Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Ni cô Huyền Trang' Thanh Loan: Không cát-sê, được đóng phim là hạnh phúc rồi

(VTC News) -

"Tôi đóng Biệt động Sài Gòn khi là phát thanh viên của Truyền hình Công an, ngoài lương cơ quan, tôi có thêm phần gọi là bồi dưỡng thanh sắc" - NSƯT Thanh Loan nói.

NSƯT Thanh Loan, người đảm nhận vai ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn, tâm sự, với thế hệ bà, đi đóng phim là nhiệm vụ, không có cái gọi là cát-sê mà chỉ có khoản bồi dưỡng thanh sắc nhỏ. Vậy cũng đủ hạnh phúc, ai nấy hết lòng với vai diễn của mình.

NSƯT Thanh Loan vai ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn".

- “Biệt động Sài Gòn” đến với khán giả lần đầu tiên năm 1986. Hơn 30 năm trôi qua, giờ đây người ta vẫn nhắc về bộ phim như một mốc son của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Bà nghĩ gì về điều này?

Điều này là niềm vui, niềm vinh dự lớn với tôi và cả ê-kíp làm phim. Biệt động Sài Gòn có rất nhiều điểm đặc biệt. Đây là bộ phim màu đầu tiên của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Thời gian thực hiện bộ phim kéo dài 4 năm.

Thời đó, chúng tôi làm phim vất vả lắm. Cả nước chỉ có một cơ sở in tráng màu ngoài Hà Nội. Có những trường đoạn, chúng tôi quay sau, gửi từ TP.HCM ra Hà Nội, có kết quả in tráng rồi gửi lại, ê-kíp làm phim xem rồi mới có thể quay tiếp.

- Thời gian thực hiện của bộ phim lên tới 4 năm. Điều này gây khó khăn thế nào đối với các diễn viên?

Bộ phim được thực hiện trong suốt 4 năm nhưng chia thành nhiều giai đoạn chứ không liên tục. Điều này đòi hỏi rất cao về tính chuyên nghiệp của diễn viên. Nếu không nuôi dưỡng cảm xúc tốt, các diễn viên khó có thể hoàn thành vai diễn. Mà muốn nuôi dưỡng được cảm xúc, chúng tôi buộc phải hiểu toàn bộ nội dung của bộ phim, hiểu từng mạch phim, từng cảnh quay, số phận từng nhân vật, chứ không chỉ riêng nhân vật của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn gặp rất nhiều những khó khăn khác, chẳng hạn như có giai đoạn phải vừa quay vừa sửa kịch bản. Việc đi lại thời đó rất vất vả. Chúng tôi phải đi tàu hỏa hoặc đi nhờ máy bay quân sự của quân đội từ Hà Nội vào TP.HCM quay phim.

Vẻ đẹp của NSƯT Thanh Loan khi còn trẻ.

- Ni cô Huyền Trang là chiến sĩ cách mạng và cũng là nhà tu hành. Bà làm cách nào để hóa thân trọn vẹn vào nhân vật rất đặc biệt như thế?

Hồi đó chúng tôi làm phim nghiêm túc lắm. Sau khi đọc kịch bản, mỗi diễn viên đều phải nghiên cứ lý lịch nhân vật, xem nhân vật này sinh ra trong gia đình thế nào, có mối quan hệ thế nào với các nhân vật trong phim, tính cách, số phận ra sao. Chỉ bằng cách nghiên cứu kỹ như thế, chúng tôi mới tìm ra cách diễn phù hợp với nhân vật.

Để có thể hóa thân trọn vẹn vào vai ni cô Huyền Trang, tôi tới sống trong chùa Dược Sư hơn chục ngày.

NSƯT Thanh Loan

Tiếp sau đó, chúng tôi phải trải qua quá trình đi thực tế. Để có thể hóa thân trọn vẹn vào vai ni cô Huyền Trang, tôi tới sống trong chùa Dược Sư hơn chục ngày. Tôi quan sát cách các sư tụng kinh gõ mõ, đi thỉnh chuông thế nào, đi khất thực ra sao. Cuộc sống của những người tu hành khác những người bình thường. Họ sống chậm rãi, khoan thai, từ tốn. Cuộc sống bình thản. Tôi đã quan sát và đem được những nét đó vào nhân vật ni cô Huyền Trang.

Một điều nữa là thế hệ diễn viên chúng tôi luôn luôn thuộc thoại. Không bao giờ có chuyện diễn viên ra phim trường rồi mới học thoại hay đứng trước ống kính máy quay mà vẫn phải đợi người nhắc thoại. Khi diễn viên không thuộc thoại, họ cứ phải chờ người nhắc, gương mặt sẽ thể hiện sự căng cứng, không tự nhiên và không thể tập trung hoàn toàn vào việc thể hiện cảm xúc của nhân vật. Khi ấy, khán giả xem phim sẽ có cảm giác rất khó chịu.

 

- Nhiều khán giả vẫn nhớ tới cảnh ni cô Huyền Trang chân trần đi khất thực và bắt gặp người yêu - Tư Chung sánh bước bên cô gái khác. Bà có thể chia sẻ về cảnh quay này?

Đấy là một trong những cảnh quay phải huy động nhiều người tham gia nhất của phim Biệt động Sài Gòn. Cảnh quay được thực hiện trong nửa ngày ở khu vực Nhà thờ Đức Bà. Trước khi quay, cảnh sát phải có mặt để ngăn đường, tạm thời không cho người dân qua lại. 4 xe chữa cháy được huy động để tạo cảnh mưa và có rất nhiều diễn viên quần chúng.

