy điện đã phải mở cửa xả tràn.
Theo dự kiến, nếu lượng nước về hồ tiếp tục tăng nhanh, vào lúc 5h ngày 7/8, nhà máy sẽ tiếp tục mở cửa xả với tổng lưu lượng xả từ 546 đến 1.800 m3/giây.
Ngày 6/8, lưu lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình đạt 3.776 m3/giây, tổng lượng nước xả là 2.286 m3/giây. (Ảnh: EVN).
Tương tự, các hồ thủy điện khác cũng trong cảnh phải xả nước lũ.
Cụ thể, lượng nước đổ về hồ thủy điện Sơn La ngày 6/8 đạt 3.522 m3/giây, tổng lượng xả của hồ này là 858 m3/giây; Lưu lượng nước về hồ Hòa Bình đạt 3.776 m3/giây, tổng lượng nước xả là 2.286 m3/giây; Lượng nước về hồ Huội Quảng (Lai Châu) là 1.060 m3/giây, tổng lượng xả là 1.060 m3/giây; Lượng nước về hồ Trung Sơn (Thanh Hóa) đạt 1.724 m3/giây, tổng lượng nước xả là 1.724 m3/giây.
Tại khu vực miền Trung, lượng nước về hồ thủy điện cũng dâng cao nhanh chóng. Nước đổ về thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) đạt 560 m3/giây, tổng lượng nước xả là 500 m3/giây và một số hồ khác như hồ Sông Tranh 2 (Quảng Nam), hồ Sông Hinh (Phú Yên) cũng bắt đầu xả, tuy nhiên chưa đáng kể…
Trước đó, chiều 5/8, Công ty TNHH thủy điện Mê Kông II đã có thông báo đến chính quyền và người dân khu vực hạ du về việc tăng lưu lượng xả tràn điều tiết qua hồ chứa thủy điện Đắk N’Teng (Đắk Nông). Hiện hồ chứa Đắk N’Teng đang xả điều tiết nước về hạ du với lưu lượng hơn 70 m3/giây.
Việc tăng lưu lượng nước qua tràn của thủy điện Đắk N’Teng là thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông và Sở Công Thương nhằm ảo đảm dung tích phòng lũ, đề phòng hồ chứa Đắk N’Ting phía trên có tình huống xấu xảy ra.
Hồ chứa nước Đắk N’Ting, ở bon N’Ting, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đang bị nứt thân đập, nhiều vị trí trên cầu qua tràn bằng bê tông bị xô lệch, nứt gãy buộc xã Quảng Sơn phải di dời khẩn cấp toàn bộ các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở tại hạ du công trình.
Trước đó, tối 2/8, các hồ Thủy điện Nậm Mô và Bản Ang (Nghệ An) cũng đã tiến hành xả nước.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tổng công ty Phát triển Năng lượng Nghệ An đã có thông báo về việc xả nước hồ chứa Thủy điện Nậm Mô. Thời gian xả nước vào lúc 21h ngày 2/8; lưu lượng xả khoảng 140 m3/s đến 300 m3/s.
Hồ chứa Thủy điện Bản Ang cũng xả nước vào lúc 19h30 ngày 2/8; lưu lượng xả khoảng 200 m3/s đến 500 m3/s.
Trong khi đó, tại Thủy điện Bản Vẽ những ngày gần đây do thượng nguồn có mưa to liên tục nên lưu lượng nước về hồ thủy điện lớn, mực nước lòng hồ đã cao hơn mực nước chết 15m.
Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc thuỷ điện Bản Vẽ cho biết: “Hiện nay, nước lũ về, chúng tôi đang tiếp tục cập nhập lưu lượng. Tuy nhiên, mực nước trong hồ đã cao hơn 15m so với trước đây, đạt khoảng 172 m”.
Cách đây khoảng 1 tháng, nắng hạn gay gắt kéo dài đã khiến lượng nước về hồ thủy điện Bản Vẽ thấp kỷ lục, mực nước trong hồ cận kề mực nước chết (155m). Do đó, nhà máy thủy điện Bản Vẽ chỉ phát điện cầm chừng theo lượng nước chảy về hồ.
Khoảng 1 tuần nay, mưa lớn liên tục ở thượng nguồn đã bổ sung lượng nước đáng kể cho hồ thủy điện Bản Vẽ. Đơn vị đang tích cực tích nước để đạt đến cao trình tối đa 200 m. Với cao trình này, dung tích nước trong lòng hồ là 1,3 tỉ m3.
Nhiều nhà máy thủy điện ở Nghệ An có công suất, dung tích lòng hồ nhỏ cũng đã phải xả lũ chỉ sau thời gian ngắn có mưa ở thượng nguồn như Khe Bố (Tương Dương), thủy điện Chi Khê (Con Cuông), thủy điện Bản Ang (Tương Dương)...