Tôi nhớ khi thực hiện cảnh quay này, trời Sài Gòn rất nóng. Hơi nóng dưới mặt đất bốc lên, nước ở trên dội xuống khiến khiến tôi quay cuồng. Cảnh đó rất xúc động, không chỉ với riêng ê-kíp làm phim và còn với cả những diễn viên quần chúng. Họ chứng kiến sự lao động của người nghệ sĩ và cảm thấy rất thương.

Trong phim, ni cô Huyền Trang khi thấy người yêu - anh Tư Chung đi với người con gái khác thì úp mặt vào gốc cây khóc, còn tôi khi cảnh quay hoàn thành cũng đổ bệnh.

- “Biệt động Sài Gòn” được thực hiện trong vòng 4 năm, vậy cát-sê bà nhận được cho vai diễn đó thế nào?

Thời điểm đó chúng tôi đi đóng phim làm gì có cát sê, hợp đồng. Chúng tôi coi đó là nhiệm vụ, khi tổ chức cần là có mặt và cảm thấy vinh dự vì được phục vụ.

Tôi đóng Biệt động Sài Gòn khi đang là phát thanh viên của Truyền hình Công an. Vì thế, ngoài lương ở cơ quan, tôi có thêm một phần gọi là bồi dưỡng thanh sắc, tôi nhớ khi đó chừng 48 đồng một tháng.

Thời đó chúng tôi sống bằng tem phiếu, thấy có cơm ăn, quần áo đủ mặc, lại được làm nghệ thuật, thế là hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi không nghĩ nhiều về đồng tiền.

 

- Phim làm xong một tập, đạo diễn mới tìm được bà cho vai ni cô Huyền Trang. Việc tham gia đoàn làm phim chậm hơn các đồng nghiệp có khiến bà gặp khó khăn?

Tôi không gặp khó khăn gì. Lý do đầu tiên là nhân vật ni cô Huyền Trang chủ yếu xuất hiện từ tập 2 của phim. Tiếp đến, tôi thấy đây là vai diễn hay, có đất cho mình thế hiện. Thế nên tôi nhận lời với tâm thế rất thoải mái và hứng thú.

- Là nghệ sĩ nổi tiếng, cuộc sống của bà khi đó có điều gì đặc biệt?

Nghệ sĩ chúng tôi thường gọi nhau và tự gọi mình bằng cụm từ vui vui là “những tấm chứng minh thư di động”. Khi ra đường, chúng tôi được mọi người nhận ra, được yêu mến.

Nhưng nhìn chung, cuộc sống của chúng tôi khi đó cũng không khác những người bình thường. Tôi thuộc lớp người cổ điển, thích những gì dung dị, hiền lành, êm ả, thích sự chỉn chu, khiêm nhường, giản dị. Tôi không thích cuộc sống dữ dội, nhiều thay đổi.

- Có những nghệ sĩ nói rằng, vì đã cháy hết mình trong nghệ thuật nên ở đời thường, họ tự cho phép sống đúng với con người mình, không quá câu nệ vào việc giữ hình ảnh. Một số nghệ sĩ khác lại nghĩ, tất cả những gì họ có đều do khán giả trao tặng, nên họ có trách nhiệm giữ hình ảnh đẹp. Còn bà thì sao

Tôi nghĩ mỗi người đều có lựa chọn riêng và phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó. Tôi không phán xét, bình luận hay chỉ trích. Tôi chỉ nghĩ, các bạn sống hay thì được trái ngọt, các bạn sống dở thì nhận trái chua. Trong cuộc sống luôn có sự tồn tại của luật nhân quả.

Còn tôi vào trường nghệ thuật quân đội từ năm 16 tuổi, đến khi về hưu thì đã trải qua 42 năm tuổi quân. Tôi quen với cuộc sống ăn theo kẻng, ngủ theo kẻng, sống chỉn chu, không bon chen, không có nhu cầu ăn diện, nói chung là một cuộc sống hết sức bình dị.

Dù đã về hưu nhưng NSƯT Thanh Loan vẫn rất tích cực tham gia công tác.

- "Biệt động Sài Gòn" đạt được thành công lớn và vai ni cô Huyền Trang gây ấn tượng mạnh, được khán giả rất mực yêu mến. Vì sao sau vai diễn đó, bà không còn xuất hiện nhiều trên màn ảnh?

Là vì sau đó tôi chuyển sang làm công tác đạo diễn và quản lý. Tôi muốn tập trung hết sức cho vai trò của mình. Một phần nữa là tôi cũng không nhận được vai diễn nào ứng ý hơn ni cô Huyền Trang. Do đó, tôi muốn dừng lại để giữ hình ảnh đẹp trong khán giả.

- Ngoài vai trò diễn viên, bà từng đảm nhận vị trí Phó Giám đốc Điện ảnh Công An. Sau khi nghỉ hưu, bà trở thành Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, có mặt trong Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam. Điều gì khiến bà vẫn hăng say làm việc như thế?

Tôi không thuộc mẫu người nghỉ hưu rồi thì quanh quẩn ở nhà. Tôi thích tham gia các hoạt động của hội, trước tiên là để hỗ trợ đồng nghiệp, tiếp đến là mang lại niềm vui cho mình.

Những người không thích làm việc thì sẽ thấy mệt. Còn tôi thích được làm việc thì càng bận rộn, tôi càng tìm thấy nhiều niềm vui.

Thu Giang

Tin mới